Xây dựng chế độ trách nhiệm cụ thể, rõ ràng để chống tham nhũng, lãng phí

Xây dựng chế độ trách nhiệm cụ thể, rõ ràng để chống tham nhũng, lãng phí

Một trong những cơ sở để chống tham nhũng, lãng phí có hiệu quả là phải xây dựng được chế độ trách nhiệm rõ ràng. Nhưng hiện nay, chúng ta vẫn có nhiều quy định chưa rõ ràng, chưa cụ thể, trong đó chưa xác định rõ trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của tập thể và cá nhân, giữa cấp trên và cấp dưới, hay chế độ trách nhiệm cho từng loại chức danh cán bộ, công chức nhà nước.

Xây dựng chế độ trách nhiệm cụ thể, rõ ràng để chống tham nhũng, lãng phí ảnh 1

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Đua (thứ 2 từ phải sang) khảo sát công trình thi công cầu Nguyễn Văn Cừ.  Ảnh: VIỆT DŨNG.

Từ những vụ việc tiêu cực, tham nhũng lớn trong thời gian qua ở TPHCM cho thấy, khi xây dựng chế độ trách nhiệm cần xác định rõ chức danh, tiêu chuẩn cán bộ, chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn và nghĩa vụ của mỗi cán bộ, mỗi cấp cán bộ trong bộ máy Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức kinh tế nhà nước. Quy định rõ chế độ đi cơ sở, nắm bắt tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị; kiểm tra, chỉ đạo thực hiện nghị quyết, chỉ thị của cấp trên và của cấp mình.

Quy định chế độ tiếp dân, lắng nghe ý kiến của dân, trách nhiệm giải quyết kịp thời những kiến nghị của dân, phản ánh của nhân dân về phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên trong cơ quan, đơn vị mình. Xác định rõ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ của mỗi công chức, từ công chức lãnh đạo đến công chức thừa hành để mỗi người thấy rõ vị trí, vai trò của mình, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao và phối hợp thực hiện nhiệm vụ chung của cơ quan, đảm bảo công việc không bị bỏ sót, chậm trễ hoặc chồng chéo, chịu trách nhiệm đối với nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Quy định rõ trách nhiệm vật chất đối với cán bộ công chức quan liêu, tham nhũng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, cần có quy định rõ trách nhiệm trực tiếp, gián tiếp, trách nhiệm liên đới trong việc chỉ đạo thực hiện quyết định, chỉ thị, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và trách nhiệm khi để xảy ra quan liêu, tham nhũng.

Cách đây 2 năm, Thành ủy TPHCM ban hành Quy định 428 về trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Đây là chủ trương đúng đắn, phù hợp thời điểm hiện nay và sắp tới, nhưng việc thực hiện còn nhiều hạn chế, nhất là đối với quy định về việc từ chức của người đứng đầu. Trong sản xuất kinh doanh, ngoài việc khắc phục tình trạng đơn vị sản xuất kinh doanh có nhiều đại diện sở hữu mà không có chủ sở hữu đích thực, thì cần xác định và cụ thể hóa chế độ “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”; xác định rõ ranh giới trách nhiệm tập thể, cá nhân, không để tình trạng núp bóng tập thể để hoạt động sai trái. Cuối cùng là xác định rõ chế tài xử lý khi vi phạm.

Lê Xuân Đắc
(Đảng ủy khối Bộ Công nghiệp)

Tin cùng chuyên mục