Vụ dân tố nhà máy mì xả thải làm chết cá: Nếu gây ô nhiễm sẽ đề nghị đình chỉ hoạt động nhà máy

Sau khi lấy mẫu nước, UBND huyện Ia Grai đã gửi lên Sở KH-CN để giám định 12 chỉ tiêu nhằm xác định mức độ ô nhiễm. Lãnh đạo Huyện ủy Ia Grai cho rằng nếu đúng nhà máy gây ô nhiễm, sẽ đề nghị đình chỉ hoạt động.

Nhận được tin báo, huyện Ia Grai đã qua huyện Ia Hdrai để kiểm tra, lấy mẫu

Ngày 4-4, ông Dương Mah Tiệp, Chủ tịch UBND huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai cho biết, mẫu nước được lấy tại đoạn sông Sa Thầy (đoạn qua xã Ia Tơi, huyện Ia HDrai, tỉnh Kon Tum) đã được cơ quan chức năng của huyện gửi đến Sở KH-CN tỉnh Gia Lai để kiểm tra 12 chỉ số nhằm xác định rõ có ô nhiễm hay không và nếu ô nhiễm thì ở mức độ nào.

Theo ông Tiệp, lòng hồ Sê San 3A và Sê San 4 nếu ô nhiễm ảnh hưởng đến cả 2 huyện Ia Hdrai và Ia Grai vì nó chảy qua 2 huyện. Riêng huyện Ia Grai, ở 2 lòng hồ này, huyện đang kêu gọi thu hút du lịch và phát triển kinh tế. Hiện nơi đây đều có dự án của tỉnh về phát triển du lịch. Trên địa bàn, từng có một số đơn vị xin mua đất cà phê cạnh sông suối để triển khai dự án làm cồn Etanol từ mì nhưng huyện thận trọng từ chối vì lo sợ công nghệ không đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

“Sau khi có kết quả kiểm tra mẫu nước, UBND huyện sẽ có văn bản đề nghị UBND tỉnh Gia Lai và Sở TN-MT có văn bản gửi tỉnh Kon Tum để có hướng xử lý; đồng thời gửi văn bản đến huyện Ia HDrai thông báo thông tin dân phản ánh nhà máy gây ô nhiễm để cảnh báo, ngoài ra đề nghị khi cấp phép những dự án đầu tư vào lòng hồ Sê San 3A, Sê San 4 thì cần xem xét thận trọng để đánh gây ô nhiễm”, ông Tiệp nói.

Vụ dân tố nhà máy mì xả thải làm chết cá: Nếu gây ô nhiễm sẽ đề nghị đình chỉ hoạt động nhà máy ảnh 2 Mẫu nước được lấy để đưa đi xét nghiệm

Ông Nguyễn Hữu Quế, Bí thư Huyện ủy Ia Grai cho biết, Ban Thường vụ Huyện ủy khi làm việc với lãnh đạo xã Ia O thì được phản ánh vụ việc nhà máy gây ô nhiễm môi trường sống của dân, làm cá chết.

Nhận thấy mức độ vụ việc nghiêm trọng, nếu không kịp thời xử lý sẽ gây ô nhiễm, cá nuôi trong lòng hồ sẽ chết hàng loạt, gây thiệt hại cho dân, làm bất ổn nên Ban Thường vụ đã chỉ đạo UBND kiểm tra, xác minh ngay.

“Tùy theo mức độ sẽ có hướng xử lý, nếu ô nhiễm nặng thì tham mưu đề nghị đình chỉ hoạt động, còn nghiêm trọng hơn, vượt quá thẩm quyền thì báo cáo UBND tỉnh để có biện pháp xử lý”.

Phóng viên cũng đã liên hệ qua điện thoại với ông Nguyễn Văn Lộc, Bí thư huyện ủy Ia H'drai để hỏi hướng xử lý thông tin người dân Ia Grai tố nhà máy mì ở huyện Ia H'drai xả thải làm cá chết, gây ô nhiễm môi trường nhưng chỉ nhận được tin nhắn "đang đi Campuchia". Trong khi đó, vào chiều ngày 3-4, khi được hỏi về thông tin dân tố nhà máy mì gây ô nhiễm, ông Chế Hồng Quyền, Chủ tịch UBND xã Ia Tơi cho rằng chưa nghe và hứa sẽ xác minh lại.

Trước đó, như Báo SGGP Online phản ánh, sau tết Kỳ Hợi, người dân xã Ia O, huyện Ia Grai qua đoạn sông Sa Thầy, ngay cạnh Đồn Biên phòng 713 cũ, cách hạ du Công ty TNHH MTV nông nghiệp Ia H'drai (đóng tại xã Ia Tơi, chuyên chế biến tinh bột mì) khoảng 3km để bắt cá thì thấy cá chết, nước bị ô nhiễm nặng, bốc mùi hôi khiến họ bức xúc. Cho rằng nhà máy mì lớn và duy nhất ở huyện biên giới Ia H'drai gây ô nhiễm nên dân phản ánh lên cơ quan chức năng. Cơ quan chức năng lo ngại sông Sa Thầy đổ về sông Sê San nên nếu ô nhiễm không được kiểm soát sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của người dân dưới hạ du. Trong ngày 3-4, đoàn công tác của UBND huyện Ia Grai đến hiện trường nơi dân phản ánh để lấy mẫu nước kiểm tra để có hướng xử lý. 

Tin cùng chuyên mục