Việt Nam lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp Nhật Bản

Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi tiếp xúc với các doanh nghiệp Nhật Bản trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức nước này. 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân tham quan gian hàng tại Tuần lễ hàng Việt Nam tại tỉnh Saitama
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân tham quan gian hàng tại Tuần lễ hàng Việt Nam tại tỉnh Saitama
Chiều 7-6, chuyên cơ chở Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân, cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Kansai, bắt đầu chuỗi các hoạt động tại Osaka, trung tâm kinh tế lớn thứ 3 của Nhật Bản trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản. 
Đầu tư hạ tầng trọng điểm quốc gia
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp gỡ hơn 30 lãnh đạo các doanh nghiệp, tập đoàn lớn vùng Kansai. Đây là vùng kinh tế, công nghiệp lớn của Nhật, gồm 10 tỉnh, trong đó có 3 TP lớn là Osaka, Kyoto và Kobe, có thế mạnh là ngành công nghiệp chế tạo. Đây cũng là nơi đặt trụ sở chính của nhiều tập đoàn công nghiệp chế tạo và dịch vụ nổi tiếng như Panasonic, Sharp, Sanyo, Kawasaki…
Tại buổi đối thoại, lãnh đạo các doanh nghiệp vùng Kansai đề nghị Chính phủ Việt Nam đẩy nhanh hoàn thiện cơ sở hạ tầng; phát triển mạnh mẽ hơn ngành công nghiệp phụ trợ, đồng thời có biện pháp giúp nhà đầu tư giảm những rủi ro về ngoại hối, tỷ giá do nhập khẩu nguyên liệu. Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng nêu lên các vấn đề về chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính và một số vấn đề khác.   
Sau khi giao lãnh đạo các bộ, ngành giải đáp các nội dung nhà đầu tư đưa ra, kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc mong muốn các doanh nghiệp Kansai tăng cường triển khai các dự án đầu tư vào Việt Nam. Đồng thời, khuyến nghị các doanh nghiệp Kansai đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng trọng điểm quốc gia, đặc biệt là các dự án theo hình thức hợp tác công - tư (PPP), vấn đề xử lý môi trường, xử lý nguồn nước, năng lượng tái tạo; tài chính ngân hàng và nhất là cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.   
Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp lãnh đạo tỉnh Osaka và các cơ quan vùng Kansai tới chào mừng. Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự Lễ công bố đường bay đi/đến Osaka của 2 hãng hàng không Vietnam Airlines và Jetstar Pacific.
Khuyến khích gắn bó lâu dài với Việt Nam
Trước đó, sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ngành đã làm việc với các tập đoàn lớn thành viên của Liên đoàn kinh tế Nhật Bản - Keidanren như Toray Industries, JXTG Holdings, Nomura Holdings...
Lãnh đạo các tập đoàn lớn của Nhật Bản là thành viên Keidanren đã phát biểu đề xuất nhiều ý kiến đóng góp vào việc hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, nhất là đối với đặc thù hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản. Theo đó, một số ý kiến đề nghị Chính phủ Việt Nam thực thi chính sách miễn thị thực đơn phương để giảm thủ tục và chi phí cho cán bộ, nhân viên doanh nghiệp Nhật Bản làm việc tại Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư đề nghị Việt Nam cần nâng cao năng lực trong ngành công nghiệp phụ trợ; chú trọng hơn nữa vào việc đào tạo nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, để cung ứng cho các doanh nghiệp có nhu cầu cao về lao động trong quá trình triển khai các dự án hợp tác, kinh doanh. 
Một số nhà đầu tư mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực xây dựng, công nghiệp, năng lượng và khẳng định sẽ mang đến Việt Nam những quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao. Các nhà đầu tư Nhật Bản bày tỏ mong muốn tham gia vào quá trình phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam theo hình thức PPP; hy vọng thường xuyên được đối thoại với Chính phủ Việt Nam để góp phần hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản. Liên quan đến vấn đề miễn thị thực đơn phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giải đáp: Việt Nam thực hiện theo quy định chung của pháp luật về xuất nhập cảnh, theo đó áp dụng mỗi lần cấp 15 ngày. Song, đối với những đối tượng có nhu cầu ra vào Việt Nam nhiều lần như chuyên gia, người lao động thì có thể xin cấp với thời hạn dài hơn lên đến 2-3 năm. Từ 1-2-2017, Việt Nam đã áp dụng thí điểm cấp visa điện tử với thời gian 2 năm cho công dân của 40 nước, trong đó có Nhật Bản. 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khuyến khích các nhà đầu tư Nhật Bản tranh thủ thời điểm Việt Nam đang đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để đầu tư lâu dài, gắn bó với thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu vấn đề chi phí trong xây dựng cơ bản đối với các doanh nghiệp Nhật Bản hiện ở mức rất cao, gấp nhiều lần so với doanh nghiệp Việt Nam và đề nghị các doanh nghiệp Nhật Bản xem xét lại vấn đề này. 
Cũng trong sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Lễ cắt băng khai trương Tuần lễ hàng Việt Nam do UBND TP Hà Nội và Tập đoàn AEON phối hợp tổ chức tại Trung tâm Thương mại AEON Lake Town, tỉnh Saitama.

Tin cùng chuyên mục