Công nhân mùa giáp tết

Bài 1: Chạy sô

Bài 1: Chạy sô

Công nhân - xe ôm

Một ngày đối với Nguyễn Hoàng Long, công nhân Công ty V-Flame &G, Khu chế xuất Tân Thuận bắt đầu từ 5 giờ sáng và kết thúc lúc 1 giờ sáng ngày kế tiếp. 4 giờ chiều, khi vừa tan ca, Long hối hả đạp xe về nhà ăn vội chén cơm để chuẩn bị cho cuốc xe đêm.

Làm CN cho công ty được 2 năm, tiền lương của Long vẫn chỉ ở mức 960.000 đồng/tháng, tiền nhà, điện, nước cho cả gia đình ngốn hết vèo. Trước đây, ba Long chạy xe ôm cũng phụ được tiền chợ. Từ hồi mắt ông bị cườm nước, không nhìn rõ nên chỉ chạy được vài cuốc buổi sáng. Mẹ Long mắc bệnh nan y. Long trở thành trụ cột – nguồn thu nhập chính của gia đình.

Hàng đêm, anh đem xe ra đứng bến rước khách: “Chạy suốt từ đầu hôm đến nửa đêm cũng được 3-4 chục ngàn. Chủ nhật nghỉ làm ở công ty thì chạy cả ngày. Làm đều thì mỗi tháng kiếm thêm được từ 800.000 đến 1 triệu đồng, trừ tiền xăng cũng còn khoảng 500.000 đồng. Hễ nghỉ một ngày là cả nhà đói” – Long cho biết.

Bài 1: Chạy sô ảnh 1

Chị Nguyễn Thị Thanh Nhung (áo sọc, đứng) đang phụ làm thêm ở quán bánh xèo. Ảnh: V.H.H.

Là thành viên nam duy nhất trong tổ nên Long thường phải làm những công việc nặng nhọc dường như quá sức đối với cơ thể nặng chưa đầy 45 ký của anh. Hàng ngày, Long không dám ăn sáng. Đêm, dù mệt mỏi rã rời, Long cũng không bao giờ dám bỏ tiền ăn một tô hủ tíu gõ mà chỉ về ăn cơm nguội.

Những ngày tháng kham khổ đã khiến cậu mắc chứng đau bao tử. Dù đã “hành nghề” được gần 2 năm, Long vẫn chưa lấy bằng lái, bởi “làm ngày nào là ăn ngày nấy, không có thời gian, để đi thi lấy bằng…”.

Càng gần tết, những chuyến xe đêm của Long càng dài thêm ra để kiếm thêm tiền lo tết cho cả nhà. Khi được hỏi về những dự định trong tương lai, Long cười buồn: “Xăng mắc quá, có lẽ em phải nghỉ chạy xe để tìm công việc khác thôi…”.

Chạy bàn, chạy chợ  

Ngày nào cũng vậy, sau khi tan ca, cứ đúng 17 giờ 30 là Nguyễn Thị Thanh Nhung, 26 tuổi, quê ở Quảng Ngãi, CN Công ty 20-6 (chuyên về in lụa) ở đường Thạch Lam, quận Tân Phú lại vắt giò lên cổ chạy về quán bánh xèo ở đầu đường Thoại Ngọc Hầu để phụ bán. Mọi công việc chỉ chấm dứt sau 12 giờ đêm. Sau khi dọn dẹp, về nhà tắm rửa, ăn uống, Nhung bắt đầu giấc ngủ khi trời đã chuyển sang ngày mới.

Mỗi ngày phụ bán, Nhung được trả 30.000 đồng. Nhung tâm sự: Biết là cực lắm, nhưng riết rồi cũng quen, lương ở công ty mỗi tháng có 900.000 đồng mà em lại phải nuôi con đang chuẩn bị vào lớp 1 ở quê. Tết lại sắp đến, phải ráng cày để có thêm tiền về quê thăm con…

Gần tết, ngay trên lề con đường nội bộ vào KCN Tân Bình, trước mặt Công ty Dệt Thắng Lợi là cái chợ chồm hổm có hàng chục người buôn bán. Ít ai biết được, nhiều người trong số đó cũng là CN. Trương Huy, CN một cơ sở may hàng gia công không có tên ở đường Bàu Cát, quận Tân Bình là chủ một “shop” quần áo ngoài trời ở KCN Tân Bình này. Cứ đến sâm sẫm tối là Huy lại vác bao quần áo, chọn một góc trước Công ty Dệt Thắng Lợi, trải bao ra hoặc vắt các áo thun lên dây rồi… rao! Mỗi cái áo bán ra, Huy kiếm được 5.000 đồng. “Có hôm đã lắm, bán gần 20 cái áo vì trúng ngày lĩnh lương của CN. Mấy hôm nay gần tết bán cũng được lắm” - Huy cười tươi rói cho chúng tôi biết.

Khi nghe chúng tôi hỏi điều gì khiến anh lo nhất, Huy nói liền: “Sợ dân phòng hoặc công an khu vực đi tuần”. Mỗi lần như thế, Huy cũng như mấy chục người đang bán ở trên con đường này lại nháo nhào vác đồ chạy. “Nhiều hôm một đêm chạy tới 2, 3 lần, mệt chết nhưng khổ quá phải làm liều”- Huy nói. 

HƯƠNG- HIỆP- LÂM

Tin cùng chuyên mục