Vi phạm an toàn lưới điện - Hiểm họa lửng lơ

Công trình “ôm” lưới điện cao thế
Vi phạm an toàn lưới điện - Hiểm họa lửng lơ

Sự cố một ngọn cây chạm vào đường dây truyền tải 500kV gây mất điện toàn khu vực phía Nam tại tỉnh Bình Dương vào hạ tuần tháng 5 mới đây cảnh báo nguy cơ hệ thống truyền tải điện đang bị đe dọa rất cao. Chỉ riêng tại TPHCM, hàng ngàn công trình xây dựng nằm lọt thỏm bên dưới đường dây cao thế, thậm chí có nơi người dân xây cất nhà “ôm” sát móng trụ điện rất nguy hiểm.

Trụ điện cao thế 110kV bị bao quanh bởi nhà số 1736 quốc lộ 1A và các nhà xung quanh ở phường Tân Thới Hiệp, quận 12. Ảnh: CAO THĂNG

Trụ điện cao thế 110kV bị bao quanh bởi nhà số 1736 quốc lộ 1A và các nhà xung quanh ở phường Tân Thới Hiệp, quận 12. Ảnh: CAO THĂNG

Công trình “ôm” lưới điện cao thế

Dọc quốc lộ 1 bắt đầu từ ngã tư Thủ Đức chạy dài về đến ngã ba rẽ qua đường dẫn vào đường cao tốc Trung Lương, hàng loạt công trình nhà xưởng xây dựng ngay bên dưới và kẹp sát đường dây 110kV - 220kV. Ngay tại khu vực mặt tiền Bến xe Ngã tư Ga, quận 12, hàng loạt lô cốt được xây cất phía dưới lưới điện cao thế. Khoảng cách từ mái tôn đến đường dây cao thế chừng vài mét.

Đáng chú ý, khu vực này xe cộ thường xuyên ra vào, người dân đi lại và tá túc rất đông. Giả sử, khi đường dây điện này bị rò rỉ dẫn đến nhiễm điện hoặc cáp điện có sự cố đứt rơi xuống những lô cốt này, hậu quả thật khó lường. Chưa kể, trường hợp phóng điện rất dễ xảy ra.

Cách chừng 1km về hướng ngã tư An Sương, nằm bên dưới đường dây 220kV có hàng rào bao quanh với chiều dài chừng 300m mặt tiền là Quận ủy, UBND quận 12. Một cán bộ Điện lực TPHCM cho biết, cách đây vài năm, khi trụ sở mới vừa xây dựng, quận 12 xây dựng tường bao quanh trụ và đường dây điện không đúng với quy định, nhưng chỉ để trồng cây cảnh nên không ảnh hưởng nhiều đến an toàn công trình lưới điện. Tuy nhiên, sau đó quận 12 đã xây dựng công trình bằng khung thép mái tôn ngay bên dưới đường dây điện để làm nơi để xe.

“Mỗi lần vào quận làm giấy tờ, vừa tới cổng nhà giữ xe, ngửa mặt thấy đường dây điện chạy trên đầu, tôi thấy ớn lạnh. Chưa kể, những lúc trời mưa chúng tôi phải đợi hết mưa, khô ráo mới dám vào lấy xe ra về”, chị Nguyễn Thị Hảo, ngụ phường Tân Thới Nhất, quận 12 cho biết.

Có thể do biết được mối nguy hiểm khi phải “chui” qua đường dây 220kV để vào cơ quan nên UBND quận 12 đã trổ thêm một cửa phụ bên hông để “né”, còn cổng chính luôn đóng kín. Tuy nhiên, việc xây dựng nhà xe cho người dân lui tới làm thủ tục giấy tờ lại đặt ngay bên dưới đường dây điện cao thế thật sự quá nguy hiểm nếu có sự cố xảy ra. Chưa kể, khả năng xảy ra tình trạng phóng điện từ đường dây cao thế xuống công trình nhà xe này rất cao.

Tương tự, từ ngã tư An Sương kéo dài đến khu vực ngã tư Gò Mây, quận Bình Tân và chạy đến ngã ba rẽ vào đường cao tốc Trung Lương, hầu hết công trình nhà xưởng đều xây dựng bên dưới đường dây cao thế 110kV và 220kV. Đáng chú ý, đoạn đường dây 220kV và 110kV chạy qua phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, nhiều nhà xưởng xây dựng chỉ cách đường dây 1 - 2m, có nơi vách nhà “ôm” luôn trụ điện cao thế. 

Quy định thiếu chặt chẽ

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hiện cả nước có 4.848km đường dây 500kV, 11.313km đường dây 220kV và hàng chục ngàn kilômét đường dây 110kV, trung thế và hạ thế. Năm 2012, hệ thống đường dây truyền tải điện khu vực miền Trung - Tây Nguyên xảy ra 31 lần sự cố, chủ yếu do cháy rừng phòng hộ, cháy nương rẫy... Khu vực miền Nam cũng có 22 sự cố, trong đó, sự cố do vi phạm hành lang an toàn chiếm 36,4%.

Theo Công ty Lưới điện cao thế TPHCM, hiện đơn vị đang quản lý vận hành trên 40 tuyến đường lưới điện cấp điện áp 110 - 220kV, trải rộng khắp địa bàn với tổng chiều dài trên 608,70km đi qua 23 quận, huyện (trừ quận 4 không có lưới cao thế 110 - 220kV đi qua). Hiện tại, cả địa bàn có trên 3.000 công trình các loại xây dựng trong hành lang an toàn lưới điện và khoảng 240 công trình vi phạm cần di dời, cưỡng chế ngay.

Trong đó có nhiều điểm nóng mất an toàn lưới điện tái diễn nhiều lần do bất cẩn hoặc không tuân thủ các quy định về khoảng cách an toàn lưới điện như sử dụng máy cẩu thi công công trình cầu, đường...

Bên cạnh đó, nhiều vị trí lòng trụ điện hoặc phía dưới đường dây cao thế trải khắp TP bị người dân lấn chiếm để buôn bán, để vật dụng... vừa mất an toàn lưới điện vừa tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng của người dân mỗi khi sự cố điện xảy ra.

Ông Bùi Hải Thành, Giám đốc Công ty Điện lưới cao thế TPHCM, cho biết việc hàng ngàn công trình xây dựng, tồn tại trong khu vực lưới điện cao thế là do quy định, chế tài thiếu chặt chẽ. Trong đó, quy định gần nhất cho phép xây dựng công trình phía dưới đường dây cao thế 110kV và 220kV với điều kiện phải tuân thủ các quy định về khoảng cách, điều kiện an toàn hệ thống điện. “Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, các chủ công trình thường “lách” quy định để xây dựng cơi nới gây mất an toàn hệ thống điện. Trong khi đó, quy định về chế tài, xử phạt còn bất cập, chồng chéo nên nhiều công trình vẫn tồn tại tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn điện”, ông Bùi Hải Thành nói.

Để tránh thiệt hại, rủi ro do sự cố an toàn hệ thống điện, trước mắt chính quyền địa phương hỗ trợ với ngành điện ngăn chặn các hành vi vi phạm xâm hại hành lang an toàn lưới điện cao áp như thả diều, vật bay các loại; lắp bảng quảng cáo, tấm bạt… Kiên quyết xử lý triệt để trường hợp người dân chiếm dụng lồng trụ điện để buôn bán, treo vật dụng. Bên cạnh đó, xử lý nghiêm khắc những công trình xây dựng trong hành lang an toàn lưới điện.

LẠC PHONG


Nhiều công trình… mắc kẹt

Nhiều công trình truyền tải điện khu vực TPHCM thuộc nhóm dự án trọng điểm đang mắc kẹt trong quá trình thi công. Trong khi đó, hệ thống truyền tải điện luôn trong tình trạng đầy và quá tải vào những lúc cao điểm nên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung cấp điện trong những năm tới.

Theo Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVN TPHCM), hầu hết các dự án truyền tải điện nêu trên sử dụng vốn vay của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB) để bổ sung năng lực truyền tải điện cho TPHCM.

Đơn cử, dự án “Trạm biến áp 220kV Củ Chi và các đường dây 220 - 110kV đấu nối” dù đã tổ chức đấu thầu, lựa chọn được nhà thầu và ký hợp đồng thi công xây lắp với nhà thầu từ tháng 1-2013 nhưng đến nay vẫn chưa thể khởi công vì chưa có mặt bằng. Nguyên nhân, đến nay chính quyền địa phương vẫn chưa có phương án bồi thường, do đó chưa thể tổ chức thực hiện chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Với trường hợp này, ngành điện đề nghị sớm có phương án bồi thường, trường hợp các hộ cần hỗ trợ, bồi thường thêm thì sẽ tính bổ sung sau nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án.

Tương tự, đến nay tất cả các gói thầu của dự án Đường dây 220kV Cầu Bông - Củ Chi, đã chọn xong nhưng vẫn chưa có mặt bằng để khởi công.

Ông Phạm Quốc Bảo, Phó Tổng Giám đốc EVN TPHCM, cho biết dự án này chưa thể triển khai do không tìm được người chủ đất để bồi thường. Cụ thể, theo Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Củ Chi, đến nay đã xác định được trên 80% tên chủ sử dụng đất bị ảnh hưởng, tuy nhiên địa chỉ của các chủ sử dụng đất chỉ xác định được khoảng 50%. Đáng chú ý, đây là dự án cấp bách nhằm giải tỏa nguồn công suất của Trạm biến áp 500kV Cầu Bông nên phải hoàn tất dự án và đóng điện đồng bộ với dự án Trạm biến áp 500kV Cầu Bông.

Đối với dự án Trạm biến áp 110kV Bàu Đưng, huyện Củ Chi, cũng không có mặt bằng thi công vì các hộ dân ảnh hưởng không đồng ý với đơn giá bồi thường cây cao su, một số hộ dân không muốn đường dây đấu nối đi ngang qua phần đất của họ. Ngoài ra, các dự án Trạm biến áp 220kV, quận 8 hay Trạm biến áp 110kV An Phú quận 2... hiện cũng đang vướng mặt bằng nên không thể thi công. Ông Phạm Quốc Bảo nhận định, nếu các dự án trên tiếp tục chậm tiến độ, nguồn cung điện cho TPHCM trong các năm tới ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng.

Trước những vướng mắc trên, EVN TPHCM đã nhiều lần có kiến nghị gửi UBND TP. Trong đó, tùy vướng mắc của từng dự án, EVN TPHCM đề nghị sớm có ý kiến chấp thuận chủ trương cho phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ thiệt hại của các dự án. Hỗ trợ ngành điện vận động các hộ dân bị ảnh hưởng bởi các vị trí móng trụ nhận tiền tạm ứng bồi thường theo ý kiến thống nhất của tổ công tác và Sở Tài chính để bàn giao mặt bằng, tổ chức thi công trước, thời gian trong tháng 6.

Với các dự án khác, ngành điện đề xuất chi phí tạm ứng bồi thường bao gồm tiền bồi thường đất nông nghiệp và tiền bồi thường cây trồng theo đơn giá quy định của địa phương. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện bồi thường để bàn giao mặt bằng của một số trạm điện ngay trong tháng 6.

Trước tình hình cấp bách của các dự án trên và nguy cơ quá tải hệ thống truyền tải điện sắp tới nếu các dự án không sớm được hoàn thành và đưa vào sử dụng kịp thời, trong một cuộc họp mới đây, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà chỉ đạo các đơn vị liên quan nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Tình trạng chậm tiến độ rơi vào một số dự án điện quan trọng như dự án trạm biến áp 220kV Củ Chi và đường dây 220kV Cầu Bông - Củ Chi sử dụng vốn vay JICA, trạm biến áp 110kV Bàu Đưng (vốn JICA), trạm biến áp 220kV quận 8 (vốn JICA), đường dây 220kV Nam Sài Gòn - quận 8 (vốn ADB)…

THẢO TIÊN

Tin cùng chuyên mục