Vụ đổi chai nước ngọt có ruồi giá 500 triệu đồng: Võ Văn Minh lãnh 7 năm tù

Vụ đổi chai nước ngọt có ruồi giá 500 triệu đồng: Võ Văn Minh lãnh 7 năm tù

(SGGPO).- Chiều 18-12, sau 2 ngày xét xử sơ thẩm xử vụ đổi chai nước ngọt có ruồi giá 500 triệu đồng, HĐXX TAND tỉnh Tiền Giang tuyên phạt bị cáo Võ Văn Minh (35 tuổi, ngụ xã An Cư, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) 7 năm tù giam về tội Cưỡng đoạt tài sản .

HĐXX nhận định: Trong trường hợp phát hiện chai nước ngọt của Tân Hiệp Phát có ruồi thì đúng ra bị cáo minh nên báo với cơ quan chức năng. Điều này là tốt cho xã hội, cho người tiêu dùng và cả nhà sản xuất. Tuy nhiên, bị cáo Minh đã dùng chai nước ngọt này để uy hiếp tinh thần của Công ty Tân Hiệp Phát. Hành vi của bị cáo Minh gây nguy hiểm cho xã hội; uy hiếp, đe dọa gây thiệt hại đến tài sản của người khác. Bộ luật Hình sự quy định, dù đã nhận tài sản hay chưa nhưng người bị hại sợ hãi mà phải đưa tiền thì đã cấu thành tội phạm. HĐXX xác định, bị cáo Minh đã nhận 500 triệu đồng từ nhà sản xuất và bị bắt quả tang. Tòa cho rằng, đây không phải là việc giao kết hợp đồng dân sự vì không có sự hoàn toàn thỏa thuận tự nguyện. Mà đây lại là hành vi sử dụng thủ đoạn để chiếm đoạt 500 triệu đồng và bị công an bắt quả tang.

Bị cáo Minh nghe tòa tuyên án. Ảnh: BÌNH ĐẠI

Hành vi của bị cáo Minh đã cố ý xâm phạm tài sản, tinh thần của người khác vì động cơ vụ lợi cần xử lý nghiêm. Tuy nhiên, HĐXX xét thấy Minh chưa có tiền án tiền sự, chưa gây ra thiệt hại, nguyên đơn dân sự xin giảm nhẹ hình phạt nên đã quyết định tuyên phạt bị cáo Minh 7 năm tù.

HĐXX cũng cho rằng về yêu cầu của phía Công ty Tân Hiệp Phát rằng bị cáo Minh phải xin lỗi là không có căn cứ, bởi bị cáo chưa đăng báo, chưa phát tán tờ rơi.

Theo HĐXX, lời bào chữa của các luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo chưa có cơ sở vững chắc, chưa phù hợp pháp luật nên không được xem xét. Trong khi đó, HĐXX cũng lưu ý nhà sản xuất nên xem lại cách hành xử của mình với khách hàng; nên báo với cơ quan chức năng để cùng xử lý những vụ việc tương tự.

Tại phiên tòa sáng 18-12, bị cáo Võ Văn Minh vẫn cho rằng đây là cuộc thỏa thuận mua bán. Công ty Tân Hiệp Phát đã cài bẫy Minh khi vừa hẹn giao tiền vừa báo công an bắt. Về điều này, đại diện VKS cho rằng, công an thụ lý vụ việc (tố giác tội phạm của Công ty Tân Hiệp Phát), điều tra thế nào hoàn toàn là nghiệp vụ của họ. Trong khi đó, Luật sư Nguyễn Tấn Thi bảo vệ quyền lợi cho Võ Văn Minh cho rằng: “Công an nhận đơn mà không phối hợp để ngăn chặn, đấu tranh phòng ngừa, giáo dục một người hiểu sai lầm về giao dịch, dẫn đến bắt người là vi phạm quy định của ngành, khó chấp nhận được”.

Đồng thời, Luật sư Nguyễn Tấn Thi khẳng định: “Bị cáo Minh là chủ sở hữu chai nước đó nên có quyền đề đạt yêu cầu, bảo vệ yêu cầu của mình. Việc công an bắt Minh là cướp đi quyền yêu cầu của anh ta. Tại sao đánh giá người thực hiện quyền đó là tội phạm?”

Luật sư Nguyễn Tấn Thi cho rằng, hồ sơ vụ án cũng như diễn biến tại phiên tòa thể hiện Minh là chủ quán bún và nước giải khát (chị Thảo đã sang lại cho Minh từ ngày 18-11-2014). Vậy Minh là chủ nhân của chai nước ngọt có ruồi và là khách hàng của Công ty Tân Hiệp Phát. Vì thế, Minh hoàn toàn có quyền đề đạt yêu cầu với nhà sản xuất; đưa ra Hội bảo về người tiêu dùng; cung cấp thông tin (chịu trách nhiệm về nội dung thông tin đó)… Trong vụ việc này, hồ sơ thể hiện ban đầu nhà sản xuất chọn phương án thỏa thuận với Minh.

Việc thỏa thuận kéo dài từ 6-12-2014 đến 20-1-2015. Sau khi xác nhận là sản phẩm của mình còn nguyên vẹn đã bị lỗi, nhân viên công ty nhiều lần đề xuất tặng cho Minh 2 thùng rồi tăng lên 3 thùng Dr.Thanh và 1 thùng đựng nước đá để đổi lấy chai nước có ruồi. Nhưng anh Minh không chịu và đòi đổi bằng tiền và nhân viên công ty đã thỏa thuận, hẹn ngày. 

Sâu chuỗi các sự việc tương tự xảy ra trước đây, Luật sư Nguyễn Tấn Thi nói: “Quy trình xử lý khủng hoảng, tiếp xúc khách hàng, bắt người đã lập đi lập lại lần thứ 4. Vì thế ở đây nhà sản xuất không hề sợ bị ép buột để đưa tiền mà hoàn toàn chủ quan. Rõ ràng nhà sản xuất mong muốn việc chi tiền cho anh Minh bị bắt. Trong vụ việc này, nhà sản xuất hoàn toàn có quyền yêu cầu Minh khởi kiện ra tòa.

Ngoài ra, luật sư bảo vệ quyền lợi bị cáo còn nói, vụ án không thể được đưa ra xét xử bởi điều tra viên cho luật sư của người bị hại tham gia hỏi cung. Mọi lời khai không ngoài khả năng mớm cung, không còn giá trị. Việc gia hạn điều tra nhưng điều tra viên không thông báo cho luật sư làm ảnh hưởng nghiêm trọng quyền bào chữa của luật sư và bị cáo. Việc đưa bản án một vụ việc tương tự của Tân Hiệp Phát hồi năm 2013 vào hồ sơ vụ án này cũng không khách quan. Thiếu nhiều nhân chứng là những người trực tiếp tham gia giải quyết vụ việc cũng nhưng những người chứng kiến. Rõ ràng, có dấu hiệu "gọt chân vừa giày".

Trong khi đó, luật sư bảo vệ quyền lợi nhà sản xuất cho rằng, Công ty Tân Hiệp Phát lo sợ hành vi của anh Minh vì trực tiếp đe dọa, buộc phải giao tiền. Chính vì thế nhà sản xuất mới lo và báo công an nhưng không không thấy gì nên phải giải quyết yêu cầu của Minh. Vì thế thiệt hại trực tiếp là 500 triệu đồng đưa cho Minh. Nếu công an không bắt quả tang, thì hôm nay sẽ yêu cầu Minh trả lại số tiền đó. Còn gián tiếp là thiệt hại về uy tín, thương hiệu từ hành vi của Minh…


Đăng Nguyên - Bình Đại

Tin cùng chuyên mục