Vấn đề tôn trọng bản quyền, quyền sở hữu trí tuệ lại một lần nữa nóng lên sau khi Quốc hội đề xuất sẽ xử nặng các vi phạm trong lĩnh vực bản quyền. Nhiều năm sau khi Việt Nam gia nhập Công ước Berne, WTO, TRIPS…, vấn đề vi phạm bản quyền vẫn là thực trạng nhức nhối tại Việt Nam.
Ly kỳ chống sách lậu
Gia nhập thị trường sách vào năm 1994, Công ty Văn hóa sáng tạo Trí Việt (First News) được xem là một trong những đơn vị thành công ở lĩnh vực kinh doanh sách. Bên cạnh đó, đây cũng được xem là đơn vị đi đầu cả nước trong cuộc chiến bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ với hơn 65 lần trực tiếp truy bắt sách lậu. Nhớ lại hành trình chống sách lậu của công ty, ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc First News, nhớ mãi cuộc truy bắt cơ sở in lậu tại Thái Nguyên.
Sau khi nhận được tin các bản sách lậu tràn ngập thị trường Hà Nội, công ty đã cử người theo dõi suốt 6 tháng, thậm chí còn cho nhân viên đóng giả khách hàng để đột nhập vào tận xưởng in chụp ảnh, quay phim. Khi có chứng cứ, công ty đã giao cho công an và đích thân Trung tướng Nguyễn Việt Thành lúc bấy giờ trực tiếp chỉ đạo. Một kế hoạch vây bắt công phu được lập ra với các chi tiết được tính toán cẩn thận như trước khi bước vào một cuộc chiến. Lực lượng vây bắt rời Hà Nội vào nửa đêm trên 5 xe công vụ và chỉ có người đứng đầu biết điểm đến. Đến nơi, các chiến sĩ bao vây nhà in, túc trực ở các căn nhà, khách sạn xung quanh. Tuy nhiên, khi đó chưa có lệnh khám xét, lực lượng bao vây phải chờ đến khi một xe tải rời nhà in, rồi phối hợp với CSGT Thái Nguyên chặn xe. Khi phát hiện trong xe có sách lậu, xe được di lý xuống Hà Nội và sau đó mới có lệnh khám xét nhà in. Hơn 100.000 bản in sách lậu đã được phát hiện trong vụ này. Giám đốc và phó giám đốc nhà in bị bắt ngay tại chỗ.
Bài học từ vụ việc trên đã mang lại nhiều kinh nghiệm cho công ty trong các vụ phát hiện sách lậu sau này. Như trong lần tố cáo các trường ngoại ngữ ở TPHCM in và phát tán sách lậu, công ty đã phải thuê luật sư đóng tiền vào học ở trường để mua sách, lấy chứng cứ theo đúng pháp luật. Vì thế, cho đến nay First News vẫn là nhà xuất bản duy nhất thành công trong việc bắt các đơn vị vi phạm bản quyền phải bồi thường.
Tuy nhiên, thành công của First News chỉ là một ngoại lệ trong thị trường sách hiện nay, thậm chí thành công này cũng quá nhỏ bé với bản thân đơn vị. Ông Nguyễn Văn Phước cho biết: “Hiện nay chúng tôi có khoảng 100 đầu sách bán chạy và tất cả đều có sách lậu nhan nhản ngoài thị trường. Tôi không thể để nhân viên bỏ công tác chuyên môn mà chăm chăm chạy bắt sách lậu được”.
Truyền hình - Tinh vi và kín đáo hơn
| |
Không trắng trợn, ồn ào và “đổ lì” như vài năm về trước, giờ đây, những vụ vi phạm bản quyền truyền hình có phần tinh vi và kín đáo hơn. Theo tiết lộ của một người có thâm niên trong kinh doanh cung cấp các chương trình truyền hình: Nếu trước kia các đài truyền hình tự lấy DVD để phát sóng, thì nay, vì hiểu rõ vấn đề bản quyền, nên một số đài tìm công ty đại diện (mà công ty này thực chất là của nhà đài) để làm hợp đồng mua bản quyền chương trình phát sóng. Nếu không bị phát hiện vi phạm bản quyền thì thôi, còn bị phát hiện, công ty đại diện mới là đơn vị chịu trách nhiệm chứ không phải nhà đài. Việc kiện tụng bao giờ cũng kéo dài vài năm và công ty đại diện cứ việc đeo bám kiện cáo, còn nhà đài “vô can”. Ở lĩnh vực phim truyện, hiện nay để tránh rắc rối, đa số các nhà đài ít dám “đụng” vào phim Mỹ vì những phim này hầu hết đều có công ty đại diện giao dịch bán bản quyền tại Việt Nam. Các đài chủ yếu nhắm vào các phim của các nước trong khu vực châu Á, mà cũng chỉ là những phim loại thường, nên ít bị phát hiện.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, kinh phí mua bản quyền các chương trình truyền hình rất lớn. Truyền hình cáp SCTV chi tiền bản quyền một năm chiếm gần 30% trong tổng chi phí. Kinh phí mua bản quyền các mùa giải thể thao trên Kênh K+ là một con số khổng lồ mà không phải đài truyền hình nào cũng có đủ tiềm lực để mua. Vì thế, tình hình vi phạm bản quyền các chương trình truyền hình vẫn xảy ra thường xuyên. Ông Cao Văn Liết, Tổng Giám đốc kênh K+, cho biết: “Các đơn vị kinh doanh truyền hình vi phạm bản quyền của K+ nhiều lắm và thường vi phạm ở dạng phát lại K+1 khi không được phép hoặc lấy tín hiệu từ nguồn khác, nhưng bản quyền chương trình là của K+… Mỗi lần phát hiện có sự vi phạm bản quyền, chúng tôi đều làm công văn gửi đến đơn vị vi phạm và gửi cơ quan chức năng. Khi ấy đơn vị vi phạm xuống sóng, nhưng được một thời gian lại cho lên sóng. Ở Việt Nam hiện chưa có chế tài đủ sức răn đe, nên tình trạng vi phạm bản quyền vẫn cứ tái diễn”.
Âm nhạc - Chuyện dài chưa có hồi kết
Theo ông Đinh Trung Cẩn, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả phía Nam, tình hình thực thi tác quyền tác giả âm nhạc hiện nay đã được cải thiện đáng kể do thời gian qua, số lượng các đơn vị kinh doanh có sử dụng tác phẩm âm nhạc trong hoạt động kinh doanh thương mại đăng ký thực hiện nghĩa vụ trả tiền tác quyền ngày càng tăng.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều đơn vị đã và đang sử dụng các tác phẩm âm nhạc trong hoạt động kinh doanh trực tiếp hoặc gián tiếp vi phạm quyền tác giả, cố tình né tránh không thực thi mặc dù trung tâm đã nhiều lần gửi văn bản và làm việc trực tiếp với các đơn vị này đề nghị thực thi quyền tác giả, điển hình như các khách sạn: Sofitel, Ramana, Nikko Sài Gòn, Starcity, Rex hoặc truyền hình cáp SCTV, VTC… Còn các đơn vị biểu diễn có Công ty Tiếng Xưa mà cụ thể là các chương trình biểu diễn xuyên Việt của ca sĩ Thanh Tuyền (hải ngoại) hay chương trình Một thời để yêu và một thời để nhớ vừa qua, tất cả đã không thực thi quyền tác giả dù trước đó đã hứa thực hiện.
| |
NHƯ HOA - TƯỜNG VY