Chính quyền đô thị cần được chủ động về tài chính, thẩm quyền

Trong 2 ngày 24 và 25-12, tại TPHCM, Bộ Nội vụ tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý của các bộ, cơ quan Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và đại diện 32 tỉnh, TP khu vực phía Nam về Dự thảo Đề án mô hình tổ chức chính quyền đô thị.

Trong 2 ngày 24 và 25-12, tại TPHCM, Bộ Nội vụ tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý của các bộ, cơ quan Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và đại diện 32 tỉnh, TP khu vực phía Nam về Dự thảo Đề án mô hình tổ chức chính quyền đô thị.

  • Đô thị như nông thôn

Theo nhận định của Bộ Nội vụ, sau hơn 25 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, quá trình đô thị hóa ở nước ta đã và đang diễn ra nhanh chóng dẫn đến có nhiều khác biệt về hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng giữa đô thị và nông thôn. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật hiện hành, mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở nước ta hiện nay về cơ bản giống nhau, đều tổ chức 3 cấp chính quyền (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) và vẫn dựa trên cách thức quản lý của chính quyền nông thôn.

Nói rõ hơn, chính quyền ở địa bàn đô thị cũng tổ chức cấp hành chính và thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn như chính quyền nông thôn cùng cấp, đồng thời có thêm một số nhiệm vụ, quyền hạn quản lý trên địa bàn đô thị, dẫn đến nhiều vấn đề cấp thiết của đô thị như quy hoạch, kiến trúc, xây dựng hạ tầng đô thị, thực hiện dự án dân sinh, xử lý ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, trật tự an toàn xã hội… không được giải quyết kịp thời và chưa phù hợp với nguyên tắc kết hợp quản lý theo ngành và quản lý theo lãnh thổ.

Từ thực trạng tổ chức chính quyền địa phương nêu trên, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng đòi hỏi phải làm rõ sự khác biệt giữa đô thị và nông thôn. Từ đó, xác định rõ mô hình tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, cơ chế hoạt động phù hợp đối với chính quyền ở địa bàn đô thị và chính quyền ở địa bàn nông thôn. Ông Phan Văn Hùng, Vụ phó Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) trình hội thảo 3 phương án xây dựng mô hình tổ chức chính quyền đô thị. Theo đó, Bộ Nội vụ đề nghị lựa chọn phương án 1 vì phù hợp với hệ thống chính trị một đảng cầm quyền ở nước ta hiện nay, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với hệ thống chính trị nói chung, chính quyền địa phương các cấp nói riêng.

Đồng ý với lựa chọn này của Bộ Nội vụ, tuy nhiên TS Phạm Sĩ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, chỉ ra một số vấn đề “nóng” về thể chế. Đó là cơ cấu thể chế của chính quyền đô thị hiện nay cồng kềnh, tốn kém, làm chậm quá trình ra quyết định trong bối cảnh đô thị vận hành với tốc độ ngày càng nhanh. Mặt khác, thể chế hành chính hiện nay thiên về chịu trách nhiệm tập thể, không khuyến khích trách nhiệm giải trình. Việc phân công, phân cấp chưa được cân nhắc kỹ càng khiến tình trạng chồng chéo hoặc bỏ trống quản lý diễn ra nghiêm trọng, dẫn đến lợi ích Nhà nước bị nội bộ hóa, cục bộ hóa, không còn là một thể thống nhất.

Theo TS Phạm Sĩ Liêm, hiện đã hình thành hai vùng đô thị lớn với nhân lõi là thủ đô Hà Nội và TPHCM nhưng chưa có thể chế quản lý thích hợp. TS Phạm Sĩ Liêm đề nghị, đưa những vấn đề “nóng” này bổ sung vào “Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước” mà đề án xây dựng mô hình chính quyền đô thị này là công việc đầu tiên, tập trung vào các chủ đề thể chế.

  • Giảm bớt sự can thiệp

Đồng tình chọn phương án 1 như TS Phạm Sĩ Liêm, GS-TS Nguyễn Thị Cành, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TPHCM) cho rằng, các phương án đề xuất đã khắc phục được những hạn chế tổ chức và quản lý hiện nay. Phương án 3 là phương án cải cách triệt để nhất. Tuy nhiên, phương án 1 và 2 phù hợp nhất với tình hình thực tế và thể chế chính trị hiện nay của nước ta. Tuy nhiên, GS-TS Nguyễn Thị Cành đề nghị xem xét lại việc giám sát hoạt động của các UBND khi không có HĐND vì đây là cơ sở để bổ sung cơ chế giám sát hoạt động của các cơ quan hành chính địa phương và vấn đề đảm bảo quyền lợi dân sinh của người dân khi đề xuất mô hình mới.

Trong khi đó, theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Đặng Quốc Tiến, cần áp dụng phương án 1 cho cả nước nhưng riêng đối với TPHCM nên cho TP này lựa chọn thí điểm phương án 2 hoặc 3 để đến năm 2020 có thể triển khai ra cả nước.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Minh Trí cho biết, TPHCM sẽ không chọn phương án 2 và 3 mà chọn phương án phát triển theo chuỗi các đô thị, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng. 4 TP vệ tinh ở 4 cửa ngõ nằm trong một TP lớn. “Chúng tôi sẽ giảm bớt phần can thiệp của các sở ngành từ TP lớn xuống TP vệ tinh. Ở dưới (TP vệ tinh) sẽ trực tiếp giải quyết. Bản chất bên trong đề án chính quyền đô thị của TPHCM là cần được cơ chế chính sách để chủ động về mặt tài chính, đầu tư và chủ động về mặt thẩm quyền”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Minh Trí nhấn mạnh.

Ông Lê Minh Trí khẳng định, qua tổng kết việc thí điểm không tổ chức HĐND ở quận - huyện - phường cho thấy đã tinh gọn được bộ máy quản lý và xử lý công việc cũng nhanh hơn. TPHCM vẫn tiếp tục kiến nghị với Trung ương cho TP phát triển theo phương án chuỗi các đô thị gồm có 4 TP vệ tinh nằm trong một TP lớn.

3 phương án xây dựng mô hình tổ chức chính quyền đô thị 

Phương án 1: Không tổ chức HĐND huyện - quận - phường trong cả nước, đồng thời khắc phục những hạn chế trong việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện - quận - phường hiện nay.

Phương án 2:
Không tổ chức HĐND ở tất cả các đơn vị hành chính trực thuộc đô thị (mở rộng phạm vi so với phương án 1).

Phương án 3:
Tổ chức chính quyền đô thị theo mô hình Thị trưởng. Theo đó, thiết lập cơ quan hành chính đô thị ở địa bàn TP trực thuộc Trung ương và TP, thị xã thuộc tỉnh là Tòa thị chính, đứng đầu Tòa Thị chính là Thị trưởng. Trong đó, có hai phương thức bầu Thị trưởng (do HĐND bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm và do cử tri TP trực tiếp bầu ra). Thị trưởng còn có quyền giải tán HĐND, sau đó cử tri TP bầu trực tiếp HĐND mới.

VÂN ANH

Tin cùng chuyên mục