Vững vàng tuổi 45

Ngay khi dịch Covid-19 vừa bùng phát trên toàn thế giới, Thời báo nổi tiếng New York Times và Tập đoàn truyền thông Singapore Press Holdings đã tổ chức ngay một hội thảo trực tuyến bàn về cách thức làm báo trong thời kỳ dịch bệnh.

 Các ý kiến tại đây nêu rõ, trong những ngày dịch bệnh, là lực lượng giữ vai trò truyền thông chính yếu cho cộng đồng, các nhà báo vẫn phải tiếp tục công việc của mình trong mọi hoàn cảnh, kể cả ở những khu cách ly nghiêm ngặt. Để đảm bảo sản xuất và phát hành báo liên tục, hầu hết các tòa soạn đều chuyển sang làm việc trực tuyến ở tất cả các công đoạn và đổi mới phương thức đăng tải thông tin, sử dụng mạnh mẽ hình thức truyền thông đa phương tiện, thông tin đồ họa (Infographic).

Tập đoàn Singapore Press Holdings đã triển khai các hoạt động tách nhà máy in thành hai cơ sở in ấn trong cùng một địa điểm, chia ca làm việc, tạo khoảng cách vật lý giữa các nhân viên. Trên tờ The Washington Post, bản thông tin đồ họa giải thích cách virus SARS-CoV-2 lây lan và biện pháp phòng ngừa, lập tức thu hút lượng độc giả xem nhiều nhất, đè bẹp các thông tin thời sự khác. Tờ báo trực tuyến Hà Lan NU.nl, thuộc Tập đoàn Truyền thông Sanoma Media, đã tạo một bản tin sống động chuyên về dịch Covid-19 phát vào 9 giờ 30 mỗi ngày. Trước đó, số lượt truy cập của NU.nl thường đạt trung bình là 7 triệu lượt mỗi tháng, nhưng trong tháng 3-2020 đã tăng lên 9 triệu. Còn Nhật báo The Straits Times của Singapore thì tổ chức ngay một buổi tọa đàm trực tuyến, mời các chuyên gia trao đổi các thông tin, vấn đề chuyên môn quanh con virus tai hại SARS-CoV-2 cùng cách phòng chống dịch bệnh. Buổi tọa đàm đặc biệt thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng.

Số ra mắt ngày 5-5-1975 của Báo Sài Gòn Giải Phóng

Ở Việt Nam, trong những ngày phòng chống dịch bệnh này, nhiều tờ báo cũng thay đổi phương thức hoạt động để có thể xuất bản liên tục, không đình bản. Với Báo Sài Gòn Giải Phóng (SGGP), trước mối nguy hiểm của dịch Covid-19, ngay từ đầu tháng 3, Ban Biên tập đã lên phương án thiết lập tòa soạn dã chiến nếu tình hình diễn biến phức tạp. Và, ngày 31-3, khi Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19, Tổng Biên tập đã chỉ đạo yêu cầu các công đoạn trong quy trình xuất bản báo đều làm việc qua mạng. Đối với cánh phóng viên, việc tác nghiệp, viết rồi gửi bài qua mạng đã làm quen. Với Báo SGGP online, việc này cũng không khó, bởi hệ phần mềm quản trị nội dung (Content management system - CMS) luôn sẵn sàng để làm việc mọi lúc, mọi nơi. Nhưng đối với báo giấy, đây là lần đầu tiên triển khai hình thức này, việc phân công, tổ chức maquette, biên tập, duyệt bài, trình bày, dàn trang từ xa, không khỏi lúng túng ban đầu. Nhưng chỉ qua hai buổi thực hành, với hệ thống qua mạng riêng ảo đã trang bị, cùng với sử dụng các ứng dụng như họp trực tuyến webex meeting, zalo, viber …, mọi người đều thuần thục cách làm từ xa, phân tán.

Trong bối cảnh “chống dịch như chống giặc”, 25 số báo được làm việc từ xa qua hơn 3 tuần giãn cách xã hội đều xuất bản trôi chảy. Khi TPHCM đã nới lỏng giãn cách xã hội, mọi người trở lại làm việc tại Tòa nhà văn hóa nghiệp vụ SGGP rộng rãi, khang trang, đầy đủ điều kiện làm việc, gặp lại nhau ai nấy tay bắt mặt mừng. 

Để có được cơ ngơi và đội ngũ làm báo có phẩm chất, chuyên nghiệp, vững vàng chính trị, mà lớn hơn nữa, là tạo dựng được thương hiệu “Sài Gòn Giải Phóng” như ngày hôm nay, là nhờ sự đóng góp trí tuệ, công sức, tình cảm của các thế hệ làm Báo SGGP, sự quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ của lãnh đạo TPHCM và Trung ương, của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp, và đặc biệt là sự ủng hộ của đông đảo bạn đọc gần xa.

Ngược dòng thời gian, vào ngày này 45 năm trước, theo quyết định của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, một tờ báo xuất bản hàng ngày khổ lớn mang tên “Sài Gòn Giải Phóng” được in ấn và phát hành với số lượng lớn, đáp ứng yêu cầu và nhu cầu thông tin của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thành phố Sài Gòn mới được giải phóng. Thế hệ đầu tiên làm báo SGGP từ nhiều nguồn khác nhau được tập hợp lại. Tất cả đều có chung ý thức sâu sắc về trách nhiệm và vinh dự làm thế nào để sự kiện Sài Gòn giải phóng luôn tỏa sáng, luôn là niềm tự hào của nhân dân thành phố và cả nước. Ý thức ấy luôn được truyền lại, ngày càng sâu đậm hơn đối với các thế hệ làm báo SGGP tiếp theo. 45 năm qua, Báo SGGP đã liên tục thông tin đầy đủ, chuẩn xác, có định hướng rõ ràng về tình hình an ninh - quốc phòng, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các vùng lãnh hải của Tổ quốc; tình hình phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của TPHCM, của cả nước và thông tin quốc tế. Các thế hệ làm Báo SGGP qua các thời kỳ luôn giữ vững tôn chỉ, mục đích của báo. Nhiệm vụ “cơ quan ngôn luận của Đảng bộ TPHCM” luôn gắn bó hữu cơ, mật thiết với trách nhiệm “diễn đàn của nhân dân”. Đây là hai vế của một vấn đề: Đưa ý Đảng đến với lòng dân không thể tách rời việc đưa lòng dân đến với Đảng. Chức năng thông tin luôn gắn liền với tuyên truyền.

45 năm, nói ngắn là ngắn mà nói dài cũng là dài. Với những người làm báo, thời gian đi rất nhanh, là thước đo cho sự phát triển. Ở tuổi 45, cùng với sự phát triển nhanh, vững chắc của TPHCM nói riêng, đất nước nói chung; trong thời kỳ bùng nổ công nghệ và truyền thông xã hội mạnh mẽ, đòi hỏi thế hệ làm Báo SGGP hiện nay phải vượt lên chính mình để tiếp tục phục vụ bạn đọc tốt hơn nữa, phải có những bước đổi mới về phương thức làm việc mới, nâng cao hơn nữa chất lượng nội dung và hình thức, vững vàng khẳng định vị trí, xứng đáng với sự tin cậy, đồng hành của các bạn đọc thân yêu.

Tin cùng chuyên mục