Yêu cầu phân tích kỹ các sự cố với nhà máy thủy điện

Ngày 26-10, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 7 thẩm tra báo cáo của Chính phủ về rà soát quy hoạch tổng thể thủy điện theo Nghị quyết số 40/2012/QH của Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tới dự.

(SGGP).- Ngày 26-10, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 7 thẩm tra báo cáo của Chính phủ về rà soát quy hoạch tổng thể thủy điện theo Nghị quyết số 40/2012/QH của Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tới dự.

Theo báo cáo nêu trên, Chính phủ đã loại khỏi quy hoạch 6 dự án thủy điện bậc thang và 418 dự án thủy điện nhỏ do hiệu quả thấp và có nhiều tác động tiêu cực đối với môi trường, xã hội; không xem xét quy hoạch 172 vị trí tiềm năng thủy điện; tạm dừng có thời hạn 136 dự án; tiếp tục rà soát, đánh giá 158 dự án. Các dự án, vị trí thủy điện tiềm năng bị đưa ra khỏi quy hoạch vì 2 lý do chính: Hiệu quả đầu tư thấp, không có nhà đầu tư quan tâm; có tác động xấu đến môi trường và kinh tế - xã hội.

Thẩm tra sơ bộ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận định, chất lượng quy hoạch thủy điện, nhất là thủy điện nhỏ rất hạn chế; không ít dự án bị loại bỏ, thiếu khả thi, phải điều chỉnh sơ đồ khai thác và quy mô trong quá trình đầu tư; số lượng dự án thủy điện nhỏ khá lớn nhưng đóng góp không nhiều về công suất phát điện.

Các ý kiến tại hội nghị cho rằng, báo cáo của Chính phủ đã xác định được cách xử lý đối với từng dự án. Tuy nhiên, nhiều đại biểu nhận xét, báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá thật sự đầy đủ, toàn diện đối với công tác bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư của các dự án, công trình thủy điện.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận, thủy điện đóng vai trò rất quan trọng đối với bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển KT-XH. Mặc dù vậy, những năm gần đây, quá trình lập và thực hiện quy hoạch thủy điện đã nảy sinh một số hạn chế, bất cập. “Việc phát triển thủy điện là vấn đề đang được xã hội hết sức quan tâm. Do đó, các báo cáo cần được tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hơn, bảo đảm yêu cầu đầy đủ, toàn diện, thống nhất; phân tích, đánh giá sâu sắc, sát thực tế hơn; phân định trách nhiệm của các chủ thể; đưa ra phương hướng, nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới”, bà Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục