Ý nghĩa của Nobel Hòa bình

Khi Malala Yousafzai đoạt giải Nobel Hòa bình vào ngày 10-10, một nửa dân số Pakistan bùng nổ trong niềm vui nhưng nửa còn lại giận dữ lên án và tỏ ra thờ ơ. Vì sao một giải thưởng quốc tế danh giá như vậy lại không được đón nhận với không ít người Pakistan?
Ý nghĩa của Nobel Hòa bình

Khi Malala Yousafzai đoạt giải Nobel Hòa bình vào ngày 10-10, một nửa dân số Pakistan bùng nổ trong niềm vui nhưng nửa còn lại giận dữ lên án và tỏ ra thờ ơ. Vì sao một giải thưởng quốc tế danh giá như vậy lại không được đón nhận với không ít người Pakistan?

Những người không ủng hộ Malala nghĩ rằng cô cũng chẳng khác là bao so với nhiều người thiếu nữ nghèo ở Pakistan. Assed Beg, một nhà báo từng viết bài cho rằng phương Tây cứu Malala khỏi cái chết và cũng chính phương Tây đã tô vẽ để cô trở thành tấm gương sáng về sự hào phóng để xoa dịu những tội lỗi của họ về các cuộc chiến tranh mà họ đang tiến hành trong thế giới Hồi giáo. Bài viết này cũng xem chiến dịch vận động giáo dục toàn cầu của Malala là “âm mưu của phương Tây”.

Ngoài ra, cũng có nhiều ý kiến viết trên các blog tại Pakistan gọi giải Nobel hòa bình của Malala là “thói đạo đức giả” của phương Tây trong khi chính họ đã gây ra cái chết của nhiều cô gái khác ở nhiều nơi trong thế giới Hồi giáo, trong đó có Iraq, Syria và Afghanistan. Cũng có người khác viết: “Những kế hoạch bí mật, các cuộc chiếm đóng, các cuộc không kích của các máy bay không người lái được lồng ghép trong giải Nobel của Malala làm cho các cuộc chiến này trở nên chính nghĩa”.

Malala (bìa phải) thăm trẻ em tị nạn Syria ở Jordan.

Thực ra, những lập luận trên đa phần không chính xác. Quân đội Pakistan chứ không phải lực lượng phương Tây nào cứu Malala và chính những bác sĩ của Pakistan đã dốc hết sức mình chữa trị cho em khi được đưa bằng máy bay tới Anh trị tiếp.

Chắc chắn, người có lương tâm ở cả phương Tây và phần còn lại của thế giới sẽ tiếp tục lên án nhiều vấn đề trong các cuộc chiến của phương Tây tại các nước Hồi giáo, nhưng theo tác giả Bina Shah phân tích về vấn đề này trên trang web Asia News Network, điều đó không có nghĩa là họ có quyền xem nhẹ giải thưởng Nobel của Malala.

Bản thân mình, Malala không lên tiếng trước những lời chê bai từ người dân Pakistan. Cô vẫn thầm lặng đóng góp công sức của mình cho một mục tiêu cao cả là mang giáo dục đến cho các bé gái trên toàn cầu, nhất là những ai còn mang tư tưởng cấm bé gái đến trường như Taliban. Là chủ tịch của Quỹ Malala (đã nhận được cam kết đóng góp 28 tỷ USD), cô đã đến Jordan để thăm trẻ em tị nạn Syria, đến Nigeria ủng hộ các nữ sinh bị nhóm Boko Haram bắt cóc… Cô vẫn tiếp tục gặp gỡ các nhà lãnh đạo thế giới, công bố tài trợ cho các tổ chức giúp đỡ giáo dục và trao quyền cho hàng triệu cô gái bị từ chối hưởng thành quả của giáo dục. Một thực tế rằng tình trạng cản trở các bé gái đến trường ở Pakistan đã có từ lâu. Nếu không có cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ ở Pakistan, 13 triệu bé gái vẫn sẽ không được đến trường học. Tác giả Bina Sha viết: Hãy quên đi yếu tố chính trị và suy nghĩ thật thấu đáo trước khi nói “Tôi ghét Malala”. Theo bà Bina Sha, phương Tây có thể là nguồn gốc cho lòng căm thù của nhiều người với tất cả những gì xảy ra trên thế giới, nhưng Malala có thực sự là người để bạn đổ hận thù vào đấy chỉ vì em là hình mẫu cho sự vươn lên của các bé gái muốn đi học?

KHÁNH MINH

Tin cùng chuyên mục