Động thái tích cực

Động thái tích cực

Ngay sau khi Bộ VH-TT-DL và Cục Điện ảnh phổ biến Thông tư Ban hành quy chế thẩm định, phân loại, cấp phép phổ biến phim và có hiệu lực từ ngày 1-1-2017, đã có hai bộ phim đầu tiên được gắn mác C13 và C18. Các đơn vị phát hành tỏ ra vô cùng hào hứng khi khán giả được thưởng thức trọn vẹn tác phẩm như phiên bản gốc.  

Poster phim "Arsenal - Phi vụ tống tiền"

Bộ phim đầu tiên gắn mác C18 ra mắt tại thị trường Việt Nam là Arsenal - Phi vụ tống tiền thuộc thể loại hình sự xoay quanh cuộc sống của hai anh em Mikey và JP Lindel cùng nhau trải qua thời thơ ấu khó khăn và khắc nghiệt ở Mississippi. Khi trưởng thành, người em thì thành đạt còn người anh là Mikey sa vào nghiện ngập, bị bắt cóc tống tiền. Cả hai lâm vào cuộc chiến nghẹt thở.

Theo anh Nguyễn Phong Việt - đại diện truyền thông Green Media, đơn vị phát hành phim tại thị trường Việt Nam, hai yếu tố bạo lực và ma túy là lý do phim được phía Cục Điện ảnh quyết định gắn mác C18. “Chúng tôi rất ủng hộ, tôn trọng quyết định trên bởi thông điệp và câu chuyện phim khá nặng, không phù hợp với đối tượng khán giả dưới 18 tuổi. Chúng tôi mừng khi bản phim về Việt Nam không bị cắt cảnh nào so với bản gốc, đây là thuận lợi cho cả khán giả lẫn nhà phát hành”. 
 
Bộ phim đầu tiên được gắn mác C13 là Your Name (Tên cậu là gì) - bộ phim hoạt hình lấy đề tài về khoa học viễn tưởng Nhật Bản. Ông Nguyễn Hoàng Hải, giám đốc phát hành CJ CGV Việt Nam cho biết, nếu không có quy định phân loại phim mới từ ngày 1-1 vừa qua, Tên cậu là gì sẽ được gắn mác C16. Việc hạ độ tuổi xuống C13 rất có lợi cho phía nhà phát hành bởi biên độ khán giả sẽ được nới rộng, phim đến được với đông đảo công chúng hơn.

Theo ông Hải, hiện nay đối tượng khán giả đến thưởng thức các bộ phim ở rạp chiếu nằm trong độ tuổi từ 13 đến 22 chiếm tỷ lệ rất đông. Đại diện của nhà phát hành cũng nhấn mạnh rằng, bộ phim sẽ được trình chiếu phiên bản trọn vẹn, không cắt bất kỳ phân cảnh nào tại các rạp chiếu trên toàn quốc.

Nhìn vào thực tế hai bộ phim lần đầu tiên được gắn mác C13, C18 tại thị trường Việt Nam cho thấy việc gắn mác phân loại phim với 4 loại: P (dành cho mọi khán giả), C13, C16, C18 (Phim cấm phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 13, 16 và 18) đáng lẽ ra phải được thực hiện từ rất sớm. Dù là thị trường điện ảnh còn khá non trẻ nhưng tốc độ phát triển cả về quy mô, số lượng, doanh thu rạp chiếu tại Việt Nam đang tăng rất nhanh so với nhiều nước trong khu vực. Việc phân loại mới, sẽ có những nhà phát hành chịu thiệt thòi nhất định do bị giới hạn đối tượng khán giả, đặc biệt với các phim C18, trong khi một số phim được hưởng lợi khi được hạ độ tuổi xuống như trường hợp Tên cậu là gì?

Một vấn đề rất đáng hoan nghênh liên quan đến việc kiểm soát độ tuổi là các nhà phát hành đều đã có những chuẩn bị tích cực trong việc đào tạo nhân viên. Việc quản lý không để xảy ra sai sót là điều khó, cần phải có sự phối hợp của chính khán giả, bởi xét cho cùng, ý thức của người xem là yếu tố tiên quyết. Phim gắn mác đã được thông báo rộng rãi, lựa chọn cuối cùng thuộc về khán giả nếu họ không cố tình lách luật.

VĂN TUẤN

Tin cùng chuyên mục