World Cup - cuộc chơi nghiệt ngã

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy buộc phải triệu tập một cuộc họp khẩn, mà thành phần tham dự khiến nhiều người ngạc nhiên, có Thủ tướng Francois Fillon, Bộ trưởng và Thứ trưởng Bộ Thể thao. Người ta còn ngạc nhiên hơn, vì đây là cuộc họp chỉ xoay quanh chuyện mổ xẻ thất bại của đội tuyển Pháp ở World Cup 2010.

Điều gì khiến bóng đá - lĩnh vực vốn không quan trọng như chính trị, kinh tế hay khoa học - lại nhận được sự quan tâm lớn đến vậy? Điều gì khiến đích thân người đứng đầu một nhà nước phải vào cuộc để giải quyết một vấn đề mà nói thẳng ra, nó chẳng can hệ gì đến vận mệnh đất nước? Rồi thì người ta cũng dần hiểu ra vấn đề, rằng nội bộ đội tuyển áo lam bất đồng sâu sắc, có quá nhiều cầu thủ nổi loạn và đó là nguyên nhân lớn nhất khiến cuộc hành trình của họ trở nên tệ hại.

Đội tuyển Pháp góp mặt ở World Cup 2010 chính là đại diện cho hình ảnh của nước Pháp trước bạn bè thế giới. Dù chỉ ở lĩnh vực thể thao như bóng đá thì nó vẫn cứ quan trọng, tinh thần dân tộc vì màu cờ sắc áo vẫn được đặt lên hàng đầu. Pháp không làm được điều này, thậm chí rời Nam Phi trong sự hổ thẹn. Thành ra, chuyện của bóng đá cũng dấy động đến cả người đứng đầu đất nước, tức là chuyện lớn rồi.

Sự trớ trêu của số phận buộc người Italia phải sớm chia tay World Cup 2010. Có lẽ, đây là điều gây sốc nhất VCK năm nay. Dĩ nhiên là vậy khi mà Italia đang là đội đương kim vô địch thế giới. Sự chủ quan ở cuộc chiến cuối cùng với Slovakia khiến người Italia phải ngậm ngùi nói lời chia tay. Mọi thứ trở nên muộn màng khi mà hình ảnh của đội bóng số 1 thế giới chỉ kịp bùng lên ở thời điểm cuối cùng. Nó chỉ đủ thắp dậy niềm tin le lói nơi các học trò của HLV Marcelo Lippi, trước khi để cho Slovakia kết thúc trận đấu theo cách không thể ngoạn mục hơn. Những người đàn ông Italia đã khóc, khóc vì tiếc nuối và khóc vì chưa bao giờ họ lại xếp cuối bảng ở một kỳ World Cup như lúc này.

World Cup 2010 đáng được xếp vào diện kỳ lạ nhất trong suốt chiều dài lịch sử của bóng đá thế giới. Ngay vòng đấu bảng, cả hai đội ĐKVĐ lẫn đương kim á quân đều phải nói lời chia tay. Ngay vòng đấu bảng, tất cả mọi dự đoán đều đảo lộn, kết quả các trận đấu luôn gây cho người xem cảm giác bất ngờ xen lẫn hụt hẫng. Tất nhiên, trên một khía cạnh khác, điều này giúp World Cup trở nên thú vị và không còn ranh giới quá lớn giữa các đội bóng được cho là “ông kẹ” với những đội bóng bị xếp vào diện “tí hon”. Pháp, Italia bị loại phút chót, thay vào đó là tân binh Slovakia, Hàn Quốc, Mỹ…

Trật tự của bóng đá thế giới ít nhiều cũng đã đảo lộn tại kỳ World Cup này, tất nhiên là theo hướng tích cực. Các nền bóng đá trẻ trung, thường bị cho là “thấp cổ, bé họng” bất ngờ thăng hoa, cũng đồng thời chứng tỏ cuộc chơi ngày càng được thu hẹp khoảng cách trình độ. Ngoại trừ Argentina và Brazil vẫn tỏ rõ sự vượt trội về đẳng cấp so với các đội bóng khác, còn lại gần như tồn tại một sự cân bằng đáng kể giữa bóng đá 5 châu lục. New Zealand vẫn có thể hòa Italia, Slovakia vẫn thắng được Italia, Mexico đả bại Pháp 2 bàn không gỡ, Serbia quật ngã gã khổng lồ Đức hay Thụy Sĩ khiến ĐKVĐ châu Âu như Tây Ban Nha phải ê chề… đã chỉ ra tất cả, rất ngoạn mục.

World Cup 2010 vừa mang dáng vẻ kỳ lạ, nhưng lại rất đáng xem, đáng để suy ngẫm. 

LÊ QUANG

Tin cùng chuyên mục