Được biết đề án quy hoạch và kế hoạch nâng cấp xây dựng các công trình văn hóa từ năm 2012 đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt. Là người làm sân khấu, niềm vui đó đến với chúng tôi cùng với nhiều băn khoăn lo ngại trước số tiền lớn chi trong 8 năm để xây 51 nhà hát trong cả nước. Nhiều người đặt câu hỏi sao lại là 51 nhà hát, mà không phải là 61 hay 63? Cấp kinh phí xây dựng theo quan điểm bình quân, cái bánh chia đều ai cũng có phần, hay cấp tiền xây có trọng điểm, cho nơi nào thật sự cần có nhà hát và hoạt động tốt hơn khi có nhà hát.
Nhà nước chỉ nên xây dựng cho tỉnh, thành thực sự cần có nhà hát để hoạt động hiệu quả hơn. 10.800 tỷ đồng là số tiền rất lớn mà bao nhiêu người dân làm lụng vất vả đóng thuế mới có được, nếu đem chia bình quân, dàn trải thì số tiền ấy quá nhỏ, nhưng nếu đầu tư xây dựng cho một số trọng điểm thì số tiền ấy lại quá lớn. Để không lãng phí, nên chăng nhà nước xem xét đầu tư chủ yếu cho một số địa phương, tỉnh thành có đoàn sân khấu biểu diễn, thực sự có công chúng hoặc thực sự có hoạt động sáng tạo văn hóa văn nghệ.
Đầu tư mạnh không chỉ cho một nhà hát đa năng hay tổng hợp mà xây nhà hát cho loại hình nghệ thuật như nhà hát kịch, nhà hát cải lương, hát bội, múa rối, xiếc… kinh phí chỉ hết một phần trong con số 10.800 tỷ đồng. Như vậy sẽ tránh được hiện tượng xây cho đẹp rồi bỏ đó rất lãng phí như trường hợp nhiều trung tâm văn hóa quận, huyện xây sân khấu biểu diễn với khán phòng rộng đẹp nhưng ít biểu diễn, hoạt động sai công năng. Nên chăng trước khi xây dựng cần thực hiện các cuộc điều tra xã hội học về nhiều mặt của hoạt động nhà hát như lực lượng biểu diễn, nhu cầu thưởng thức của công chúng, những yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật của công trình. Việc xây dựng phải vừa mang lại hiệu quả tốt, tích cực, vừa tạo điều kiện cho hoạt động sáng tạo, hưng phấn cho nghệ sĩ, hấp dẫn công chúng đến thưởng thức.
Từ năm 1975 đến nay, TPHCM xây dựng rất nhiều, mở mang rất nhiều nhưng chưa có một công trình văn hóa, sân khấu nào có được kiến trúc tầm cỡ, xứng đáng với tầm vóc của thành phố năng động như TPHCM. Đúng là phải xây cho thành phố những nhà hát mang nét biểu trưng của văn hóa phương Nam, nhưng người làm sân khấu mong có được những công trình không giống như những hội trường to đẹp, hoành tráng và bên trong được bố trí chuyên dùng cho hội nghị, hội thảo, họp hành, học tập v.v… chứa được nhiều người, còn sân khấu thì chật hẹp, trống rỗng.
Điều ước ao của người làm sân khấu là có được sàn diễn đạt các chuẩn mực quốc tế. Trong thời buổi hội nhập, chúng ta rất cần những cuộc giao lưu trao đổi văn hóa nghệ thuật với bên ngoài. Sân khấu Việt Nam phải được giới thiệu với bạn bè khu vực, quốc tế và chúng ta cũng cần đón tiếp các đoàn nghệ thuật mang tinh hoa của nước ngoài đến với công chúng Việt Nam. Do vậy mà cùng với việc xây dựng, các nhà hát phải được trang bị những phương tiện kỹ thuật hiện đại để khi các đoàn nước ngoài vào Việt Nam biểu diễn không cảm thấy xa cách giữa ta và họ về phương diện kỹ thuật. Điều mà cho đến nay chúng ta chưa làm được. Để có được những công trình văn hóa nghệ thuật không thể làm một cách duy ý chí mà phải xuất phát từ thực tiễn, từ những nhu cầu có thật. Cái gì cần cho sự phát triển, chúng ta không tiếc tiền nhưng không được để lãng phí.
NSƯT Trần Minh Ngọc