
77 tuổi đời, 30 năm tuổi Đảng, cuộc sống và sự nghiệp thành công của ông được trải nghiệm trên cả 4 vai trò: Sĩ, Nông, Công, Binh.
Dù trong thời kỳ nào, hoàn cảnh nào, ông vẫn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, công việc được giao phó. Nhiều người vẫn hay gọi ông một cách trìu mến và cảm phục là “Hạt giống đỏ, tỷ phú đỏ”. Ông chính là Giáo sư Lê Minh Ngọc – Nguyên Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Văn Hiến, một Đảng viên trung kiên làm kinh tế giỏi, một nhà giáo giàu tâm huyết.
Sinh ra trong một gia đình cách mạng, Giáo sư Lê Minh Ngọc sớm thừa hưởng những giá trị truyền thống gia đình, 13 tuổi ông đã tham gia Vệ quốc quân với nhiệm vụ là móc nối và đưa tin tức cho các chiến sĩ hoạt động bí mật. Giáo sư Lê Minh Ngọc thường nói, cội nguồn đưa ông tới thành công của ngày hôm nay bắt nguồn từ chính những năm tháng được thử thách trong môi trường thiếu sinh quân ngày đó- Nơi ông được học những bài học đầu tiên về cuộc đời.

Nhà giáo, doanh nhân Giáo sư Lê Minh Ngọc (thứ hai từ trái sang) vinh dự được Hiệp hội DNNVV Việt Nam trao tặng chữ Tâm.
Trên thương trường, ông được biết đến với cương vị một doanh nhân thành đạt, tiên phong đi đầu trong những lĩnh vực khó và mới mẻ ở Việt Nam như: Sản xuất men bánh mì, sản xuất hóa thực phẩm làm thạch dừa và sôcôla,... Ông cũng là người biến những vùng đất Tây Nguyên hoang hóa thành những mảnh đất bốn màu xanh tươi với những đồi chè, cà phê xanh ngát, bội thu. Nhiều người cho rằng, làm trang trại nông nghiệp, cái lớn nhất là ông đã làm được một việc nhân nghĩa với người nghèo, tạo công ăn việc làm ổn định cho họ. Thành công trên thương trường là vậy, nhưng có lẽ sự nghiệp trồng người, mới là "duyên nghiệp”, tâm niệm lớn nhất và là niềm tự hào của đời ông.
Chính vì thế, vào cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, doanh nhân-thầy giáo Lê Minh Ngọc vẫn hăng hái tham gia sáng lập, xây dựng Trường Đại học Văn Hiến, tích cực thực hiện hiệu quả chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và nhà nước. Thầy tâm sự: “Tôi còn sức khỏe là còn cảm thấy mình “nợ” ngành giáo dục, còn thấy có trách nhiệm với lớp trẻ”.
Tâm huyết ấy được thầy hăng say thực hiện bằng trọng trách của một Bí thư Đảng ủy, kiêm Trưởng Khoa Xã hội học Trường ĐH Văn Hiến. Thầy cho biết thêm: “Giáo dục là việc làm lâu dài, đòi hỏi người thầy phải có tâm và có đủ lực. Với tôi, khát vọng của một người làm thầy là được góp một phần nhỏ đầu tư vào giáo dục, đào tạo những công dân có đủ tài, đức phục vụ làm giàu, làm rạng danh cho quê hương đất nước. Điều này cũng giống như lý do tại sao cách đây vài chục năm, tôi bất chấp những phản đối từ bạn bè, người thân thậm chí là những lời mắng cho rằng tôi liều và ngông. Nhưng tôi ý thức được việc đầu tư vào vùng đất trống, đồi trọc là phù hợp với quy định của Chính phủ và với yêu cầu kinh tế, tôi dùng số tiền mình có góp một phần nhỏ vào việc làm giàu cho đất nước là điều vinh hạnh và niềm vui to lớn”.
Dù đã trở thành nhà kinh doanh thành đạt, được nhiều người ngưỡng mộ nhưng dù đi đâu, làm gì Giáo sư Lê Minh Ngọc cũng giữ cho mình cốt cách của một nhà giáo, một Đảng viên kiên trung. “Hạt giống đỏ”, “Nhà tỷ phú đỏ” ấy chính là niềm tự hào cho những tấm gương đã vượt qua những thử thách, cam go bằng chính sức mạnh của niềm tin và khát khao được sống, được cống hiến cho tổ quốc, cho cách mạng.
Khánh Uyên