Khắc phục thảm họa sập cầu dẫn Cần Thơ

Tìm thấy 2 nạn nhân mất tích

Theo Ban chỉ đạo khắc phục hậu quả vụ thảm họa, mặc dù phải hứng chịu nhiều đợt mưa to nhưng lực lượng cứu hộ, cứu nạn của nhà  thầu, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 và Bộ GTVT mặc áo mưa tiếp tục  tìm kiếm người mất tích, nhằm vào các vị trí 2a phía dưới điểm gãy của hai tấm bê tông cốt thép (nhịp 13 giữa trụ 13, 14) nằm sâu dưới lòng đất và mở một số cửa sổ dầm hộp bê tông để dùng đèn chiếu phía trong thăm dò.

Sáng 3-10, 40 công nhân của Công ty Cầu 73 thuộc Tổng Công ty XDCTGT 8 cũng được huy động, tăng cường thêm cho công tác cứu hộ, cứu nạn. Lúc 10 giờ sáng ngày 3-10, lực lượng cứu hộ đã đưa xác một nạn nhân từ hố sâu bên dưới đống đổ nát ở trụ cầu B13 ra ngoài. Tại Bệnh viện Quân y 121, nạn nhân được xác định là anh Lê Hoàng Quốc Việt, công nhân Công ty Vĩnh Thịnh, sinh năm 1979, tại ấp Mỹ Hưng 1, xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.

Đến 16 giờ ngày 3-10, lực lượng cứu hộ tiếp tục tìm thấy và đem ra từ đống đổ nát vùi sâu cách mặt đất khoảng 4m, gần trụ P13 thêm một thi thể mất tích. Nạn nhân tên Nguyễn Văn Hai, công nhân Công ty VSL, 36 tuổi ngụ xã Mỹ Hòa huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Lực lượng cứu hộ nhanh chóng đưa thi thể công nhân Nguyễn Văn Hai về nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 121 để khám nghiệm tử thi và làm thủ tục giao cho gia đình mang về an táng.

Như vậy, đến nay đã có 52 người chết trong vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ. Theo danh sách công nhân do nhà thầu cung cấp, còn một nạn nhân mất tích bị vùi trong đống đổ nát tên Trần Văn Hơn, công nhân Công ty Vĩnh Thịnh, 37 tuổi, ngụ xã Đông Bình, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.

Ngày  3-10, tại cuộc họp giữa Bộ GTVT với lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long, TP Cần Thơ và nhà thầu TKN để bàn phương án khắc phục sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ, một số ý kiến đề nghị tỉnh Vĩnh Long và Cần Thơ phối hợp sử dụng các nguồn hỗ trợ cho các gia đình một cách nhanh chóng và công bằng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, cần chia thành hai quỹ: Một quỹ hỗ trợ khẩn cấp và một quỹ được sử dụng lâu dài để chăm sóc con cái và bố mẹ già của những người tử nạn, những người bị thương nặng.

Tại cuộc họp này, liên danh nhà thầu TKN cho biết họ sẽ hỗ trợ gia đình các nạn nhân 9 tỷ đồng. Trước mắt, TKN hỗ trợ khẩn cấp 1 tỷ đồng, giúp các gia đình vượt qua khó khăn. Số còn lại sẽ hỗ trợ lâu dài cho gia đình các nạn nhân. TKN sẽ trao tiền hỗ trợ cho gia đình các nạn nhân tại UBND xã Mỹ Hòa vào sáng nay (4-10).

Tính đến 17 giờ hôm nay, đã có  548 đơn vị, cá nhân trong cả nước đã gửi tiền và hiện vật đến Cần Thơ giúp đỡ cho các nạn nhân trong vụ sập 2 nhịp dẫn cầu Cần Thơ tổng trị giá trên 10 tỷ đồng. Tỉnh Vĩnh Long cũng đã nhận được 9,5 tỷ đồng tiền cứu trợ nạn nhân. Như vậy, đến nay cả nước đã giúp các nạn nhân trong vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ 28,5 tỷ đồng.

Một diễn biến khác, Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ cho biết: Ngày 3-10, kíp y bác sĩ cấp cứu thành công ca đa chấn thương nặng nhất  trong vụ tai nạn sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ là anh Lê Hoàng Nam, 23 tuổi, bị dập gan, thận, lòi tim ra ngoài. Anh Nam có người em ruột là Lê Hoàng Quốc Việt, cũng là công nhân, bị chôn vùi trong đống đổ nát, mới tìm được thi thể sáng 3-10.  Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu biểu dương và thưởng  5 triệu đồng cho  kíp y bác sĩ cấp cứu thành công ca đa chấn thương nặng nhất này. Bộ Y tế còn đánh giá cao việc chuyển viện đảm bảo an toàn, không xảy ra tình trạng sốc đối với các bệnh nhân nặng khác.

Về thông tin phá dỡ bê tông bằng phương pháp nổ mìn vi kỹ thuật, Bộ GTVT cho biết đây chỉ là một phương án được nhà thầu đưa ra để xem xét và nếu được chọn thì cũng chỉ thực hiện khi công việc tìm kiếm các nạn nhân mất tích đã kết thúc. Hiện nay, nhà thầu đang nghiên cứu các phương án khác để không phải sử dụng vật liệu nổ.

T.M.T-B.Đ-C.H.P

Thông tin liên quan

- Phát hiện thêm 1 thi thể nạn nhân

- Bộ GTVT giải trình về cảnh báo của kỹ sư Nhật

- Sáng nay, còn 9 nạn nhân bị thương rất nặng

Tin cùng chuyên mục