Yêu cầu kiểm điểm tổ chức, cá nhân liên quan vụ xà xẻo tiền dịch vụ môi trường rừng

Liên quan đến những sai phạm trong việc sử dụng tiền dịch vụ môi trường ở 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum, UBND các tỉnh đã yêu cầu các đơn vị liên quan khắc phục các sai sót, kiểm điểm các tổ chức, cá nhân có để xảy ra những tồn tại.

 

Rừng phòng hộ Ayun  Pa bị tàn phá.

Ngày 5-5, ông Nguyễn Xuân Thưởng, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Gia Lai cho biết, sau khi đơn vị báo cáo UBND tỉnh về kết quả giám sát chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMRT), mới đây, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo.

Theo đó, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu quỹ tiếp tục theo dõi, đôn đốc các đơn vị chủ rừng, UBND các xã có liên quan khắc phục các sai sót trong việc chi trả tiền DVMTR; thường xuyên theo dõi kết quả kiểm tra việc sử dụng tiền DVMTR của UBND xã Ia Tul, huyện Ia Pa để có biện pháp xử lý kịp thời…

Về hướng khắc phục một số sai sót theo kết quả giám sát, ông Nguyễn Xuân Thưởng cho biết, đối với việc 10 đơn vị chủ rừng có diện tích rừng giao khoán, hợp đồng bảo vệ với dân giảm là do dân lấn chiếm làm nương rẫy với diện tích 13,05ha, đơn vị yêu cầu các đơn vị trên làm việc với dân để thu hồi trồng lại rừng vào mùa mưa năm 2019, không được sử dụng tiền DVMTR để trồng lại rừng bị lấn chiếm; không thanh toán tiền DVMTR đối với diện tích rừng bị giảm.

Trả lời về kết quả giám sát nêu có 10 đơn vị chi thiếu tiền bảo vệ rừng của dân với số tiền hơn 1,6 tỷ đồng, liệu việc cố tình chi thiếu tiền cho dân để trục lợi, ông Nguyễn Xuân Thưởng cho biết, không có chuyện 10 đơn vị chủ rừng chi thiếu để trục lợi mà do chưa chi khoản tăng thêm kịp thời cho dân.

Cụ thể ông Thưởng lý giải, thường đầu năm, các đơn vị trên hợp đồng bảo vệ rừng với dân theo đơn giá đã được phê duyệt đầu năm. Tuy nhiên đến cuối năm, đơn giá tăng thêm, quỹ thu tiền DVMTR cao hơn nên chi trả thêm. Các đơn vị đã chi trả chưa kịp thời khoản tăng thêm đó chứ không phải cố tình chi thiếu để chiếm đoạt.

“Sau khi phát hiện, đoàn giám sát yêu cầu các đơn vị nhanh chóng chi trả bổ sung cho dân. Đến trước thời điểm báo cáo UBND tỉnh (ngày 31-1), thì có 8 đơn vị đã hoàn thành chi trả với số tiền hơn 1,580 tỷ đồng. Đến nay, 10 đơn vị đã chi đủ số tiền chi thiếu 1,6 tỷ đồng cho dân”, ông Thưởng nói.

UBND tỉnh Kon Tum cũng đã có văn bản về việc tăng cường quản lý, sử dụng tiền DVMTR trên địa bàn tỉnh. Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Đắk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông, Đắk Hà căn cứ kết quả kiểm tra của đoàn liên ngành Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng - Sở NN-PTNT để tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, các nhân liên quan để sai sót trong quản lý điều hành, sử dụng tiền DVMTR, nhất là hành vi sử dụng sai mục đích và có giải pháp chấn chỉnh trong thời gian tới.

Trước đó, như báo SGGP Online đã phản ánh, ở các tỉnh Tây Nguyên, nhiều chủ rừng sử dụng tiền DVMTR một cách tùy tiện, không đúng mục đích, đối tượng, chi không có hóa đơn, chứng từ hàng tỷ đồng. Trong khi đó, rừng đưa vào giao khoán vẫn bị mất, thậm chí chủ rừng giao khoán bảo vệ cho diện tích đất trống.

Tin cùng chuyên mục