Các bộ, ngành góp ý Đề án chính quyền đô thị TPHCM: Đừng vì khó mà ngại làm

Ngày 18-9, Thành ủy TPHCM tổ chức hội nghị lấy ý kiến các bộ, ngành và cơ quan Trung ương về dự thảo đề án thí điểm chính quyền đô thị TPHCM. Các đồng chí: Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ chủ trì hội nghị.
Các bộ, ngành góp ý Đề án chính quyền đô thị TPHCM: Đừng vì khó mà ngại làm

(SGGP).– Ngày 18-9, Thành ủy TPHCM tổ chức hội nghị lấy ý kiến các bộ, ngành và cơ quan Trung ương về dự thảo đề án thí điểm chính quyền đô thị TPHCM. Các đồng chí: Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ chủ trì hội nghị.

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải trao đổi cùng các đại biểu tại hội nghị lấy ý kiến các bộ, ngành Trung ương góp ý dự thảo Đề án chính quyền đô thị TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải trao đổi cùng các đại biểu tại hội nghị lấy ý kiến các bộ, ngành Trung ương góp ý dự thảo Đề án chính quyền đô thị TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Hầu hết lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đều đánh giá cao, bày tỏ sự ủng hộ nội dung đề án mà TPHCM xây dựng. Đồng chí Đào Văn Lừng, Vụ trưởng, Trưởng cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo TƯ tại TPHCM khẳng định: “TPHCM luôn có truyền thống đi đầu trong các phong trào đổi mới, áp dụng nhiều cách làm mới rất thành công và được nhân rộng trong cả nước. Cho nên, lần này tôi rất mong đề án thành công, tạo tiền đề cho chính quyền năng động, hiệu quả hơn, đáp ứng được mong muốn của nhân dân”.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng cho rằng, việc quản lý một TP lớn, phức tạp và đông dân như TPHCM mà mô hình quản lý lại giống hoàn toàn một tỉnh nhỏ, dân ít, vùng sâu, vùng xa là một điều rất bất cập. Cái gì mà chính quyền cố gắng hết mức phục vụ nhân dân thì nên làm đến cùng, đừng vì khó mà ngại làm. Bởi vì đây là một chủ trương hoàn toàn đúng và cơ bản là phù hợp với nguyện vọng, trông chờ của các tầng lớp người dân trong việc cải cách nền hành chính, đem lại lợi ích cao nhất cho dân. Không nên vì mô hình chưa có thực tiễn, vướng luật mà không dám làm. Việc xin cơ chế đặc thù cho TP chính là yếu tố quan trọng nhất. Từ đặc thù này mới đi liền với câu chuyện phân cấp, quản lý, bố trí, đề bạt cán bộ, kể cả phân cấp tài chính…

Người dân quận 2 xem và đóng góp ý kiến cho quy hoạch xây dựng trên địa bàn. Ảnh: CAO THĂNG

Người dân quận 2 xem và đóng góp ý kiến cho quy hoạch xây dựng trên địa bàn. Ảnh: CAO THĂNG

Đồng chí Lê Thanh Hải một lần nữa khẳng định những ưu điểm của đề án chính quyền đô thị, trong đó nổi bật là tăng cường quyền làm chủ của người dân. Bộ máy hành chính thiết kế theo hướng “giảm bớt tình trạng đùn đẩy trách nhiệm”, “ít tầng nấc không gian”, “tăng cường quyền làm chủ của người dân”… Giải đáp thêm các ý kiến, đồng chí Lê Thanh Hải cho biết, đối với đề án chính quyền đô thị, TPHCM đã và đang có những bước đi cẩn trọng và tiến độ phù hợp. Đề án sắp được trình HĐND TPHCM thông qua. Sau đó TP sẽ trình Ban Cán sự Đảng Chính phủ vào cuối tháng 9 xem xét. Sau đó, Ban Cán sự Đảng Chính phủ báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị, trên cơ sở đó Chính phủ trình Quốc hội có Nghị quyết cho phép TPHCM thực hiện thí điểm. Để đề án đạt được hiệu quả tối ưu, sớm được triển khai áp dụng trên thực tế, thì rất cần sự vào cuộc của các bộ, ngành trung ương để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật hiện hành.

HỒNG HIỆP

Tin cùng chuyên mục