Không nên lập ''siêu ủy ban'' quản lý vốn nhà nước

Trao đổi với phóng viên về việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn và tài sản nhà nước của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đề xuất, các ĐBQH Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trần Hoàng Ngân (Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM, thành viên Hội đồng Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia) cùng chia sẻ quan điểm: không nên thành lập một “siêu ủy ban” như vậy.
Không nên lập ''siêu ủy ban'' quản lý vốn nhà nước

>> Thành lập Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại 30 Tập đoàn, Tổng công ty

(SGGPO).- Trao đổi với phóng viên về việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn và tài sản nhà nước của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đề xuất, các ĐBQH Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trần Hoàng Ngân (Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM, thành viên Hội đồng Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia) cùng chia sẻ quan điểm: không nên thành lập một “siêu ủy ban” như vậy.

ĐB Vũ Tiến Lộc: “Nên thành lập vài tổng công ty quản lý nhà nước”

Trước đây, khi thảo luận thông qua Luật Quản lý vốn đầu tư nhà nước vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, có ĐBQH đã đề xuất thành lập một cơ quan quản lý vốn nhà nước như vậy. Việc thành lập một cơ quan để thay thế cách quản lý vốn theo kiểu Bộ chủ quản vừa qua là đúng đắn, cần triển khai sớm trong nhiệm kỳ này.

Song tôi lại rất băn khoăn và không ủng hộ phương án lập ra một Ủy ban hay một bộ để quản lý DNNN; vì đó vẫn là cơ quan hành chính của Chính phủ. Không nên tập trung quyền lực hành chính, quyền lực quản lý vốn vào trong một cơ quan. Bây giờ ta bỏ bộ chủ quản mà lại thành lập một Ủy ban vừa có quyền lực về hành chính, vừa có quyền lực về quản lý vốn là không thích hợp.

Thay vào đó, tôi cho là thành lập 2 hay 3 tập đoàn tài chính nhà nước, tập hợp hết vốn của nhà nước lại và thực hiện quản lý vốn nhà nước tại DN, thực hiện vai trò như nhà đầu tư vốn nhà nước vào các DN, kể cả các DN 100% vốn nhà nước và các DN có vốn của Nhà nước hơn là một cơ quan kiểu Ủy ban của Chính phủ mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất. Các tập đoàn này này hoạt động với tư cách là nhà đầu tư chứ không phải là cơ quan quản lý chuyên ngành, sẽ đảm bảo cho các DN hoạt động hiệu quả hơn. Tập đoàn này chỉ chịu trách nhiệm về đầu tư về vốn thôi chứ không phải cơ quan cấp trên, cơ quan quản lý hoạt động hàng ngày của các DNNN.

Sản xuất hàng dệt may

PGS, TS Trần Hoàng Ngân: ''Nên giao cho Bộ Tài chính”

Hiện nay Quốc hội chưa nhận được đề xuất chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về vấn đề này. Tuy nhiên, qua tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng thì tôi không ủng hộ thành lập một loại “siêu ủy ban” như vậy.

Vấn đề cốt lõi ở đây là tách bạch giữa quản lý nhà nước và kinh doanh, làm theo mô hình mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị thì lại chuyển từ cơ quan quản lý nhà nước này sang quan quản lý nhà nước khác, rất dễ dẫn đến can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo tôi, việc đầu tiên phải là đẩy nhanh tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; cụ thể là đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa (CPH) các doanh nghiệp này. Đồng thời, nên giao trách nhiệm quản lý vốn nhà nước tại DNNN cho đơn vị chuyên quản ngân sách quốc gia là Bộ Tài chính. Với chức năng tổng hợp, báo cáo thu – chi ngân sách nhà nước, chịu trách nhiệm về bội chi, nợ công…, tôi cho rằng Bộ Tài chính sẽ khai thác sử dụng có hiệu quả nhất tài sản mà chính mình đang quản lý; cả dưới dạng vật chất hay vốn. Bộ này sẽ có điều kiện tốt nhất để theo dõi việc sử dụng vốn có hiệu quả đến đâu và thực hiện các giải pháp rút vốn, thoái vốn, điều chuyển vốn sang chỗ khác, thậm chí có thể thay đổi người quản trị doanh nghiệp.

Tóm lại, không nên giao cho nhiều cơ quan quản lý một cách phân tán nữa. Nói một cách đơn giản là nên đi theo mô hình Temasek của Singapore. Còn mô hình siêu ủy ban - như Trung Quốc đã làm - đã chứng tỏ là không hiệu quả rồi.

ANH THƯ ghi

Tin cùng chuyên mục