Việt Nam đạt nhiều thành tựu ấn tượng sau 30 năm đổi mới

Việt Nam đạt nhiều thành tựu ấn tượng sau 30 năm đổi mới

Tờ Neues Deutschland (Đức) có bài viết với tiêu đề “Đảng Cộng sản Việt Nam quyết tâm tiếp tục công cuộc đổi mới trong Đại hội lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam”. Cụ thể, công cuộc đổi mới từ năm 1986 đã đưa hàng triệu người Việt Nam thoát khỏi đói nghèo, giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong nhiều năm; tăng trưởng GDP năm 2016 dự kiến đạt 6,7%. Việt Nam cũng được đánh giá cao về tốc độ tăng trưởng kinh tế và môi trường đầu tư thân thiện bền vững.

Tạo động lực cho sự phát triển của đất nước

Trang ShanghaiDaily của Trung Quốc đăng bài phân tích “Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm tạo đà phát triển” nhận định những thành tựu đáng kinh ngạc của 30 năm thực hiện đổi mới là minh chứng rõ rệt để đặt niềm tin rằng Đại hội Đảng lần này sẽ tạo thêm động lực cho sự phát triển của đất nước. Việc Đại hội lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam lựa chọn một trong những trọng tâm là xây dựng Đảng trong sạch và vững mạnh đã nêu bật tầm quan trọng của công tác này. Theo tác giả, tăng cường kỷ luật Đảng là yếu tố then chốt giúp Đảng Cộng sản Việt Nam ngăn chặn được những biểu hiện của “các nhóm lợi ích” và tiếp tục đấu tranh chống tham nhũng. Giữa tình hình khó khăn chung của kinh tế thế giới trong 5 năm qua, tăng trưởng của Việt Nam vẫn ở mức ổn định. Theo số liệu của Ngân hàng thế giới (WB), thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam trong năm 2011 đạt 1.260USD, đưa Việt Nam vào nhóm nước có thu nhập trung bình và theo số liệu của Chính phủ Việt Nam, thu nhập bình quân đầu người năm 2015 vừa qua vượt ngưỡng 2.200USD.

Báo Straits Times (Singapore) dẫn lời một số chuyên gia khu vực đánh giá đội ngũ lãnh đạo mới của Việt Nam sẽ tiếp tục các chính sách kinh tế hiện tại, duy trì sự tăng trưởng ổn định của vài năm qua.

Pano chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam trên đường phố Hà Nội

“Công thức” cho tăng trưởng bền vững

Trong bài viết có tiêu đề: Việt Nam đang giữ “công thức” cho tăng trưởng bền vững, trang tin FTGlobalMarkets nhận định, Việt Nam đã có được nhiều kinh nghiệm trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 - 2011 và những kinh nghiệm này đã được ứng dụng sau đó. Trong năm 2016, nhiều khả năng Việt Nam sẽ tiếp tục trở thành một trong những nước có mức tăng trưởng GDP cao nhất thế giới. Việc hàng loạt hiệp định thương mại có hiệu lực giúp đẩy nhanh dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam và đảm bảo mức xuất khẩu tăng trưởng tốt. Chính phủ tăng đầu tư nâng cấp cho các dự án hạ tầng cơ sở trong bối cảnh các ngân hàng đã giải quyết những vấn đề tồn đọng như nợ xấu đã góp phần đưa kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định và nhận được nhiều đánh giá tích cực từ các nhà đầu tư.

Cũng theo bài báo trên, một trong những lợi thế của Việt Nam là chi phí nhân công rẻ. Yếu tố này đã đưa các dây chuyền sản xuất của nước ngoài từng tập trung đầu tư ở các nước châu Á chuyển về Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần chú ý đến năng suất và chất lượng nhân công trong cuộc đua dòng vốn đầu tư từ nước ngoài. Sự năng động của khu vực kinh tế tư nhân đang giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển sức sản xuất, phát huy nội lực trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu.

Thông tin về sự kiện khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xuất hiện trên các trang báo, trang tin của New York Times, NBC News (Mỹ), Nikkei, Japan Times (Nhật Bản), DPA (Đức), Bangkok Post (Thái Lan)… Tờ New York Times nhận định, kỳ Đại hội này sẽ có tác động lớn đến đường lối đối ngoại trong tương lai của đất nước. Các nhà lãnh đạo mới sẽ phải tiếp tục giải quyết những vấn đề về chủ quyền trên biển Đông hay mở rộng hợp tác quốc tế trên cơ sở bình đẳng, đa phương hóa, đa dạng hóa với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

THANH HẰNG (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục