Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX đang diễn ra tại Hà Nội với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” là dịp để chúng ta đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng giai đoạn 2011-2015; là dịp để biểu dương, tôn vinh các anh hùng, chiến sĩ thi đua, các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, nhân tố tiêu biểu trong toàn quốc.
Đây cũng là dịp để phát động phong trào thi đua trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, gắn với việc “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo chỉ thị của Bộ Chính trị và Luật Thi đua, khen thưởng.
Đại hội có sự tham dự của 1.800 đại biểu chính thức; trong đó đại biểu nhỏ tuổi nhất là 3 em học sinh mới 11 tuổi, đại biểu cao tuổi nhất là GS Vũ Khiêu - người đã dành cả đời cống hiến nghiên cứu về văn hóa Việt Nam. Đặc biệt, người lao động trực tiếp tham gia công tác, lao động sản xuất, kinh doanh chiếm hơn 60% số đại biểu được vinh danh. Đó là những tấm gương tiêu biểu về sự năng động, sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, vượt khó vươn lên, đóng góp cho cộng đồng hay hy sinh quên mình để bảo vệ Tổ quốc, giữ vững chủ quyền đất nước, vì cuộc sống bình yên của nhân dân.
Những tấm gương là những điển hình tiêu biểu được tôn vinh tại đại hội lần này có mặt ở khắp các lĩnh vực, từ vận động viên bơi lội Ánh Viên, “kỹ sư nông dân” Phan Tấn Bện, GS-TS Nguyễn Thị Kim Lan (Trường ĐH Thái Nguyên), đại úy Sằn A Phật (Phó đội trưởng Đội An ninh Công an huyện Tiên Yên, Quảng Ninh) đến bà Mai Kiều Liên (Tổng Giám đốc Vinamilk), bà Đỗ Thị Thúy (công nhân dệt may)… Tất cả họ, là những tấm gương sáng nhất cho lòng yêu nước, sự sáng tạo, cống hiến hết mình vì lợi ích chung của đất nước, của dân tộc. Ở họ, những hành động cụ thể, những sáng tạo cụ thể đã thể hiện được tư tưởng cao đẹp của mình, khiến cộng đồng bị thuyết phục, xúc động và mong muốn làm theo.
Trong bài viết “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” nhân dịp Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định, trong 5 năm qua các phong trào thi đua yêu nước đã phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, có sức lan tỏa cao, điển hình như các phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Thi đua quyết thắng”, “Vì an ninh Tổ quốc” và nhiều phong trào thi đua khác của các ngành, các cấp. Đặc biệt là phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” được triển khai sâu rộng, được nhân dân tích cực hưởng ứng, mang lại hiệu quả thiết thực, làm thay đổi diện mạo nông thôn, góp phần nâng cao đời sống cho người nông dân. Những thành quả mà các phong trào thi đua yêu nước mang lại, chắc chắn góp phần vô cùng quan trọng vào thành quả chung của đất nước trong 5 năm qua. Và dĩ nhiên, ai cũng hiểu, bất cứ một chủ trương, chính sách đúng đắn nào, để đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả, không thể không có những phong trào thi đua, những con người thi đua. Chính những con người luôn đi đầu trong phong trào thi đua, bằng tất cả sự nhiệt huyết và dấn thân của mình, đã tạo nên những cảm hứng lớn lao cho cộng đồng tiếp bước.
Chúng ta biết rằng, yêu nước thì cuối cùng phải hành động để góp phần phát triển đất nước. Bác Hồ đã nói những người thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, cho nên yêu nước, đại đoàn kết dân tộc là phải hành động để góp phần cho đất nước phát triển. Không ai có thể chỉ hô hào về lòng yêu nước mà tạo được sự thuyết phục nếu không biến thành những hành động cụ thể, mang lại hiệu quả, lợi ích chung. Trong bối cảnh hiện nay, mỗi một người Việt Nam yêu nước, dù ở bất cứ vị trí nào, cũng cần hun đúc lòng yêu nước: học sinh - sinh viên thi đua học tập; người lao động thi đua lao động sáng tạo; cán bộ công chức - viên chức thi đua để nỗ lực phục vụ tốt cho nhân dân; cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân đem tâm huyết, sáng kiến, lòng dũng cảm để sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc trong bất kỳ tình huống nào, nhất là để đảm bảo hòa bình, độc lập chủ quyền của đất nước; mỗi người đứng đầu thi đua để làm chuyển biến tình hình lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách… Nếu mỗi người, mỗi một vị trí đều có ý thức thi đua, phấn đấu trở thành người gương mẫu nhất thì chắc chắn, hiệu quả mỗi phong trào thi đua sẽ được đẩy lên, thành quả chung cũng nhờ thế mà trở nên tích cực hơn, quan trọng hơn.
Mỗi chúng ta có thể không phải ai cũng trở thành những điển hình tiên tiến. Nhưng mỗi một người đều có thể thi đua để làm tốt trách nhiệm, phần việc của mình để đóng góp nhiều nhất cho xã hội, cho dù đó là ai. Bởi mỗi người Việt Nam đều là người yêu nước, mà yêu nước thì cuối cùng phải hành động…
LÂM NGUYÊN