Trước chúng ta 6 thế kỷ, Nguyễn Trãi đã khẳng định: đẩy thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân.
Như sự gặp gỡ của những tư tưởng vĩ đại, đầu những năm 20 của thế kỷ trước, lãnh tụ cộng sản thiên tài Lênin cũng khẳng định rằng: “Chỉ trông vào bàn tay những người cộng sản để xây dựng xã hội cộng sản, đó là một tư tưởng hết sức ngây thơ. Những người cộng sản chỉ là một giọt nước trong đại dương, một giọt nước trong đại dương nhân dân”. Và: “Quần chúng lao động ủng hộ chúng ta, sức mạnh của chúng ta là ở đó. Nguồn gốc khiến CNCS thế giới trở thành vô địch cũng là ở đó”.
Tư tưởng ấy cũng là tư tưởng xuyên suốt trong quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nhân nghĩa là nhân dân. Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. “Nước lấy dân làm gốc”.
Nhân dân là người làm nên sự nghiệp cách mạng, cũng là lực lượng chủ yếu bảo vệ cách mạng. Thực tiễn lịch sử đã chỉ ra rằng: Cách mạng XHCN chỉ có thể thành công khi có một đảng có đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn và sự ủng hộ mạnh mẽ của quần chúng nhân dân. Nếu dân không tin, không ủng hộ thì sự nghiệp giải phóng dân tộc không thể thành công và việc xây dựng xã hội mới sớm muộn cũng sẽ thất bại.
Chân lý nhân dân đã chỉ đạo xuyên suốt hành trình cách mạng của dân tộc từ chống Pháp đến chống Mỹ. Chỉ với 5.000 đảng viên, Đảng ta đã làm cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công chính là nhờ chúng ta đã huy động được sức mạnh của nhân dân. Khát vọng độc lập tự do cháy bỏng của nhân dân đã nhân lên gấp bội sức mạnh của Đảng, làm nên một Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, một chiến dịch Hồ Chí Minh vĩ đại, giành lại độc lập tự do hoàn toàn cho đất nước, thu non sông về một mối.
Đường lối chiến tranh sáng tạo của Đảng ta là đường lối chiến tranh bắt nguồn từ trí tuệ của cuộc kháng chiến, trí tuệ của nhân dân, từ khởi nghĩa Yên Bái, Ba Tơ, khởi nghĩa Nam Kỳ, đồng khởi Bến Tre. Trí tuệ của Đảng đã thăng hoa nhờ thâu thái được trí tuệ của toàn dân tộc và nhân loại.
Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là trong những năm đổi mới, trí tuệ của nhân dân đã đóng vai trò to lớn trong sự phát triển vượt bậc của đất nước. Có thể nói không sợ ngoa ngôn rằng: không có những hiện thực hoạt động từ đời sống, những sáng tạo của nhân dân thì không thể có đường lối đổi mới toàn diện của Đảng ta. Không có khoán chui ở Vĩnh Phú, Hải Phòng thì không có khoán 10, khoán 100 trong nông nghiệp, tạo nên kỳ tích đầu tiên trong nông nghiệp đất nước: từ thiếu đói thành nước xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới.
Khoán chui ở Vĩnh Phú, Hải Phòng, những hoạt động kinh tế xé rào ở Long An, thành phố Hồ Chí Minh… là những trải nghiệm thực tiễn, có khi đau đớn, giúp Đảng ta tự cởi trói, đúc kết về mặt lý luận, tìm ra đường hướng đúng cho đường lối phát triển, tạo ra cú bứt phá ngoạn mục về kinh tế, hội nhập với cộng đồng quốc tế. Đường lối đổi mới kinh tế cho mùa hoa thơm quả ngọt, suy cho cùng chính là chúng ta đã khơi đúng dòng chảy của cuộc sống, khơi đúng dòng chảy của dân sinh.
Trí tuệ của nhân dân đã làm sáng tỏ những bước đi hợp quy luật, chứng tỏ tính đúng đắn của chân lý đời sống. Trí tuệ nhân dân cũng giúp Đảng phá bỏ vòng kim cô của những công thức giáo điều của một mô hình chủ nghĩa xã hội khô cứng, trái quy luật, tìm ra cách đi riêng của dân tộc trên con đường thực hiện lý tưởng xã hội chủ nghĩa.
Đưa ra xin ý kiến của nhân dân về đường hướng phát triển đất nước là một tiền lệ rất đáng quý, thể hiện tính dân chủ của Đảng ta. Đáp lại, đông đảo nhân dân đã tham gia đóng góp sôi nổi vào đường hướng phát triển đất nước với tinh thần trách nhiệm cao trước vận mệnh dân tộc. Khí thế nhân dân góp vào văn kiện Đại hội VI của Đảng có thể coi là một “Hội nghị Diên Hồng” thời hiện đại, trở thành biểu trưng mối liên hệ máu thịt giữa ý Đảng lòng dân. Ý kiến của nhân dân được tiếp thu đã hóa thân vào đường lối phát triển khoa học, đúng quy luật, tạo nên cái cốt lõi nhân văn trong các chính sách kinh tế xã hội vì con người và cho con người, thực sự trở thành cây gậy thần định hướng cho sự nghiệp đổi mới đất nước.
Hướng tới việc xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, Bộ Chính trị vừa ra Chỉ thị về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nhằm xây dựng phát triển đất nước trong giai đoạn mới của cách mạng. Chủ tịch Quốc hội cũng đã ký ban hành Nghị quyết tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Văn kiện công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng đã được đưa ra.
Vấn đề còn lại là các cơ quan, tổ chức các ngành làm sao để nhân dân sôi nổi tham gia bàn thảo khi góp ý vào văn kiện dự thảo Hiến pháp này. Làm sao để biến cuộc góp ý thành đợt sinh hoạt chính trị phát huy được quyền làm chủ và trí tuệ của nhân dân. Và cuối cùng làm sao tiếp thu được ý chí của toàn dân tộc, biến nó thành đường lối phát triển mới của đất nước, để bản Hiến pháp mới tiêu biểu cho ý chí của nhân dân, theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: dân là gốc.
DƯƠNG TRỌNG DẬT