Bằng tình yêu thương không đúng mực, người lớn đôi khi vô tình tước đoạt nhiều điều quý giá của con trẻ. Để rồi có những đứa trẻ khi trưởng thành không còn là chính mình…
Tư duy khuôn đúc
“Trong các loại trái cây em thích nhất là quả cam chấm Quả hình tròn to bằng nắm tay em phẩy cuống của quả màu nâu chấm Vỏ quả màu cam phẩy hơi dày chấm Khi ăn em lột vỏ ra phẩy bên trong có rất nhiều múi phẩy có những múi rất nhiều nước chấm Quả cam có vị chua chua ngọt ngọt chấm Em rất thích ăn quả cam vì nó rất tốt cho sức khỏe chấm hết”.
Cu Bi đứng đọc vanh vách bài tập làm văn lớp 2 của một trường tiểu học có tiếng ở quận 5 (TPHCM) mà cậu vừa trải qua vài ngày trước đó. Chị Hoa - mẹ cu Bi, chủ một shop thời trang lớn, gọi thằng bé đến để đọc bài văn cho người bạn lâu ngày ghé nhà chơi nghe. Chị Hoa có vẻ hài lòng vì bài văn súc tích được con thể hiện trôi chảy. “Bài này con tự làm hay cô giáo bày vậy cu Bi?”, người khách hỏi. Thằng bé bẽn lẽn không trả lời.
Hãy giúp trẻ sớm cảm nhận niềm vui trong trách nhiệm chia sẻ việc nhà (Ảnh: Minh Họa)
Vậy đó, nếu có con học tiểu học, bạn sẽ đau đớn nhận thấy rằng, hơn 20 năm trước bạn được dạy tả con chim “chân bé như cái tăm” thì nay chân chim vẫn không khác chút nào trong bài văn của con bạn; tả cây xanh thì chắc chắn “thân cây nổi lên những hốc mắt cáo”; tả bà ngoại sẽ không tránh khỏi “nụ cười móm mém”… Giống nhau như từ một khuôn đúc mà ra!
“Trẻ em Việt Nam thích chọn nghề bác sĩ nhất khi trưởng thành”. Đó là kết quả công bố năm 2016 của một nhà cung cấp giải pháp nhân sự Thụy Sĩ tại Việt Nam, sau cuộc khảo sát gần đây về nguyện vọng, nghề nghiệp của trẻ, lứa tuổi 7-14. Không bàn đến chất lượng, chúng ta nhận thấy gì qua kết quả khảo sát? Tại sao hầu hết trẻ em Việt Nam đều trả lời “Bác sĩ” trước câu hỏi “Con muốn làm gì khi lớn lên?”. Đó có thật sự là câu trả lời của chúng? Hay cũng như cha mẹ ta thuở nào, cứ nhồi vào đầu ta niềm kỳ vọng của họ; nay ta lại nhồi vào đầu con trẻ niềm hy vọng của mình, rằng “con phải học giỏi để mai sau trở thành kỹ sư, bác sĩ”. Niềm mơ ước về nghề nghiệp tương lai giống nhau như khuôn đúc, giống đến… rùng mình.
“Con muốn làm gì khi lớn lên?”. “Con ước mơ làm người chăn cừu?”. “Vì sao vậy?”. “Vì con thích được giống người chăn cừu trong cuốn sách của bà Astrid Lindgren: đêm nằm trên đồi cỏ, vừa huýt sáo vừa ngắm bầu trời đầy sao”. Ước mơ thật đẹp và đừng tước đoạt nó!
“Dấu ấn Amae”
Mùa thi ở những đô thị lớn. Con ngồi suốt trong phòng để học bài, còn mẹ bưng cơm đến tận phòng, trái cây gọt vỏ và nhặt cả hạt, để con chỉ việc nhón tay cho vào miệng. Con vào trường thi, bố lặng lẽ băng sang bên kia đường ngồi chờ, uống hết ly cà phê mà chưa đến giờ con thi ra, lại kêu thêm ly nữa. Hỏi con ông học lớp mấy rồi, trả lời: lớp 11.
Nhiều ông bố, bà mẹ nhìn vẻ ngoài không còn trẻ khỏe, tay run, nét mặt đầy căng thẳng, vẫn chen trong dòng xe đông đúc để đưa con đến trường. Trong khi nhìn những cô, cậu ngồi sau phổng phao; nếu tự đi xe đạp, với sự nhanh nhạy của tuổi trẻ, chúng hẳn xử lý tốt các tình huống giao thông hơn bố mẹ mình.
Trời sắp vào mùa mưa, lại nhớ hình ảnh gây xôn xao, được lan truyền trên mạng xã hội hồi năm nọ, đó là cảnh bà mẹ người ướt đẫm, dắt xe dưới cơn mưa tầm tã, nước ngập; còn “chễm chệ” sau yên xe là cậu con trai cao nhồng, mặc đồng phục học sinh, chắc cũng phải cấp 3 rồi. Cư dân mạng hùa vào mắng cậu trai thậm tệ, rằng “thứ vô dụng”, “bất hiếu”… và không quên tỏ lòng xót xa cho người mẹ: “Bà ấy thật tội nghiệp!”.
Những đứa con đáng trách hay những ông bố, bà mẹ đáng trách đây? Chẳng phải người lớn vì tình thương con mà vô tình tước đi sự tự lập của những đứa trẻ đang sức dài vai rộng đó sao.
Tình cảm đứa trẻ nương tựa bầu vú mẹ được duy trì tiềm tàng đến khi chúng lớn, mở rộng ra là sự ham muốn được bảo bọc, dựa dẫm một cách thụ động. “Dấu ấn” đó được nhà tâm thần học hàng đầu Nhật Bản - TS Takeo Doi gọi là “Amae”. Và “Amae”, theo ông, là não trạng chung của người Á Đông.
Tuy ngày nay trong thế giới phẳng, các phương pháp giáo dục của phụ huynh đã chịu nhiều ảnh hưởng của phương Tây, trẻ em tự lập hơn, lớn lên đi du học cũng không ít. Thế nhưng, sự “buông tay” của phụ huynh trong việc chăm bẵm con cái vẫn diễn ra khá muộn.
“Mẹ à, mẹ vào thành phố sống với vợ chồng con nhé”. Đã có vô số lời đề nghị như thế của những đứa con lập nghiệp ở thành phố, lấy vợ lấy chồng, nay đến hồi sinh con nhỏ lại cậy nhờ cha mẹ già bỏ quê lên phố trông giúp.
Có thể vô tình hoặc cố ý, đứa con nay đã trở thành cha mẹ, tự cho phép bản thân thấy rằng công việc của họ quan trọng hơn nếp sống của cha mẹ già, hoặc cha mẹ phải có nghĩa vụ với họ, với con cái họ. Họ trưởng thành nhưng vẫn không thôi bấu víu, không ngừng dựa dẫm. Ấy chính là sự phụ thuộc tiềm tàng, bắt nguồn từ những điều cha mẹ “làm thay” cho từ bé, để rồi lớn lên họ mất dần trách nhiệm với người khác và xã hội.
LÂM AN