Bộ Giao thông Vận tải: Cần thiết xây dựng sân bay Long Thành

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc trả lời kiến nghị của ông Lê Trọng Sành và ông Mai Trọng Tuấn đối với việc đầu tư sân bay quốc tế Long Thành. Theo đó, Bộ GTVT khẳng định cần thiết phải xây dựng sân bay Long Thành.

(SGGP). – Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc trả lời kiến nghị của ông Lê Trọng Sành và ông Mai Trọng Tuấn đối với việc đầu tư sân bay quốc tế Long Thành. Theo đó, Bộ GTVT khẳng định cần thiết phải xây dựng sân bay Long Thành.

Báo cáo của Bộ GTVT nêu rõ, dự báo tăng trưởng sản lượng hành khách thông Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Tân Sơn Nhất năm 2013 khoảng 19 triệu lượt khách, đến năm 2018 - 2020 sẽ đạt công suất thiết kế là 20 - 25 triệu hành khách/năm và quá tải vào các năm sau đó. Trong khi đó, việc mở rộng để nâng công suất CHKQT Tân Sơn Nhất để đáp ứng nhu cầu khai thác là không khả thi do bị giới hạn về vị trí và diện tích.

Theo Bộ GTVT, sân bay Long Thành đã nằm trong “Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” do Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành. Công tác khảo sát, quy hoạch vị trí CHKQT Long Thành đã được thực hiện từ năm 2004. Vị trí được chọn đã đảm bảo thỏa mãn các tiêu chí tổng hợp cho việc hình thành CHKQT trung chuyển, đảm bảo sự thuận lợi trong việc vận chuyển hành khách, hàng hóa đi đến TPHCM. Diện tích quy hoạch sân bay Long Thành (5.000ha) cũng đủ để xây dựng một CHKQT mới, hiện đại có công suất từ 80 - 100 triệu hành khách/năm, sân bay cấp 4F, cấu hình 4 đường cất hạ cánh đồng thời thuận tiện cho quản lý hoạt động bay và điều hành bay.

Cũng theo Bộ GTVT, theo quy hoạch, quá trình đầu tư xây dựng CHKQT Long Thành dự kiến chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (đến năm 2020) đạt công suất 25 triệu hành khách/năm, đưa vào khai thác nhằm hỗ trợ việc quá tải của CHKQT Tân Sơn Nhất. Giai đoạn 2 (đến năm 2030) nâng công suất CHKQT lên 50 triệu hành khách/năm và giai đoạn 3 (sau năm 2030) nâng công suất CHKQT lên 100 triệu hành khách/năm. Trong đó, phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư khoảng 7,8 tỷ USD. Trong điều kiện khó khăn, nhu cầu đầu tư trước mắt khoảng 5,6 tỷ USD để có thể xây dựng ngay một đường cất hạ cánh và nhà ga để đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hành khách vào năm 2022.

Bộ GTVT cũng nêu rõ, nguồn vốn đầu tư thực hiện sẽ được gắn với các dự án đầu tư cụ thể, theo nguyên tắc nhà nước chỉ đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư phần kết cấu hạ tầng không có khả năng thu hồi vốn đầu tư, khuyến khích đầu tư vào các hạng mục thành phần dịch vụ khai thác, có khả năng thu hồi vốn đầu tư.

BÍCH QUYÊN

Tin cùng chuyên mục