Cải cách hành chính tại TPHCM - Tạo chuyển biến từ khâu cán bộ

Cải cách hành chính tại TPHCM - Tạo chuyển biến từ khâu cán bộ

“Mặt tồn tại, bức xúc trong thực hiện thủ tục hành chính hiện nay chủ yếu ở khâu hướng dẫn, giải quyết không đúng hạn. Có khi cùng một quy định giống nhau nhưng có nơi giải quyết tốt cho dân, nơi lại làm không tốt nên suy cho cùng để làm tốt cải cách hành chính, vấn đề cán bộ - con người vẫn mang yếu tố chủ yếu” - Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Minh Trí nhấn mạnh tại chương trình Lắng nghe và trao đổi với chủ đề Cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân do Thường trực HĐND TP phối hợp Đài Truyền hình TP thực hiện vào sáng 4-3-2012.

  • Còn nhiều phiền hà

Nhìn ở góc độ quản lý ngành, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Đỗ Phi Hùng thừa nhận: Dù năm 2011 toàn TP cấp trên 45.000 giấy phép xây dựng nhưng vẫn tồn tại tình trạng còn một bộ phận cán bộ công chức phục vụ nhân dân chưa tốt. Cụ thể, việc giải quyết thủ tục còn trễ hạn, hướng dẫn không rõ ràng nên người dân phải bổ sung hồ sơ nhiều lần; yêu cầu dân phải nộp thêm các loại giấy tờ không có trong quy định; sai sót trong khâu thụ lý hồ sơ và trình độ, năng lực còn hạn chế. “Ý thức phục vụ dân chưa tốt của bộ phận cán bộ có nguyên nhân từ công tác quản lý, giáo dục cán bộ, công chức còn nhiều thiếu sót”, ông Đỗ Phi Hùng khẳng định.

UBND quận 1 TPHCM có nhiều cải tiến thủ tục hành chính, đem đến sự hài lòng cho người dân. Ảnh: Việt Dũng
UBND quận 1 TPHCM có nhiều cải tiến thủ tục hành chính, đem đến sự hài lòng cho người dân. Ảnh: Việt Dũng


Trong khi đó, ông Huỳnh Công Huỳnh, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP, đặt vấn đề: “Cò” nhà đất tồn tại là do nhu cầu, phải chăng thủ tục nhà đất còn rườm rà, một số không ít cán bộ còn gây khó khăn cho dân?

Ông Phạm Văn Bá, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP, đặt vấn đề thêm: việc đo vẽ trong thủ tục cấp phép xây dựng cũng là nỗi ngán ngẫm của người dân. Có quận tỷ lệ hồ sơ yêu cầu người dân vẽ lại đến 90% nhưng cũng có nơi như quận Tân Phú tỷ lệ này đạt được đến 90%. Vấn đề nằm ở đâu?

Trả lời câu hỏi của ông Huỳnh Công Hùng, ông Đỗ Phi Hùng nhìn nhận: Việc tồn tại “cò” thủ tục nhà đất có nguyên nhân do thủ tục còn phiền hà, người dân chưa tin cán bộ! Nếu như các thủ tục đều công khai minh bạch, cán bộ tận tụy phục vụ dân thì sẽ hạn chế tối đa tình trạng “cò”.

  • Mấu chốt là yếu tố con người

Phó Chủ tịch UBND TP Lê Minh Trí nhìn nhận mấu chốt của việc gây phiền hà khi người dân làm thủ tục hành chính là yếu tố con người, cụ thể là cán bộ công chức. Vì vậy, sắp tới UBND TP sẽ quyết liệt để chuyển biến hạn chế này. Cụ thể chấn chỉnh thái độ và hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính của cán bộ công chức.

Theo ông Lê Minh Trí, chỉ số hài lòng của người dân là thước đo hiệu quả nhất để đánh giá hiệu quả làm việc của cán bộ công chức. Vì vậy, TP sẽ “nâng chất” mô hình lấy ý kiến khách hàng bằng điện tử mà quận 1 đang làm để áp dụng rộng rãi ở các địa phương. Để kết quả đánh giá được khách quan và toàn diện, ông Trí cho biết đối tượng cán bộ công chức được người dân đánh giá không chỉ là cán bộ ở bộ phận thụ lý hồ sơ vì như vậy việc đánh giá chỉ mang tính hình thức mà đối tượng công chức được mở rộng hơn, kể cả những cán bộ ở các bộ phận có tham gia vào quy trình giải quyết thủ tục hành chính.

“Để cải cách hành chính, Sở Xây dựng đã thực hiện phương châm 4 không: Không trễ hẹn, không yêu cầu dân bổ túc hồ sơ nhiều lần, không yêu cầu bổ túc hồ sơ ngoài quy định, không sai sót ngoài quy trình xử lý” - ông Đỗ Phi Hùng nói. Còn ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, cũng hứa, trong năm 2012 sở này sẽ tiếp tục lập nhiều đoàn kiểm tra xuống địa phương để chấn chỉnh tình trạng cán bộ nhũng nhiễu người dân. 

VÂN ANH

Tin cùng chuyên mục