Trọng tài Hà Anh Chiến trở thành tâm điểm chỉ trích của dư luận, giới làm bóng đá và cả truyền thông trong suốt tuần qua, sau sự cố thổi phạt đền “tưởng tượng” trên sân Thanh Hóa. Ban Trọng tài của VFF thậm chí đã đưa ra án phạt nghiêm khắc nhất - loại trọng tài này khỏi bóng đá chuyên nghiệp. Có nghĩa, sự nghiệp cầm còi tích lũy gần 10 năm của ông Chiến phút chốc tan thành mây khói sau chính sai lầm khó sửa của mình.
Cái sai của “vua sân cỏ” thì đã rõ, vì chính trọng tài người Hà Nội này cũng đã thừa nhận mình làm ẩu vì “góc quan sát không tốt và quá vội vàng khi đưa ra quyết định cuối cùng”. Dù vậy, ông Chiến cũng không thể ngăn được sự phẫn nộ và công kích không thương tiếc từ các đội bóng, từ giới cầu thủ, HLV và ngay cả lãnh đạo đội bóng Sông Lam Nghệ An.
Nhưng nếu Ban Trọng tài của VFF quy trách nhiệm trọng tài Hà Anh Chiến có vấn đề về tư tưởng thì phải có bằng chứng, rồi phải mời cơ quan công an vào cuộc điều tra rõ ràng. Vấn đề khi đó sẽ không thuộc thẩm quyền của VFF hay Ban Trọng tài nữa. Việc trọng tài Hà Anh Chiến bị “trảm”, có thể chỉ là con tốt thí của Ban Trọng tài, của VFF, bởi lẽ sau rất nhiều sự cố liên quan đến công tác trọng tài khiến các đội bóng bức xúc, dư luận xôn xao, ngay đến cơ quan quản lý của VFF là Tổng cục TDTT cũng không thể ngồi yên, thì đưa ra một án điểm để xử lúc này có khi cũng giúp xoa dịu dư luận.
Suy cho cùng, nghề trọng tài bóng đá ở Việt Nam quá nguy hiểm. Họ được gắn cho biệt danh “vua áo đen”, hoặc “vua sân cỏ”, được trao quyền quyết định tối thượng trên sân cỏ, có thể cứu đội bóng này thoát khỏi nghịch cảnh, nhưng cũng đủ khả năng “dìm” đội khác xuống vực sâu. Chính vì có quyền, nên đôi khi có trọng tài lách luật, không tuân thủ cuộc chơi, dùng tiếng còi méo của mình để kiếm lợi từ các đội bóng. Kể từ ngày khoác tấm áo chuyên nghiệp, V-League gần như năm nào cũng xảy ra sự cố về trọng tài. Riết rồi thành quen, mà quen thì một bộ phận nhỏ trọng tài lại tính cách… làm liều, đôi khi ngay chính Ban Trọng tài hoặc VFF cũng chẳng thể kiểm soát nổi.
Nhân xảy ra vụ trọng tài Hà Anh Chiến, các đội bóng Nghệ An, Hà Nội T&T và thậm chí cả CLB Sài Gòn cũng nhân dịp này lên tiếng phàn nàn về công tác điều hành sân cỏ của “vua”, vì cho rằng họ bị o ép trên sân khách nhiều quá, sắp vượt ngưỡng chịu đựng. Ấy vậy nhưng, cứ lên tiếng bày tỏ sự phản ứng thì không chỉ lãnh đạo CLB cũng đến lượt HLV hay cầu thủ phải đón nhận án phạt từ VPF, từ VFF. Điều đó, theo họ sẽ khiến V-League 2016 trở nên đáng ngờ và không còn yên bình như người ta vẫn nghĩ.
Trọng tài không chỉ là vấn đề của riêng bóng đá. Trong bóng chuyền, cũng đang tồn tại tâm lý ngán ngại các trọng tài thiếu tâm huyết và năng lực nhưng vẫn được giao nhiệm vụ điều hành những trận đấu quan trọng. Ở Cúp Hùng Vương 2016 vừa kết thúc chưa lâu, có trọng tài người Bến Tre thậm chí còn bị quy kết là thổi lợi thế cho đội bóng thân thiết, nhằm triệt hạ đội đối phương.
Sự cố được giới truyền thông bóc tách rất rõ, buộc giới quản lý bóng chuyền phải thừa nhận là đúng và hứa sẽ xử lý triệt để. Bản thân Tổng thư ký của Liên đoàn Bóng chuyền từng xuất thân từ trọng tài là ông Lê Trí Trường cũng cho rằng nhiều “vua” ở Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu chuyên môn, có vấn đề về tư tưởng và thường xuyên khiến các đội bóng phản ánh, chỉ trích vì mắc sai phạm quá nhiều.
LÊ HÙNG