Mỏi mắt chờ trường quay chuyên nghiệp

Chỉ tới thời điểm này, khi mà dòng phim cổ trang bắt đầu quay trở lại với vô vàn lời than vãn của nhà sản xuất, đạo diễn về việc chật vật đi tìm trường quay, đi thuê địa điểm thì người ta mới chợt nhớ ra rằng đã từng có một trường quay nằm ngay tại Hà Nội. Trường quay ấy rộng 15ha, được xây dựng từ năm 1959. Thế nhưng, cũng từ hàng chục năm nay, Trường quay Cổ Loa, trường quay lớn duy nhất ở miền Bắc đã rơi vào cảnh màn buông, chiếu đắp, đợi “hồi sinh” trong khi các đoàn làm phim thì vẫn đang tất tả tìm bối cảnh.
Mỏi mắt chờ trường quay chuyên nghiệp

Chỉ tới thời điểm này, khi mà dòng phim cổ trang bắt đầu quay trở lại với vô vàn lời than vãn của nhà sản xuất, đạo diễn về việc chật vật đi tìm trường quay, đi thuê địa điểm thì người ta mới chợt nhớ ra rằng đã từng có một trường quay nằm ngay tại Hà Nội. Trường quay ấy rộng 15ha, được xây dựng từ năm 1959. Thế nhưng, cũng từ hàng chục năm nay, Trường quay Cổ Loa, trường quay lớn duy nhất ở miền Bắc đã rơi vào cảnh màn buông, chiếu đắp, đợi “hồi sinh” trong khi các đoàn làm phim thì vẫn đang tất tả tìm bối cảnh.

  • Nghịch lý

Đạo diễn - NSND Hải Ninh, người nổi tiếng với những tác phẩm điện ảnh được yêu thích như “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Em bé Hà Nội”, “Mối tình đầu”… đã từng phát biểu rằng với phim lịch sử thì “không trường quay, không làm được”. Tuy nhiên, vấn đề trường quay, nhất là với phim đề tài lịch sử ở ta đang rất nan giải.

Đạo diễn Hồng Sơn, người từng thành công với loạt phim “Chạy án” đã có lúc buông xuôi, tâm sự rằng có lẽ tạm dừng không làm hình sự nữa vì kinh phí thì có hạn mà lúc nào cũng phải tất tả, vận dụng mọi mối quan hệ để tìm, mượn, thuê địa điểm để quay. Chỉ riêng một cảnh vũ trường xuất hiện ngắn trong phim cũng phải quay ở 8 điểm khác nhau rồi ghép lại bởi lẽ nơi nào cũng sợ không cho quay cảnh nhạy cảm rồi bị hiểu lầm.

Với “39 độ yêu”, Hãng phim Việt phải thuê nhà kho của một xí nghiệp trong suốt nửa năm, với mức giá hơn 30 triệu đồng/tháng. Cùng với đó là khoản chi phí không nhỏ để cải tạo 800m2 nhà kho này thành phim trường cho 22 bối cảnh, chiếm hơn 60% thời lượng phim…

Đạo diễn Khương Hữu Thuận cũng tâm sự rằng khi làm phim “Những đứa con biệt động Sài Gòn” chỉ riêng tiền đền kính vỡ của nhà hàng nơi các anh thuê thực hiện một vài cảnh quay đã 10 triệu đồng. Còn đoàn làm phim “Thái sư Trần Thủ Độ” chưa kịp vui vì mượn được không gian của lăng Minh Mạng - Huế để thực hiện vài cảnh quay, đã ngay lập tức vấp phải phản ứng dữ dội của dư luận vì xâm hại di sản.

Đơn vị sản xuất phim “Huyền sử Thiên đô” cho biết, chi phí dành cho việc dựng bối cảnh lịch sử là cổng thành, khu phố cổ… đắt tới mức đã đẩy giá thành của mỗi tập lên tới hơn 1 tỷ đồng. Thế nhưng bối cảnh giả này sau khi bộ phim kết thúc cũng không tận dụng được mà bị bỏ hoang. Lãng phí là vậy song với các đoàn làm phim thì việc dựng bối cảnh tạm bợ dùng một lần rồi bỏ lại là giải pháp tiết kiệm khi chưa có trường quay với những bối cảnh kiên cố để có thể sử dụng lâu dài. Thật là nghịch lý.

Bỏ hàng trăm triệu đồng đầu tư xây dựng nhưng bối cảnh lại bị bỏ hoang khi phim kết thúc.

Bỏ hàng trăm triệu đồng đầu tư xây dựng nhưng bối cảnh lại bị bỏ hoang khi phim kết thúc.

Lại chờ?

Quay ngược thời gian trở về trước, ở ngoại thành Hà Nội đã từng tồn tại một trường quay lớn và đó đã từng được coi là “kinh đô” điện ảnh lúc bấy giờ. Ông Nguyễn Văn Nhiêm, Giám đốc hiện thời của Trường quay Cổ Loa kể rằng, trường quay này được xây dựng năm 1959 với sự giúp đỡ của nhiều nước bạn, như CHDC Đức, Liên Xô cũ…

Tại đây, nhiều tác phẩm điện ảnh được coi là đặt nền móng cho nền điện ảnh nước nhà đã ra đời như “Chung một dòng sông”, “Chị Tư Hậu”, “Nghêu Sò Ốc Hến”… Đó được gọi là thời hoàng kim của khu trường quay Cổ Loa, trường quay hiện đại nhất, phục vụ cho sự nghiệp phát triển điện ảnh cách mạng thời bấy giờ. Sau đó, phần vì máy móc trở nên lạc hậu, cơ sở hạ tầng kém… trường quay dần bị quên lãng và đã có lúc được ví như khu đất hoang.

2 năm trở lại đây, từ khi có quyết định phục hồi, cải tạo, bộ mặt Trường quay Cổ Loa đã có nhiều đổi khác. Trường quay nội cảnh (rộng 400m² xây trước đây) đã được nâng cấp trở thành trường quay hiện đại với hệ thống treo đèn, ghi hình, âm thanh đồng bộ. Song, cơ sở vật chất như vậy cũng chỉ mới dừng ở mức sơ khởi.

Trong giai đoạn 2 của dự án, trường quay sẽ tập trung nâng cấp, phát triển hệ thống trường quay ngoại cảnh cùng hệ thống thiết bị kỹ thuật và dịch vụ, như ánh sáng, quay phim, các xưởng đạo cụ, phục trang, phục chế, xây dựng bối cảnh, bảo quản, hậu kỳ… nhằm đáp ứng sản xuất khép kín ở mức tối đa vào năm 2015.

“Theo quy hoạch, chúng tôi phấn đấu xây dựng các bối cảnh bền vững về đô thị, như khu phố cổ Hà Nội cận và đương đại, bối cảnh làng điển hình của đồng bằng và trung du Bắc bộ, bối cảnh lịch sử về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh… và cùng đó là việc xây dựng nhiều trường quay vệ tinh ở các tỉnh để đáp ứng cảnh sông núi, nước non”, ông Nhiêm nói.

Thống kê chưa đầy đủ, tại Hà Nội và TPHCM hiện có khoảng 10 trường quay lớn nhỏ, phần lớn đều được dựng khá đơn giản, chỉ phục vụ việc quay nội cảnh đơn thuần. Vì thế cho tới thời điểm này, mọi sự kỳ vọng đều hướng về Trường quay Cổ Loa. Được biết, đã có một vài doanh nghiệp vào Cổ Loa khảo sát, trong đó có cả một hãng phim lớn của Mỹ là 20th Century Fox, nhưng vì... “chưa có tiền lệ” nên vẫn đang còn “nghe ngóng”. 

MAI AN

Tin cùng chuyên mục