Có đáng nghệ sĩ?

Chuyện nam ca sĩ Châu Việt Cường - khá có tiếng với bản hit Bạc trắng tình đời bị khởi tố vì tội danh “vô ý làm chết người”, một lần nữa gióng lên tiếng chuông cảnh báo về lối sống thác loạn, sa đọa của một bộ phận không nhỏ các nghệ sĩ làng giải trí.

Có đáng nghệ sĩ?

Thật ra, Châu Việt Cường cũng chỉ là dạng ca sĩ “có tiềm năng”, chưa đạt tầm sao hạng A. Song với thù lao mỗi đêm diễn cũng cỡ 20-30 triệu đồng, anh ta nhanh chóng lao vào vòng xoáy kim tiền, mộng mị trong thế giới ảo giác với các cuộc truy hoan thâu đêm.

Trước Châu Việt Cường, một ca sĩ “hội chợ” khác là Nguyễn Hữu Chính, chuyên hát tại các đám cưới, hát lót và biểu diễn tại các quán bar, phòng trà đã bị tuyên án tử hình vì đâm chết bạn gái cũng do ảo giác ma túy đá. Đấy là 2 trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng đáng nhận những bản án nghiêm khắc nhất. Nhưng trong giới nghệ sĩ còn khá nhiều trường hợp dính đến “nàng tiên nâu”, “nàng tiên trắng”, ở mức độ nhẹ hơn là đánh mất nhân phẩm của một nghệ sĩ đúng nghĩa nghệ sĩ.

Hẳn ai cũng nhớ diễn viên Hiệp Gà, bị bắt giữ vào đúng thời điểm thành công nhất trên sàn diễn “Gặp nhau cuối tuần”. Bị bắt và kết án vì tội tàng trữ trái phép chất ma túy, sau 2 năm thụ án, Hiệp Gà trở lại đời sống bình thường, nhưng chưa bao giờ tìm lại được ánh hào quang xưa. Rồi Hoài Lâm, con nuôi của danh hài Hoài Linh, cũng dính chất kích thích, dính đến bê bối đời tư để rồi bây giờ vật vờ trong vài chương trình khó nhớ tên.

  Nhưng đáng nhớ nhất vẫn là 2 nhân vật xuất hiện trên màn ảnh rộng, một là diễn viên tài năng và một là người đẹp chỉ còn là cái bóng khi câu chuyện được viết kịch bản, lên phim. Hẳn nhiều người còn nhớ đến người đẹp phố biển Lâm Uyển Nhi. Sau khi có danh hiệu hoa hậu, hoa khôi, cô gái xuất thân từ một gia đình nghèo đã tìm mọi cách bon chen vào thế giới “thượng lưu” để kết cục… đã qua đời vì bệnh HIV/AIDS tại một trung tâm dành cho người mắc bệnh HIV giai đoạn cuối ở một huyện ngoại thành Hà Nội. Cuộc đời đầy sóng gió của cô gái đáng thương - hệ quả của các cuộc thi nhan sắc - sau này đã được tái hiện trong bộ phim truyền hình Âm tính như một lời nhắc nhở, cảnh tỉnh về sự sa ngã bên bờ vực tình - tiền.

Và hẳn có người đã đọc tự truyện của diễn viên vang bóng một thời Thương Tín - khi chàng diễn viên điển trai từng thủ vai diễn kinh điển trong các phim Biệt động Sài Gòn, Ván bài lật ngửa… đã đánh mất mình thế nào ở “bên kia bờ ảo vọng”: 13 năm chìm trong ma túy, bị bắt về tội tổ chức đánh bạc, kết cục là về làm “người tử tế” ở tuổi hoàng hôn bên người vợ thứ 4…

Thật buồn khi mang danh nghệ sĩ, mang danh người của công chúng, với gánh nặng nghiệp - đời, chỉ người có bản lĩnh mới chịu nổi. Và câu hỏi đặt ra, tại sao lại đầy rẫy chuyện thị phi, tệ nạn trong lối sống của các nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ trẻ, lỗi tại ai? Tất nhiên dễ đổ lỗi nhất là đổ cho ngành giáo dục đã không tạo dựng được lớp người vừa hồng, vừa chuyên.

Nhưng nhìn sâu xa, ta thấy có một phần lỗi tại các cơ quan truyền thông, khi truyền tải “nhân tố mới” chỉ là bộ đồ hàng hiệu, xế hộp, thực đơn ăn sáng, ăn tối của các “sao”… Mà “sao” có ra “sao” khi yêu cầu chính là ngoại hình, biết múa may, nghĩa là tất cả vẻ ngoài, trừ… tài năng nghệ thuật!

Tin cùng chuyên mục