Vững vàng đi lên

Đầu năm 2007, khi nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nhiều người đã ví nền kinh tế nước ta như con thuyền đi ra biển lớn, nơi có những chân trời tươi sáng đón chờ và cả sóng to gió lớn có thể ập đến bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, vào lúc đó khó ai hình dung sẽ có cơn bão khủng khiếp tàn phá hầu hết các nền kinh tế trên trái đất này như cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu xảy ra cuối năm 2008 và kéo dài suốt năm 2009.

Vậy là con thuyền kinh tế Việt Nam khi ra biển lớn chỉ được hưởng năm đầu thuận buồm xuôi gió, còn từ năm thứ hai đã bắt đầu gặp sóng gió và năm thứ ba thì phải vật lộn với cơn bão lớn nhất trong 8 thập kỷ nay.

Tuy nhiên khi năm Kỷ Mão 2009 đã trôi qua và hoa xuân Canh Dần 2010 bắt đầu hé nụ, ta thật mừng biết bao khi thấy con thuyền kinh tế Việt Nam dù bị chao đảo vẫn vượt qua được cơn bão lớn. Nền kinh tế đạt được mức tăng trưởng trên 5%, tuy không cao như những năm trước nhưng rất đáng ghi nhận khi hầu hết các nước khác đều tăng trưởng âm. Không có tình trạng thất nghiệp bùng nổ nặng nề, không có doanh nghiệp phá sản hàng loạt, không có sự đổ vỡ của các ngân hàng hay một số ngành công nghiệp, không có những bất ổn xã hội trầm trọng do nghèo đói gia tăng… như chúng ta đã lo đến cháy lòng lúc đó. Điều này là rất đáng quý.

Tất nhiên chúng ta biết nền kinh tế còn nhiều vấn đề phải cải cách, thay đổi vì kinh tế nước ta vẫn còn đang trong giai đoạn đầu phát triển. Có nhà kinh tế đã ví, tựa như cỏ cây trong dông bão thường ngã rạp xuống nhưng không trốc rễ nên có thể hồi phục nhanh hơn, không giống những nền kinh tế đã trưởng thành như những cây to dễ bị chao đảo, gãy cành rơi lá trong phong ba bão táp. Song rõ ràng hình ảnh con thuyền kinh tế Việt Nam vượt qua bão tố đã tạo được niềm tin nơi bạn bè và đối tác quốc tế về tương lai của đất nước ta.
 
Điều rất đáng mừng là trong khi niềm tin của cộng đồng quốc tế vào triển vọng kinh tế toàn cầu và vào các nền kinh tế lớn bị suy giảm thì niềm tin vào triển vọng của khu vực Đông Á, của các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam, lại tăng lên. Công cuộc hội nhập quốc tế của nước ta tiếp tục đạt được những bước tiến mới.
 
Trong thách thức nghiệt ngã của khủng hoảng, các nước ASEAN đã xích lại gần nhau hơn, cùng nhau vừa tăng cường hành động nhằm sớm hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN, vừa có thêm những sáng kiến phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau để giảm thiểu tác động tiêu cực của khủng hoảng.

ASEAN đã nỗ lực phát triển quan hệ với các đối tác quan trọng như Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Australia, New Zealand, Ấn Độ… và các tổ chức tài chính quốc tế; vừa tranh thủ sự hỗ trợ của họ để vượt qua khủng hoảng, vừa thiết lập nền tảng cho những mối quan hệ kinh tế cao hơn, hiệu quả hơn trong tương lai.

Để chuẩn bị tiếp nhận vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2010, Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động của ASEAN, đã chủ động đề xuất và tham vấn các nước liên quan một số sáng kiến về nhiều lĩnh vực để thực hiện trong thời gian tới.

Thành quả hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta trong năm 2009 không những góp phần quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong năm nay, mà còn mở đường để nước ta đi lên mạnh mẽ, vững vàng hơn trong các năm tới. 

PHẠM CHI LAN

Tin cùng chuyên mục