Cảm giác chung của nhiều người dân TPHCM khi đi xe máy ra đường, nhất là đi xe đắt tiền ở khu vực vắng vẻ, hay đi làm về khuya ở quận ven, nghe điện thoại bên vệ đường hoặc để bất cứ túi đồ trên giỏ xe, đeo bên người cũng đều thấp thỏm âu lo, thậm chí có người còn bị ám ảnh cảnh bọn cướp chặt tay mình để cướp xe, giật đồ! Nhiều lần Công an TPHCM ra quân trấn áp tội phạm, phá nhiều băng cướp giật nhưng dường như chẳng làm bọn côn đồ chùn tay. Chúng vẫn ngang nhiên lộng hành, có khi xông thẳng vào nhà dân giết người, cướp của giữa ban ngày như vừa xảy ra mới đây. Mỗi lần đọc tin bọn cướp hung hãn tấn công người dân vô tội là cảm giác bất an lại xâm chiếm.
Tệ nạn xã hội, đặc biệt là nạn cướp giật táo tợn dùng hung khí không chỉ gây hoang mang cho cuộc sống người dân mà còn làm ảnh hưởng xấu đến môi trường văn hóa, môi trường đầu tư và hình ảnh TPHCM đang hướng tới xây dựng một thành phố văn minh, hiện đại theo Nghị quyết 16-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020”.
TPHCM là trung tâm kinh tế, văn hóa, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế của cả nước. Nhưng đồng thời, TPHCM cũng là “vùng trũng” về tội phạm và tệ nạn xã hội. Tệ nạn ma túy, cướp giật thường liên quan đến nhau. Theo thống kê của ngành công an, đa số các đối tượng cướp giật đều nghiện ma túy. Một khi đói thuốc, chúng liều lĩnh, hung tợn đến mất tính người. Việc để cho tội phạm, tệ nạn xã hội gia tăng cùng với những diễn biến phức tạp khó lường, cho thấy công tác phòng, chống chưa đạt hiệu quả cao. Rõ nhất là việc phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành, đoàn thể vẫn chưa chặt chẽ và thường xuyên; công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động chưa linh hoạt, sáng tạo, chưa có một chiến dịch truyền thông mạnh mẽ; các chính sách, chế độ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện còn bất cập và để cho tỷ lệ tái nghiện còn khá cao, số người nghiện ngày càng gia tăng. Trong khi đó, công tác quản lý địa bàn, khả năng dự báo, nắm bắt thông tin và thu thập số liệu về diễn biến của ma túy, tội phạm còn hạn chế.
Một tháng qua, lực lượng cảnh sát giao thông Công an TPHCM phối hợp với cảnh sát cơ động, cảnh sát hình sự, cảnh sát 113, đặc nhiệm mở đợt ra quân tổng lực trấn áp tội phạm ở nhiều địa bàn phức tạp về an ninh trật tự, trong đó có khu vực trung tâm TP. Qua kiểm tra một số tụ điểm ăn chơi thâu đêm, đo nồng độ rượu, kiểm tra giấy phép lái xe sau 24 giờ, lực lượng công an đã phát hiện nhiều đối tượng uống rượu mạnh, dùng thuốc lắc, ma túy tổng hợp, mang theo hung khí… Chiến công của các anh làm cho tình hình tội phạm tạm thời lắng xuống, người dân có phần an lòng hơn, tin tưởng về quyết tâm lập lại trật tự xã hội, nhưng dường như đó mới chỉ ở phần ngọn.
Để giải quyết căn cơ, cốt lõi vẫn là phát triển kinh tế-xã hội để cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho người lao động; tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về phòng chống tệ nạn xã hội, ma túy theo cách “vào từng ngõ, gõ từng nhà” gắn với cuộc vận động “Xây dựng xã, phường văn hóa, không có tệ nạn ma túy”. Yêu cầu đặt ra là nâng cao nhận thức của nhân dân, của cán bộ, đảng viên để mỗi người tự nguyện, tích cực tham gia và tự phòng chống, tạo thành làn sóng rộng khắp trong phong trào chống nạn cướp giật, tệ nạn xã hội. Nghiên cứu những thiết chế bắt buộc đối với cha, mẹ và nhà trường trong việc giáo dục con em và học sinh trong việc phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy. Tăng cường vai trò lãnh đạo và quản lý của các cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác đấu tranh phòng chống và kiểm soát đối tượng tệ nạn xã hội trên địa bàn...
Thường vào cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán sắp tới, các loại tội phạm gia tăng mạnh, nên hơn lúc nào hết, mọi người hãy chung tay, góp sức cùng lực lượng công an và các cấp chính quyền đẩy mạnh đấu tranh phòng chống nạn cướp giật, tệ nạn xã hội, đồng thời bản thân mỗi người luôn đề cao cảnh giác bảo vệ tính mạng, tài sản của chính mình.
Tuấn Sơn