Khủng hoảng tại các quốc gia châu Âu đang là một mối đe dọa rất lớn cho bất kỳ một ngành công nghiệp nào ở khu vực này, nhất là ngành công nghiệp ôtô. Nhiều chuyên gia cho rằng, có thể khối đồng tiền chung châu Âu sẽ tan vỡ và các quốc gia sẽ sử dụng đồng tiên của mình trở lại. Vậy nếu khối đồng Euro tan vỡ sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến ngành công nghiệp ôtô tại châu lục này?
Nước xuống nhưng thuyền lên
Có thể lấy ví dụ hai dòng xe lão làng tại châu Âu là Volkswagen (VW) Golf và Fiat Panda. Hai dòng xe này có niên kỷ lớn hơn cả khối đồng tiền chung châu Âu. Nếu trong trường hợp khối này tan vỡ thì một trong hai dòng xe sẽ được hưởng lợi tối đa và ngược lại. Một khi liên minh đồng tiền chung châu Âu không còn thì các quốc gia ở phía Nam là Ý, Hy Lạp và Tây Ban Nha sẽ thay đổi lộ trình phát triển nền công nghiệp của mình, chấm dứt một thập kỷ đưa ra các quyết định đầu tư và phân phối dựa trên các ràng buộc của khối tiền tệ. “Nếu chuyện này diễn ra thì trong các công ty sản xuất ôtô không ai dành được phần thắng, thế nhưng sẽ có những công ty được hưởng lợi dựa trên việc sản xuất trong nước”. Alexander Law, chuyên gia tư vấn tài chính tại Công ty Xerfi Global cho biết.
Hiện ở châu Âu, Đức đang là một trong những quốc gia ổn định và mạnh nhất trong khối này và nếu quay trở về với đồng tiền của mình là đồng Mark thì sẽ kéo theo một loạt các chi phí sản xuất trong nước và làm giảm thế cạnh tranh của xuất khẩu. Ngược lại dòng xe Panda của FIAT sẽ trở nên hấp dẫn hơn về giá thành cạnh tranh ở nước ngoài do đồng lira đang yếu dần bởi khủng hoảng nợ công của Ý.
Các kế hoạch dự phòng
Các đại gia sản xuất ôtô ở châu Âu hiện đang âm thầm đối phó với tình hình trên. Hiện chưa có thông tin chính thức từ bất kỳ công ty nào, tuy nhiên lãnh đạo của một công ty lớn ở Đức cho biết, hiện đang chuẩn bị công bố với cổ đông các kế hoạch dự phòng. Tuy nhiên, theo nhận định, nếu khối tiền tệ châu Âu sụp đổ thì các nhà sản xuất ôtô sẽ đối phó với hàng loạt khó khăn như việc tính toán lại đầu tư ở từng nhà máy, sản phẩm, hệ thống phân phối và thị trường. Ví dụ như ở Pháp, nếu giá trị quy đổi của đồng tiền nước này thấp hơn đồng Euro thì các dòng xe của PSA và Renault sẽ mắc kẹt tại quê nhà trong khi đó các nhà máy của họ ở Tây Ban Nha sẽ được nhiều lợi thế cạnh tranh hơn về giá.
Và điều này sẽ tạo ra một số điểm xuất khẩu xe hơi mới tại châu Âu, đơn cử như FIAT đã kéo nhà máy sản xuất xe Panda của mình từ Ba Lan về Naples ở Ý và chấp nhận đầu tư 800 triệu euro để nâng cấp. Riccardo Barbieri, chuyên viên kinh tế của Ngân hàng Mizuho cho biết “Các quốc gia phía Nam châu Âu như Ý đã mất đi lợi thế cạnh tranh từ khi có sự hiện diện của đồng tiền chung châu Âu, chính vì vậy mà một khi những khối này tan vỡ thì các nhà sản xuất ở nước này sẽ có thể bán các sản phẩm của mình với giá rẻ hơn ra thế giới”.
Ngược lại, Volkswagen hiện đang là nhà xuất khẩu ôtô lớn nhất châu Âu, năm ngoái hãng này đã xuất hơn 1 triệu chiếc xe trong tổng số 2,12 triệu chiếc sản xuất ở trong nước. Dòng xe Golf nổi tiếng trong nước 70% được sản xuất tại nhà máy ở Gibraltar gần với tổng hành dinh của VW tại Đức. Chính sách đồng tiền mạnh cũng sẽ làm suy yếu các dòng sản phẩm của Đức ở Trung Quốc và Hoa Kỳ, nơi mà các thương hiệu của họ như BMW, Mercedes-Benz đang thống trị.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì người hưởng lợi nhiều nhất khi khối đồng Euro tan vỡ chính là các công ty đến từ châu Á. Hiện tại các hãng xe ở Hàn Quốc đang phát triển rất mạnh ở châu Âu và chiếm thị phần 5.1%. Ngoài ra các công ty của Nhật cũng có nhiều điều kiện thuận lợi hơn khi tỷ giá quy đổi đồng yen có lợi cho họ, một khi thị trường đồng tiên chung châu Âu tan vỡ.
NHẬT TÂN