LTS: Sau khi Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV), Ngân hàng Công thương (VietinBank) công bố hạ lãi suất huy động và cho vay, sáng 10-5, NHNN cũng đã thông báo điều chỉnh các lãi suất điều hành. TS Bùi Đức Thụ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã bày tỏ ý kiến của mình về vấn đề này với chuyên mục “Góc nhìn chuyên gia” Báo SGGP. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Lãi suất vẫn còn cao
Các doanh nghiệp của nước ta hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn. So với năm 2011, năm 2012 cả nước có 69.874 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 467,3 ngàn tỷ đồng, giảm 9,9% về số doanh nghiệp và giảm 9% về số vốn đăng ký. Trong 4 tháng đầu năm 2013, tình hình có được cải thiện nhưng doanh nghiệp vẫn còn rất khó khăn: cả nước có 23.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký trên 123 ngàn tỷ đồng, giảm 1,2% về số doanh nghiệp và giảm 14,1% về số vốn đăng ký; có khoảng 3.000 doanh nghiệp hoàn thành thủ tục giải thể, khoảng 16.600 doanh nghiệp ngừng hoạt động, tăng 16,9% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, trong 4 tháng đầu năm 2013 cũng có 8.300 doanh nghiệp ngừng hoạt động đã quay trở lại hoạt động.
Tình thế này đòi hỏi Quốc hội và Chính phủ phải có giải pháp tổng thể để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, trong đó giải pháp tiền tệ là hết sức quan trọng, nếu không muốn nói là quyết định sự tồn vong của doanh nghiệp. Điều này càng đúng ở Việt Nam với phần lớn doanh nghiệp là doanh nghiệp nhỏ và vừa lệ thuộc rất nhiều vào vốn vay. Chính vì thế mà khả năng tiếp cận nguồn vốn vay và lãi suất cho vay như thế nào là chuyện sống còn của doanh nghiệp. Từ giác độ đó, giải pháp khơi thông thị trường vốn tín dụng, hạ lãi suất chính là sự tiếp sức vô cùng cần thiết cho doanh nghiệp.
Có người e ngại việc lãi suất giảm sâu có thể tạo ra làn sóng khiến người gửi rút tiền ra, đầu tư vào lĩnh vực khác, nhưng tôi cho rằng việc để lãi suất ở mức nào phụ thuộc vào quan hệ cung - cầu về vốn trên thị trường. Đến 18-4-2013, huy động vốn tăng 5,04% so với cuối năm 2012, nhưng dư nợ cho vay trong 3 tháng đầu năm gần như không tăng (tăng 0,03%). Tháng 4 tăng một chút, nhờ vậy mà tính chung cả 4 tháng, tín dụng đã tăng 1,44% so với cuối năm 2012, nhưng nếu loại trừ phần vốn mà các NHTM mua trái phiếu Chính phủ thì tín dụng thực sự được đầu tư vào sản xuất kinh doanh có lẽ còn giảm.
Trong điều kiện số dư tiền gửi cao hơn dư nợ cho vay có thể thấy là NHTM đã sử dụng tồn ngân này để mua trái phiếu Chính phủ. Điều này cũng chưa “đánh trúng” mục tiêu quan trọng nhất của chúng ta là tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết công ăn việc làm và bảo đảm an sinh xã hội. Hiện tại, số dư tiền gửi cao hơn dư nợ cho vay, mức chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại vẫn còn ở mức khá lớn, đòi hỏi cần tiếp tục hạ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi tăng trưởng.
Vừa qua, một số ngân hàng lớn đã hạ lãi suất cho vay. Tôi cho rằng, trong thời gian tới các ngân hàng khác cũng phải hạ lãi suất cho vay vì thị trường là thống nhất; với điều kiện vay như nhau thì chỗ nào lãi suất cho vay thấp, doanh nghiệp sẽ đến vay. Các NHTM khác nếu không hạ lãi suất thì sẽ càng khó khăn trong việc tìm kiếm đầu ra cho mình. Kịch bản rõ ràng là phải hạ lãi suất, vấn đề là hạ thế nào.
Đã đến lúc xem xét nới lỏng tiền tệ
Bên cạnh việc có một lượng tiền lớn được các NHTM đem mua trái phiếu Chính phủ, còn phải tính đến một phần tín dụng nữa là cho vay đảo nợ. Cũng có người lo ngại đây chỉ là “làm đẹp các con số về nợ”, nhưng thực tế Luật Các tổ chức tín dụng vẫn cho phép cho vay đảo nợ và cho vay đảo nợ cũng là tạo điều kiện cho những doanh nghiệp trước đây đã vay với lãi suất cao, nay họ có thể trả hết nợ cũ và vay lại với lãi suất thấp hơn, qua đó giảm chi phí vốn.
|
Điều đáng lưu ý là chỉ số giá cả tiêu dùng (CPI) 4 tháng đầu năm 2013 chỉ tăng 2,41% so với cuối năm 2012, là mức tăng thấp nhất trong 4 năm qua; chỉ số giá bình quân 4 tháng đầu năm 2013 chỉ tăng 6,83% so với cùng kỳ năm 2012. Nếu điều hành chính sách tiền tệ như như hiện nay thì CPI cả năm ở mức 7% - 8%. Mặt khác, để kích thích tăng trưởng kinh tế, nhiều nước trên thế giới đã xem xét đến việc nới lỏng chính sách tiền tệ và điều này sẽ tác động đến tỷ giá hối đoái giữa VND và đồng tiền các nước này, tác động đến xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Trong điều kiện nền kinh tế “khát vốn” trước sự suy giảm đầu tư của các thành phần kinh tế, tôi đề nghị xem xét đến việc nới lỏng tiền tệ trong khuôn khổ cho phép, tạo điều kiện tăng cung tín dụng ra thị trường để hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển kinh tế, đồng thời duy trì tỷ giá hối đoái ở mức hợp lý nhằm khuyến khích xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, duy trì các cân đối lớn của nền kinh tế.
Việc tăng cung vốn tín dụng phải gắn liền với việc cơ cấu lại các khoản vay, bảo đảm sử dụng có hiệu quả, chú trọng đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; khu vực sản xuất hàng xuất khẩu, các lĩnh vực sản xuất hàng hóa thay thế hàng nhập khẩu để ổn định kinh tế vĩ mô.
Đối với lĩnh vực bất động sản, vừa qua còn nhiều ý kiến khác nhau giữa các nhà chuyên môn, các nhà quản lý và doanh nghiệp. Quan điểm cá nhân của tôi là phải xem xét nhiều chiều. “Thắt” chặt quá có nguy cơ đổ vỡ, không chỉ vốn trực tiếp đổ vào bất động sản trở thành nợ xấu mà còn nhiều lĩnh vực liên quan khác cũng không thể duy trì và phát triển được, làm giảm GDP và gia tăng thất nghiệp. Nhưng nếu hỗ trợ bất động sản quá mức thì vô hình trung làm cho giá nhà đất, bất động sản vẫn giữ mức cao, không phù hợp với thu nhập bình quân của dân cư. Hai năm qua thị trường này đã giảm nhiệt, “bong bóng” bất động sản đã xì hơi, nhưng đã xì đủ chưa? Tôi cho là chưa!
Về thị trường này, hỗ trợ người vay vốn mua nhà là cần thiết, nhưng hỗ trợ thông qua hỗ trợ lãi suất tiền vay mua nhà đối với một số trường hợp lại là làm rắc rối thêm vấn đề quản lý. Nếu sử dụng cơ chế thị trường, đảm bảo giá nhà hợp lý hơn, phù hợp với thu nhập của họ thì đây là cách thức hiệu quả và minh bạch hơn nhiều!
Tất nhiên, nói đi cũng phải nói lại. Các doanh nghiệp của chúng ta khó khăn đến thế, khát vốn đến thế cũng có phần do chất lượng quản lý, điều hành doanh nghiệp kém, dẫn đến tỷ suất lợi nhuận không cao. Môi trường kinh doanh và hệ thống chế độ chính sách, tuy có cải thiện trong những năm gần đây, nhưng chưa theo kịp yêu cầu; đặc biệt là tính đồng bộ của hệ thống chính sách và sự phù hợp với tình hình thực tiễn trong từng ngành chưa tốt. Đó là nhược điểm cốt tử phải khắc phục cho được về lâu dài.
TS Bùi Đức Thụ
| |