Việt Nam thực hiện các cam kết WTO: Thuế giảm, giá chưa giảm!

Tết Đinh Hợi vừa qua, người tiêu dùng đã kháo nhau rằng, sẽ được mua một số mặt hàng thiết yếu như bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm chế biến… với giá rẻ vì ngay từ đầu tháng 1-2007, VN bắt đầu thực hiện lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu cho hơn 1.800 mặt hàng theo cam kết với WTO. Tuy nhiên diễn biến trên thị trường không như kỳ vọng của người tiêu dùng.
Việt Nam thực hiện các cam kết WTO: Thuế giảm, giá chưa giảm!

Tết Đinh Hợi vừa qua, người tiêu dùng đã kháo nhau rằng, sẽ được mua một số mặt hàng thiết yếu như bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm chế biến… với giá rẻ vì ngay từ đầu tháng 1-2007, VN bắt đầu thực hiện lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu cho hơn 1.800 mặt hàng theo cam kết với WTO. Tuy nhiên diễn biến trên thị trường không như kỳ vọng của người tiêu dùng.

Chưa có mặt hàng nào giảm giá

Nhiều ý kiến xác nhận, thị trường bánh kẹo Tết Đinh Hợi vừa qua rất phong phú, đa dạng với sự chuẩn bị nguồn hàng dồi dào của các DN trong nước và sự góp mặt của rất nhiều sản phẩm ngoại nhập đến từ Malaysia, Indonesia, Đan Mạch, Pháp, Mỹ… Nhưng theo phản ánh của một chủ cửa hàng bánh kẹo trên đường Nguyễn Thị Minh Khai thì cho đến nay giá bán các loại bánh kẹo ngoại vẫn không có dấu hiệu giảm xuống, thậm chí còn bị một số nhà nhập khẩu điều chỉnh ở mức tăng nhẹ do mức cầu tăng cao vào những ngày trước tết.

Việt Nam thực hiện các cam kết WTO: Thuế giảm, giá chưa giảm! ảnh 1

Người tiêu dùng vẫn phải mua hàng hóa với giá khá cao. Ảnh: Mua bánh kẹo ở Co.op Mart Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: THÀNH TÂM

Bà Nguyễn Thị Tranh, Phó Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM, Giám đốc chuỗi siêu thị Co.opMart cũng thừa nhận: “Đến thời điểm này vẫn chưa có mặt hàng ngoại nhập nào đang bán trong hệ thống các siêu thị Co.opMart giảm giá so với lộ trình cắt giảm thuế”.

Tuy vậy, theo ghi nhận của chúng tôi, trên thị trường cũng đã xuất hiện một số rất ít các nhà nhập khẩu như Big C, Metro… bắt đầu nhập những lô hàng như dụng cụ gia đình, thịt bò, đồ dùng trẻ em… theo mức thuế suất mới. Theo các doanh nghiệp này, giá bán các mặt hàng nêu trên có giảm, nhưng giảm chưa nhiều và chưa tương xứng với mức giảm thuế vì chi phí vận chuyển vào dịp cuối năm đã tăng tới 15%.

Trong khi đó, theo cam kết của VN với WTO, kể từ ngày 1-1-2007, trong 10.600 dòng thuế nhập khẩu hiện hành sẽ có khoảng 3.800 dòng thuế, chiếm 35,5%, được cắt giảm. Trong đó, các mặt hàng đang có mức thuế suất cao từ 30% trở lên sẽ được cắt giảm ngay từ đầu năm 2007, với 1.812 dòng thuế, chiếm 17% biểu thuế, với mức cắt giảm bình quân 44%. Cụ thể, hàng dệt may giảm 63%; giày dép mũ các loại giảm 20%; hoa, cây cảnh giảm 25%; một số loại rau như cà, nấm, ớt… giảm 40%; dầu thực vật giảm 20% - 40%; mỹ phẩm các loại, xà phòng giảm 20% - 40%; sản phẩm nhựa gia dụng giảm 20%; bánh kẹo các loại giảm 20% - 30%; thịt chế biến giảm 20%; giấy giảm 10% - 20%; sản phẩm liên quan đến thiết bị điện giảm 20%, một số hàng tạp hóa khác giảm 20% - 25%...

Khi nào giá hàng hóa mới giảm theo lộ trình?

Lý giải về việc giá cả các mặt hàng đến nay vẫn chưa được giảm giá tương xứng với mức giảm thuế, bà Nguyễn Thị Tranh cho rằng, do thời điểm chúng ta thực hiện lộ trình cắt giảm thuế vào ngay cao điểm của những ngày tết nên các DN nhập khẩu đều đã lên kế hoạch nhập hàng trước khoảng từ 3 - 6 tháng. Ngay cả Saigon Co.op là đại lý phân phối độc quyền của một số sản phẩm nhưng cũng chưa nhập khẩu được hàng giảm giá theo lộ trình, do vậy giá bán vẫn duy trì ở mức ổn định như trước đây.

Theo bà Nguyễn Thị Bích, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế – Bộ Tài chính, chúng ta mới chính thức vào WTO được 2 tháng nên việc giá cả các mặt hàng chưa giảm theo lộ trình là điều bình thường. Hơn nữa, VN cam kết giảm thuế với WTO nhưng vẫn cao hơn cam kết với các nước ASEAN và Trung Quốc nên hàng hóa giảm thuế theo cam kết WTO chưa có tác động ngay tới giá cả trên thị trường.

Vậy khi nào người tiêu dùng mới được mua hàng với giá rẻ? Bà Nguyễn Thị Tranh cho biết, sắp tới, Saigon Co.op sẽ làm việc lại với các nhà cung cấp để xác nhận lại mức thuế của từng mặt hàng. Nếu mặt hàng nào nằm trong diện giảm thuế thì 2 bên sẽ tính toán lại mức giá đưa ra thị trường nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. Chậm nhất là đầu quý III và nhanh nhất là giữa quý II các cam kết về thuế của VN với WTO sẽ phát huy tác dụng tại hệ thống siêu thị Co.opMart.

Tương tự, một doanh nghiệp phân phối tầm cỡ tại Hà Nội (đề nghị giấu tên) cũng cho biết, việc giảm giá bán theo lộ trình còn bị ràng buộc bởi nhiều yếu tố khác nhau như chi phí vận chuyển hàng hóa, các hợp đồng đã ký kết từ trước, hàng hóa còn tồn kho… Do vậy, nếu cứ căng theo việc giảm thuế thì giá bán hàng hóa phải giảm ngay là không có cơ sở. “Nhưng chúng tôi sẽ tính toán phương án giảm giá bán sớm nhất để người tiêu dùng không bị thiệt thòi. Đây chính là biểu hiện tích cực của nền kinh tế VN khi gia nhập WTO. Tuy nhiên, mức giảm ra sao, giảm nhiều hay ít, thời điểm nào thực hiện… thì chúng tôi không thể nói trước được” – vị giám đốc doanh nghiệp này cho biết.

Hàng nhập khẩu tăng gấp đôi xuất khẩu

Việt Nam mới chỉ gia nhập chính thức vào WTO được 2 tháng nên hãy còn quá sớm để đánh giá những cái được, mất. Nhưng điểm đáng lưu ý là tốc độ tăng trưởng về nhập khẩu hàng hóa của VN trong 2 tháng qua đã tăng gấp đôi so với xuất khẩu. Nếu năm ngoái chúng ta xuất siêu trên 100 triệu USD, thì 2 tháng đầu năm nay đã nhập siêu lên đến gần 1,1 tỷ USD.

Điều này dễ hiểu, các doanh nghiệp cần phải nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị phục vụ cho nhu cầu đổi mới kỹ thuật công nghệ. Nhưng theo cam kết thì hàng hàng hóa nước ngoài, đặc biệt là hàng tiêu dùng, thực phẩm chế biến… nhập khẩu vào VN ngày càng tăng. Giảm thuế sẽ đồng nghĩa giá sẽ giảm. Nhưng trên thực tế người tiêu dùng lại chưa được mua được hàng giá rẻ. Ai sẽ được hưởng lợi? Nhập khẩu hàng hóa tăng mạnh cũng đồng nghĩa với các DN sản xuất trong nước phải chịu nhiều sức ép cạnh tranh về chất lượng, giá cả… Đây chính là vấn đề đặt ra khi hội nhập toàn cầu. 

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục