Trong bài “Lục bình tràn ngập kênh rạch” đăng trên Báo SGGP ngày 11-3-2014, có nêu ý kiến: “Người dân thắc mắc: Thay vì vớt rác thủ công, vì sao không sử dụng loại lưới lớn, dùng hai thuyền máy chạy dọc hai bên kênh để vớt lục bình nhanh gọn hơn, sạch hơn?”. Ý kiến này đã được thực hiện, 2 tháng nay, kênh Tàu Hủ, kênh Đôi đang ngày càng sạch.
Xử lý rác ngay cửa ngõ
Các con kênh Đôi, Tàu Hủ, Tẻ và Bến Nghé chảy qua các quận 1, 4, 5, 6, 7, 8 với gần 11.000 hộ dân sinh sống ven kênh, luôn bị ô nhiễm môi trường bởi rác thải, lục bình… UBND TP đã giao Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 8 xây dựng đề án vớt rác trên kênh và ven kênh một cách đồng bộ để cải tạo cảnh quan môi trường, làm thông thoáng giao thông đường thủy, phục vụ du lịch đường sông. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Công ty Dịch vụ công ích quận 8 đã nghiên cứu tận dụng triệt để sức đẩy của dòng nước, kết hợp với phương tiện, công cụ như sà làn, tàu ghe, cần cẩu tự hành, cánh thu rác, túi lưới thu rác, lưới phao chắn rác… để chặn, thu gom rác từ đầu nguồn, giảm lục bình, rác thải chảy vào kênh.
Giờ đây, tại các cửa ngõ từ sông lớn vào kênh, những chiếc thuyền vớt rác và lục bình bằng công cụ thô sơ đã được thay thế bằng các sà lan lớn, trang bị cầu tự hành. Hai bên mạn sà lan có gắn thiết bị thu gom rác, túi lưới chứa rác… để chặn, thu gom rác sinh hoạt, rác nông nghiệp từ sông đổ vào. Cách làm này giúp tăng năng suất, giảm thời gian vớt rác. Đằng sau sà lan còn có những chiếc thuyền cũng gắn lưới hai bên mạn để vớt những rác thải nhỏ nhằm giảm lượng rác trôi vào kênh gây ô nhiễm dòng kênh. Công nhân đỡ vất vả hơn, không phải liên tục vớt, mà chỉ việc lùa vào lưới rác lớn, rồi những chiếc cẩu tự hành đưa rác lên sà lan.
Việc vớt lục bình và rác được thực hiện đồng bộ theo 3 cách: Một là thực hiện vớt bằng sà lan, bố trí sà lan cố định tại các ngã ba, ngã tư kênh rạch để chặn, thu gom lục bình và rác từ các sông Sài Gòn, Cần Giuộc, Bến Lức và các chi lưu khác đổ về các tuyến kênh. Với phương án này, sà lan chặn và thu gom hầu hết lục bình và rác từ các sông và chi lưu khác đổ về. Hai là thực hiện vớt rác bằng tàu lưu động chạy ngược dòng chảy trên kênh để thu gom rác. Ba là thực hiện vớt rác bằng ghe kéo lưới trên bề mặt nước, phương thức này được áp dụng khi nước đứng, dùng ghe kéo lưới gom rác vào cánh thu rác của tàu, sử dụng máy bơm cao áp lấy nước sông phun đẩy rác vào túi lưới để thu rác.
Góp phần phát triển du lịch đường thủy
Đang dùng vợt lùa rác vào túi lưới, công nhân Nguyễn Văn Hoàng nói: “Nhờ phương pháp vớt rác này, công việc thu gom lục bình và rác trên kênh ngày càng nhanh hơn. Chỉ cần vớt vào lúc thủy triều lên là đã ngăn và gom được hầu hết lục bình và rác trên kênh (trước kia đi vớt cả ngày cũng không xuể), kênh sạch hơn, công nhân cũng đỡ vất vả. Vừa thu gom rác, chúng tôi dùng loa tuyên truyền gắn trên sà lan và thuyền phát thanh nhắc nhở người dân sống hai bên kênh không xả rác bừa bãi xuống kênh để bảo vệ môi trường, qua đó đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cho các hộ dân ven kênh. Từ đó, rác thải trong kênh cũng giảm rất nhiều”.
Ông Nguyễn Văn Tốt, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 8, cho biết: “Cách thu gom rác và lục bình thủ công trước đây phải phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên (thủy triều), dùng ghe với công cụ thô sơ như vợt, sọt chứa rác đi dọc kênh để vớt, phải tốn nhiều thời gian mà kết quả không được nhiều. Giờ đây phương án mới thực hiện hoàn toàn bằng cơ giới, tạo sự chủ động trong công việc, sà lan và tàu được trang bị máy công suất lớn nên giảm nhân công mà tiến độ nhanh hơn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trước kia, dùng phương pháp thô sơ thì trung bình mỗi ngày vớt được khoảng 12 tấn lục bình và rác sinh hoạt, còn phương pháp mới vớt được đến 35 tấn/ngày”.
THANH HẢI