Vinh dự và trách nhiệm

Có nhiều câu hỏi, trong đó câu hỏi lớn nhất được đặt ra là khi TPHCM chính thức thực hiện tổ chức chính quyền đô thị (CQĐT) thì quyền đại diện và quyền làm chủ của nhân dân có bị ảnh hưởng? 

Trong kỳ họp này, Quốc hội đã dành nhiều thời gian để xem xét, thảo luận và ngày 16-11 Quốc hội đã biểu quyết với sự đồng thuận cao: 420/428 đại biểu tham gia đã tán thành Nghị quyết về tổ chức CQĐT tại TPHCM. Nghị quyết quy định tổ chức CQĐT tại TPHCM gồm: Chính quyền địa phương ở TPHCM có HĐND và UBND. Ở quận và phường không có HĐND mà chỉ có UBND. Ở các huyện, thành phố, xã, thị trấn của TPHCM có cả HĐND và UBND. Cơ cấu tổ chức của UBND quận gồm chủ tịch, không quá 3 phó chủ tịch, các cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính khác và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc. UBND phường gồm chủ tịch, không quá 2 phó chủ tịch và các công chức khác của UBND phường. Đáng chú ý, HĐND TP sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch UBND quận với thời hạn, trình tự theo quy định của Quốc hội.

Trước khi trình đề án lần thứ 3 này, trong các năm 2007 và 2013, TPHCM đã từng đề xuất triển khai mô hình tổ chức CQĐT nhưng chưa được chấp nhận do thiếu các cơ sở pháp lý. Đến năm 2019, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định có thể không tổ chức HĐND quận, phường nếu Quốc hội cho phép, chính là cơ sở để TPHCM tiếp tục trình đề án tổ chức CQĐT lần này. Theo đề án của TPHCM, CQĐT là một dạng cụ thể của chính quyền địa phương, được tổ chức phù hợp với các đặc điểm của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và các điều kiện tự nhiên của đô thị. CQĐT tinh gọn, minh bạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; được tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phân cấp, ủy quyền trên nhiều lĩnh vực. Qua đó phát huy mọi năng lực, tiềm năng của đô thị để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. 

Về câu hỏi lớn nêu trên, đề án nêu rõ, khi không tổ chức HĐND quận, phường, quyền đại diện của người dân tiếp tục được duy trì và phát huy thông qua nhiều kênh như: đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội; HĐND thành phố, cấp ủy, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội các cấp, và đặc biệt là sự phản ánh của khu phố và ý kiến trực tiếp của người dân thông qua hoạt động của ban thanh tra nhân dân phường và ban công tác mặt trận ở khu dân cư. UBND các phường tăng cường công tác giao ban với trưởng khu phố; UBND quận giao ban với UBND phường để kịp thời nắm tình hình và giải quyết nguyện vọng của người dân. Về quyền làm chủ của người dân, CQĐT tăng cường các kênh, phương tiện công khai, minh bạch các chế độ, chính sách mới của Đảng và Nhà nước đến nhân dân. Vai trò của hệ thống chính quyền điện tử của TPHCM đã và đang phát huy hiệu quả rõ nét trong việc làm tốt vấn đề này. Cùng với đó, CQĐT duy trì và tăng cường sự tham gia trong hoạt động điều hành, quản lý của chính quyền thông qua dân chủ trực tiếp: tham gia trực tiếp thông qua đối thoại với lãnh đạo UBND. Lãnh đạo UBND các cấp phải trực tiếp lắng nghe và tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của người dân đóng góp xây dựng chính quyền; tiếp nhận thông tin và sớm giải quyết thỏa đáng những khiếu nại, tố cáo của cử tri. Các thành viên UBND phải tham gia các cuộc họp của khu phố; qua các hộp thư góp ý; nghe nhân dân trao đổi, phản ánh trực tiếp hoặc gửi phiếu xin ý kiến về các công trình thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; góp ý các quy ước, công việc nội bộ khu dân cư... 

Tới đây, khi HĐND và UBND quận, phường của TPHCM nhiệm kỳ 2016 - 2021 kết thúc nhiệm vụ vào ngày 30-6-2021, kể từ ngày 1-7, UBND quận, UBND phường sẽ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mới theo quy định tại nghị quyết của Quốc hội. Đổi mới tổ chức CQĐT chính là đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, để phục vụ người dân tốt hơn, nhanh hơn. Đây vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm lớn lao của đội ngũ cán bộ, công chức TPHCM.

Tin cùng chuyên mục