Dẫu muốn hay không cũng phải thừa nhận sự tồn tại nền kinh tế vỉa hè tại các đô thị lớn ở nước ta, đặc biệt là TPHCM. Vấn đề là hoạt động này đang tác động tiêu cực đến vẻ mỹ quan đô thị, làm bộ mặt thành phố ngày càng xấu đi. Chọn một trong hai hay dung hòa cả hai yếu tố ấy?
Trong chừng mực nào đó, có thể xem vỉa hè là chén cơm giúp nuôi sống một lượng đông đảo người dân. Nếu cấm triệt để hoạt động buôn bán trên vỉa hè xem như đồng nghĩa với chuyện “đập bể” nồi cơm của từng ấy con người. Những con người vốn cả đời lam lũ, chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội. Bám vỉa hè để mưu sinh, kiếm chén cơm manh áo đã là cùng bi, “đập bể” chén cơm ấy thì thật xót xa. Chưa kể, để “đập bể” chén cơm đó cũng không đơn giản, nếu không muốn nói là bất khả thi trong tình hình hiện tại.
Sự tồn tại hoạt động buôn bán trên vỉa hè ở các đô thị không chỉ xuất phát từ phía cung - tức người bán - dù đây là chủ thể được quan tâm nhiều nhất trong các chính sách ban hành để hạn chế tình trạng buôn bán, lấn chiếm lòng lề đường trong thời gian qua. Tuy nhiên, thực tế là hầu hết các hoạt động xử lý, ngăn cấm chỉ như “ném đá ao bèo”, qua các đợt kiểm tra đâu lại vào đấy và hè phố vẫn cứ bị chiếm dụng không thể giải quyết một cách căn cơ.
Nguyên nhân dẫn đến sự tồn tại, gắn bó với hoạt động kinh tế vỉa hè của người dân TPHCM có rất nhiều nhưng cần thấy rằng, hoạt động này cho đến nay vẫn đáp ứng được những nhu cầu rất thực (từ tập quán tiêu dùng, tiện ích, khả năng chi trả…) của đông đảo người dân.
Tại TPHCM hiện vẫn có hàng ngàn người làm việc với mức thu nhập quá thấp (sau khi trừ các chi phí sinh hoạt thiết yếu); hàng trăm ngàn công nhân tại các KCN, KCX, những người cao tuổi hưởng lương hưu; hàng trăm ngàn sinh viên, học sinh cần có bữa ăn, đồ dùng hàng ngày. Và thực tế, loại hình kinh tế phi chính thức - kinh tế vỉa hè từ nhiều năm qua đã nhanh chóng đáp ứng nhu cầu mua (bán) nhanh, tiện lợi (tại nhà, tại nơi làm hoặc trên đường đi làm về),… cùng với các loại hàng hóa giá rẻ cho họ.
Các mặt hàng tiêu dùng đa dạng, giá rẻ của những người hoạt động trong lĩnh vực kinh tế vỉa hè cung cấp, đã đáp ứng được nhu thiết yếu của đông đảo người dân. Sống ở một đô thị khi mà các siêu thị chỉ mở cửa từ sau 7 giờ sáng đến 10 giờ 30 tối, ở những nơi không tiện đường, số lượng hàng hóa cần mua sắm không nhiều… thì rõ ràng những tiện lợi từ các hoạt động kinh tế vỉa hè đem lại, quả là vẫn còn ý nghĩa.
Nói cách khác, nếu không tìm giải pháp hạn chế phía “cầu” thì phía “cung” rất khó bị triệt tiêu và khi đó, nền kinh tế vỉa hè vẫn còn tồn tại như một tất yếu của cuộc sống.
Thế nhưng, ở một góc nhìn khác, vỉa hè là bộ mặt, là “nhan sắc” của một đô thị, một thành phố. Ở góc nhìn này, rõ ràng “nhan sắc” đô thị TPHCM thời gian qua đã bị hủy hoại, tàn phá một cách không thương tiếc bởi hoạt động buôn bán, lấn chiếm vỉa hè dù đã có hàng loạt những cố gắng, nỗ lực của chính quyền các cấp và người dân thời gian qua.
Xét cho cùng, vỉa hè đô thị là một yếu tố sinh lợi rất lớn. Một con phố có giá trị địa ốc và thương mại cao là khi nó có điều kiện thuận lợi thu hút người mua đến đông. Ở những con phố có giá hàng chục cây vàng một mét vuông, giữ thông thoáng hè phố vô điều kiện là một việc làm gian nan và lãng phí. Ở đây, đã đến lúc không nên chỉ xem vỉa hè đô thị là lề đường mà phải là không gian kiến trúc bên ngoài của những dãy phố. Tùy tính năng được quy hoạch của dãy phố, vỉa hè là một không gian hỗ trợ có tính chất mối nối đối với cư dân đô thị khi giao tiếp với dãy phố này.
Vỉa hè được khoác lên mình một công năng nào đó và với những công năng khác nhau ấy sẽ tạo nên bộ mặt đô thị đa dạng và đầy sức sống. Hãy tưởng tượng nếu đưa được yếu tố sáng tạo và nhân văn vào đây, chỉ riêng cây xanh đường phố thôi đã đủ làm phong phú và rộn rã bộ mặt đô thị lên rất nhiều (đường hoa Nguyễn Huệ được tổ chức mỗi dịp xuân về là một minh chứng sinh động cho nhận định này). Đã từ lâu rồi ta chỉ quen nghe giải tỏa mở rộng đường chứ chưa bao giờ nghe giải tỏa mở rộng vỉa hè dù điều này nhân văn hơn, ích lợi hơn.
Ứng xử với vỉa hè như thế nào để vừa đảm bảo yếu tố kinh tế, tức không đập bể nồi cơm của một bộ phận không nhỏ người dân mà vẫn đảm bảo giữ được vẻ mỹ quan đô thị, thậm chí còn làm tăng tính hấp dẫn cho đô thị (biến hoạt động kinh tế vỉa hè thành yếu tố động trong một bức tranh tĩnh của vỉa hè đô thị, tất nhiên phải được quản lý một cách hiệu quả để chúng không triệt tiêu lẫn nhau như lâu nay vẫn tồn tại) là một vấn đề không đơn giản nhưng là bài toán phải tính đến để “nhan sắc” thành phố này ngày càng mặn mà hơn, xinh đẹp hơn, xứng đáng danh xưng Hòn ngọc Viễn Đông. Đó là trách nhiệm của những người làm chính sách và quy hoạch.
Mong lắm thay và kỳ vọng lắm thay!
KHẮC THI