Đi chợ… giáo án điện tử

Đi chợ… giáo án điện tử

Giáo án điện tử (GAĐT) được coi là cuộc “cách mạng trong học đường”, góp phần thực hiện mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Nhưng không ít người đã không tự soạn giáo án mà đi mua lại giáo án của người khác. Bằng công nghệ “nhân bản” GAĐT đã trở thành món hàng bày bán công khai trên kệ băng đĩa.

  • Giá nào cũng có!
Đi chợ… giáo án điện tử ảnh 1

Giáo án điện tử có thể mua dễ dàng tại các hiệu sách, cửa hàng photo.

Đầu tháng 2-2007, tôi đến hiệu sách số 217 đường Nguyễn Văn Cừ (quận 5, TPHCM) hỏi mua GAĐT môn Văn và Sử lớp 12. Cô phục vụ đon đả chào mời rồi đưa ra 2 đĩa CD.

Giá cho mỗi CD là 6.000 đồng. Khi tôi thắc mắc rằng GAĐT môn Sử lớp 12 (từ tiết 1 đến tiết 66), ký hiệu DUC VIET L11 1 B 0612080933-28 quá sơ sài, thì cô phục vụ trả lời rằng: “6.000đ thì chỉ thế thôi em. Muốn chi tiết và đầy đủ hơn, em nên mua đĩa loại 100.000đ”.

Còn đĩa 6.000đ của môn Văn ký hiệu DUC VIET L31 1 B 0612011255-88 chỉ phân tích có 3 bài: Bên kia sông Đuống (Hoàng Cầm); Bài ca chúc Tết Thanh niên (Phan Bội Châu) và Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử), gọi là đĩa... mẫu. Muốn đầy đủ và chi tiết hơn, khách hàng được giới thiệu bộ đĩa giá 100.000đ/CD. Vì sao giá cao, cô bán hàng thủ thỉ: “Vì có bản quyền”.

Cô còn giới thiệu cho tôi các bộ đĩa khác đủ các lớp từ 1-9 và trọn bộ các môn. Như đĩa CD môn Văn cấp 2, ký hiệu DUC VIET L32 2 C 0612011347-43 với giá 100.000đ. Tôi hỏi loại GAĐT soạn thảo bằng Microsoft Power Point (có hình ảnh, âm thanh...) thì được chủ hàng khoe: “Có một chuyên gia vi tính ngồi ở đây, sẵn sàng “làm” nếu em đặt hàng.

Nhưng một đĩa phải hơn triệu đó em. Chịu thì chị làm cho, lấy trong vòng 5 ngày”. Đến hỏi mua GAĐT photocopy (giáo án in ra từ đĩa rồi photocopy) tại cửa hàng photocopy 4B trên đường Nguyễn Trãi (quận 5), chủ hàng hỏi cần môn gì, lớp mấy, rồi hăng hái lựa đống “hàng” đựng trong hộp cac-tông và đưa cho tôi những giáo án photocopy với giá bình quân là 30.000đ/quyển.

Chủ hàng cho biết: “Em cứ thế mà dùng, không lo đụng hàng đâu, nhiều thầy cô vẫn mua về dùng ngay đấy. Hỏi về đĩa soạn thảo bằng Microsoft Power Point, chủ hàng nói: “Đĩa đó cao lắm, đến 100.000đ/ bài, nên ở đây không bán, nếu muốn, chị cho cháu số điện thoại, em tự liên hệ”. Rồi chị đưa tôi địa chỉ: “Có giáo án điện tử trực quan sinh động. Liên hệ: Long- 0983717...”.

  • Bất ngờ

Khi tôi mua các đĩa GAĐT, những người bán hàng đều trấn an: “Em yên tâm, đây là do một nhóm giáo viên biên soạn, rất chất lượng”. Nhưng khi về xem đĩa, tôi thấy trong nhiều bài soạn vẫn còn các xuất xứ như: Bài giảng của GV Lân Ngọc Kệ - THCS Sông Đà, Q. Phú Nhuận, hay chỉ ghi: “THCS Điện Biên - Q. Bình Thạnh; THCS Phú My; THCS Lê Văn Tám; THCS Bình Lợi Trung; THCS Rạng Đông; THCS Cửu Long; THCS Thanh Đa; THCS Đống Đa; THCS Nguyễn Văn Bé”..., hầu hết đều thuộc quận Bình Thạnh. Đặc biệt, trong trang bìa của các bài GAĐT đều ghi “Phòng GD-ĐT quận Bình Thạnh... Lưu hành nội bộ”.

Chiều 8-2, mang các đĩa đã mua được, chúng tôi đến Phòng GD-ĐT quận Bình Thạnh. 2 chuyên viên Tổ Phổ thông là thầy Văn Công Lộc và Dương Văn Hùng đều tỏ ra rất bất ngờ trước sự việc này.

Hai thầy cho rằng, việc nhóm người nào đó soạn bán GAĐT rồi lấy tên Phòng GD-ĐT quận Bình Thạnh là vi phạm pháp luật. Thầy Văn Công Lộc bức xúc: “Phòng không hề cho phép biên soạn và phát hành loại giáo án này. Việc này ảnh hưởng xấu đến cơ quan chúng tôi vì chất lượng nội dung không đảm bảo. Chúng tôi rất mong chuyện này sẽ sớm được làm sáng tỏ”.

ĐƯỜNG LOAN

Tin cùng chuyên mục