Vén màn bí ẩn về nghi thức Tam phủ

GS Ngô Đức Thịnh nhận định: Nhiều hội thảo khoa học đã khẳng định hầu đồng là một hoạt động văn hóa, tín ngưỡng thuần Việt, xuất phát từ tín ngưỡng thờ mẹ. Ngay cả những người tự xưng là ông đồng, bà cốt cũng có đến 9/10 người không hiểu rõ về tín ngưỡng họ đang theo đuổi. Việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới đã đặt ra một loạt vấn đề về thực trạng quản lý hầu đồng - diễn xướng hạt nhân của tín ngưỡng này.
Vén màn bí ẩn về nghi thức Tam phủ

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ: Di sản trước nỗi lo bị biến dạng

>> Kỳ trước: “Bảo tàng sống” lưu giữ bản sắc văn hóa

GS Ngô Đức Thịnh nhận định: Nhiều hội thảo khoa học đã khẳng định hầu đồng là một hoạt động văn hóa, tín ngưỡng thuần Việt, xuất phát từ tín ngưỡng thờ mẹ. Ngay cả những người tự xưng là ông đồng, bà cốt cũng có đến 9/10 người không hiểu rõ về tín ngưỡng họ đang theo đuổi. Việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới đã đặt ra một loạt vấn đề về thực trạng quản lý hầu đồng - diễn xướng hạt nhân của tín ngưỡng này.

Nỗi lo lệch chuẩn

Thực tế, thông tin về việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được công nhận là di sản được lan truyền mạnh mẽ trong xã hội và đặc biệt là giới “đồng bóng”. Bên cạnh niềm hân hoan vì có thêm di sản mới, nhiều thanh đồng (người đứng giá hầu đồng gọi chung là thanh đồng, thanh đồng là nam giới được gọi là cậu, nữ giới gọi là cô hoặc bà đồng - PV) cũng lên kế hoạch tổ chức những vấn đồng (tổ chức hầu đồng) lớn để đánh dấu sự kiện này. Chính sự phấn khích hơi quá của các thanh đồng trong sự kiện này đã khiến nhiều người lầm tưởng di sản được UNESCO công nhận chính là hầu đồng!

Theo những người tâm huyết với di sản dân tộc thì đây là cơ hội để vén bức màn bí ẩn mà lâu nay người ta vẫn gắn với việc thực hành nghi lễ Tam phủ, cơ hội để phân rõ trắng - đen, hạn chế những biến tướng mà lâu nay dư luận vẫn nhắc tới như “mê tín dị đoan, đồng bóng, rửa tiền…”.

Với nhiều dụng cụ hỗ trợ theo từng giá đồng, nhiều người cho rằng hầu đồng của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đang bị biến tướng

GS Ngô Đức Thịnh chia sẻ, trong suốt thời gian dài, hàng trăm năm tồn tại, nghi lễ hầu đồng đã bị diễn dạng, không còn giữ được quy chuẩn của thuở ban đầu. “Thẳng thắn mà nói, tín ngưỡng thờ mẫu đang rơi vào tình trạng lệch chuẩn mạnh. Theo quan điểm của cá nhân tôi, có tới 80% ông đồng, bà đồng hiện nay không hiểu biết đầy đủ về hệ thống giá trị của đạo Mẫu mà chỉ say sưa với... lên đồng. Còn khán giả hào hứng với hầu đồng thế nào thì khỏi bàn”, GS Ngô Đức Thịnh nhận xét. Cũng theo GS Ngô Đức Thịnh, đây là điều dễ hiểu, khi trong nhịp sống của xã hội hiện đại con người dễ vội vã tìm tới với những vấn đề về tín ngưỡng hay đức tin để tạo sự cân bằng, nhưng lại không được chuẩn bị đầy đủ về vốn kiến thức.

GS Trần Lâm Biền cũng bày tỏ lo lắng khi xu hướng vật chất hóa trong việc thực hành tín ngưỡng thờ mẫu đang xuất hiện ngày càng nhiều. GS Trần Lâm Biền chia sẻ: “Hầu đồng chỉ có ý nghĩa nếu người hầu đồng đạt tới trạng thái tinh thần cao siêu. Họ quên hết thực tại, tiếp cận được cõi bồng bềnh, ảo ảnh hư - thực, ẩn chứa trong tâm hồn và tư duy con người. Họ nhảy múa quên hết, lấy roi vụt cũng không biết. Nếu không có điều ấy thì hầu đồng chỉ là một hình thức diễn xướng mà thôi. Dân gian vẫn gọi vui bằng các khái niệm “đồng tỉnh” và “đồng mê”. Trong đó, “đồng mê” mới thật sự gần được thần linh, còn “đồng tỉnh” không được. Không chỉ thế, trước đây chỉ cần chiếc khăn đỏ, một bộ quần áo đã có thể lên đồng, quà phát lộc chỉ cần vài trái táo tượng trưng. Song tới giờ có những giá đồng (một buổi hầu đồng có nhiều giá đồng), chỉ riêng tiền phát lộc đã hàng chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Xu hướng vật chất hóa này khiến hầu đồng bị định kiến là hoang phí, khoe mẽ. Đó chính là biến tướng”.

Vì thế, khi UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là di sản văn hóa thế giới, đã mang lại cả thách thức lẫn cơ hội lớn cho các cơ quan quản lý.

Tìm lại chuẩn mực

Vài năm trước đây, Sở VH-TT Hà Nội cũng đã chọn cách tổ chức các liên hoan hát văn quy mô lớn với mục đích đưa hoạt động thực hành tín ngưỡng trở về với quỹ đạo vốn có. Thay vì lảng tránh đưa hầu đồng vào các chương trình trình diễn chính thức, gần đây, Hà Nội liên tục đưa các giá đồng lên sân khấu biểu diễn, mời các thanh đồng tham gia tọa đàm để những người thực hành di sản hiểu hơn về di sản. Đó là những động thái trước và sau khi di sản được vinh danh để tín ngưỡng thờ mẫu của người Việt không bị lệch pha.

Ngay việc nghệ thuật hóa nghi lễ hầu đồng, đưa nghi thức này lên sân khấu trình diễn cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Trong khi người làm nghệ thuật đang nỗ lực đưa nghệ thuật này đến với đông đảo người xem, thậm chí đưa các chương trình biểu diễn tới khán giả ở nước ngoài qua các màn trình diễn được cách điệu mang nặng tính nghệ thuật, biểu diễn để gần gũi hơn với người xem thì nhiều nhà nghiên cứu lại cho rằng đó là cách làm tầm thường hóa nghi thức này.

Theo TS Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo, cần phải trả lại không gian truyền thống cho nghi lễ này. TS Nguyễn Quốc Tuấn phân tích: “Việc đưa thực hành tín ngưỡng thờ mẫu lên sân khấu có thể phá vỡ ý nghĩa về tâm linh, tôn giáo, vì đó không phải là không gian của hát văn. Chỉ nên dừng lại ở mô phỏng, chứ không thể đưa các nhân vật như cô đồng, bà đồng lên sân khấu trình diễn. Tôi cho rằng cần phải bảo tồn, phát huy giá trị của tín ngưỡng thờ mẫu.  Tuy nhiên, không thể tầm thường hóa câu chuyện của nó”. Đồng tình quan điểm này, GS Đặng Văn Bài cũng cho rằng, việc sân khấu hóa nghi thức này sẽ dẫn tới lệch chuẩn.

Nhiều nhà nghiên cứu hy vọng, sau khi được UNESCO vinh danh, cơ quan chức năng sẽ có hướng quản lý hợp lý để hầu đồng không bị thương mại hóa, bị lợi dụng để trục lợi cá nhân.

MAI AN

>> Kỳ tới: Tránh làm biến dạng di sản

Tin cùng chuyên mục