Đề án học phí

Phổ thông: đóng theo thu nhập,đại học: đảm bảo đào tạo có chất lượng

Đinh Lan
Phổ thông: đóng theo thu nhập,đại học: đảm bảo đào tạo có chất lượng

Phổ thông: đóng theo thu nhập,đại học: đảm bảo đào tạo có chất lượng ảnh 1
Trong tháng 9, Bộ GD-ĐT sẽ công bố dự thảo đề án học phí để lấy ý kiến đóng góp. Về nguyên tắc, mức học phí sẽ được điều chỉnh: ở bậc phổ thông, học phí mới sẽ phù hợp với khả năng chi trả của người dân, còn ở bậc đại học, học phí phải góp phần quan trọng để chi trả cho việc đào tạo có chất lượng, đáp ứng nhu cầu lao động của xã hội. Nguồn để trả học phí là thu nhập của gia đình hoặc được vay của Nhà nước. Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân
(ảnh) đã nhấn mạnh các nội dung trên trong cuộc trao đổi dành riêng cho Báo SGGP về đề án điều chỉnh học phí.

- Thưa Phó Thủ tướng, vấn đề điều chỉnh học phí đã được ngành giáo dục thảo luận rất nhiều lần. Vậy đặt vấn đề tăng học phí trong bối cảnh hiện nay đã thực sự “chín muồi” chưa?

Phó Thủ tướng NGUYỄN THIỆN NHÂN: Học phí là vấn đề rất nhạy cảm, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước khác. Khi làm, dần dần chúng ta có một ý thức rõ hơn là phải có một cơ chế tài chính xử lý được vấn đề vừa không ngừng nâng cao số lượng người đi học vừa nâng cao chất lượng đào tạo trong điều kiện ngân sách của quốc gia cho giáo dục và khả năng chi trả của người dân (từ thu nhập) cho giáo dục là rất khiêm tốn do thu nhập đầu người bình quân của chúng ta còn rất thấp. Ví dụ chi phí của quốc gia, từ ngân sách nhà nước và đóng góp trực tiếp của người dân (qua học phí và chi khác) cho giáo dục ở Mỹ là 2.880 USD/người/năm (năm 2004), còn ở Việt Nam là 50 USD/người/năm (2006). Tức là họ chi cho một người một năm bằng chúng ta chi cho một người 57 năm!

Đối với giáo dục phổ thông, chúng ta nhớ lại từ năm 1945, Hồ Chủ tịch đã ra một sắc lệnh yêu cầu trong vòng 1 năm, những người Việt Nam từ 8 tuổi trở lên phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Hòa bình, chúng ta phát triển thêm hệ thống giáo dục mầm non, tiểu học, trung học, đại học…nhưng đến năm 1995, tức là 50 năm sau ngày giành được độc lập chúng ta mới phổ cập được tiểu học. Để đạt được điều đó, chúng ta phải có hệ thống trường lớp, đội ngũ giáo viên và kinh phí cho việc phổ cập này. Hiện nay chúng ta đang phấn đấu phổ cập tiếp trung học cơ sở (THCS) vào năm 2010. Phổ cập - hiểu theo nghĩa thông thường là ai muốn đi học cũng đều được học, với tiểu học đã được miễn học phí, còn THCS thì vẫn đóng học phí. Phổ cập 2 bậc học này có ý nghĩa xã hội rất lớn, nhưng đồng thời cũng tạo ra gánh nặng tài chính rất lớn với ngân sách lên tới 50,9% so với tổng ngân sách nhà nước chi cho giáo dục.

THCS có 6,2 triệu học sinh, trung học phổ thông (THPT) có 3,1 triệu học sinh, bây giờ câu hỏi đặt ra là có phổ cập THPT (tức là tất cả các em học xong lớp 9 sẽ tiếp tục học hết lớp 12) được không? Câu trả lời là chưa làm được bởi hệ thống trường lớp chưa phát triển để tiếp nhận, chất lượng các em tốt nghiệp THCS chưa đủ để vào học hết THPT và tài chính cho phổ cập bậc học này cũng chưa đủ. Ví dụ, nếu đặt mục tiêu phổ cập THPT thì cũng cần đầu tư vào đây khoảng 20% tổng chi ngân sách cho giáo dục, như vậy, 70% ngân sách giáo dục đã dành cho bậc học phổ thông thì không còn tiền để làm những việc khác như đầu tư cho giáo dục mầm non, đào tạo nghề nghiệp, giáo dục đại học nữa.

Đối với giáo dục đại học, hiện ngân sách của bậc học này chiếm 16,2% ngân sách dành cho giáo dục, chỉ bằng hơn một nửa so với kinh phí dành cho bậc tiểu học. Chúng ta đang phát triển một nền kinh tế cần có nhân lực trình độ cao nhưng chi cho toàn bộ bậc đại học gồm 1,4 triệu sinh viên chỉ bằng hơn phân nửa so với chi cho giáo dục tiểu học (27,4%). Hiện nay, học phí đại học của chúng ta khoảng 200.000 đồng/tháng, tức khoảng 150 USD/năm, trong khi ở Mỹ, ở Anh, đa số từ 10.000 USD – 15.000 USD/năm, điều đó có nghĩa 1 sinh viên họ đóng học phí 1 năm, bằng 1 sinh viên ta đóng 60 tới 100 năm. Với mức đầu tư thấp như vậy không thể nâng đáng kể chất lượng đào tạo và tăng quy mô đào tạo. Mặc dù, về lý thuyết, về tình cảm chúng ta muốn phổ cập tất cả các bậc học nhưng thực tế chỉ làm được từng bậc học theo từng giai đoạn phù hợp với khả năng kinh tế của đất nước.

- Vậy ngành giáo dục đã có lời giải cho bài toán tăng đầu tư cho giáo dục, thưa Phó Thủ tướng?

Tiểu học vẫn được miễn phí nhưng chúng ta cũng để một “kênh” để gia đình nào muốn trả tiền để được học tốt hơn so với tiểu học miễn phí. THCS, THPT đang đóng học phí nhưng điều kiện học hành vẫn rất kém, thiếu máy tính, cơ sở vật chất… 5 năm qua triển khai xóa trường học tranh tre nứa lá, kiên cố hóa trường lớp đạt 90% kế hoạch đặt ra, nhưng khi kiểm điểm lại vào năm 2007 thì số nhà cần kiên cố hóa lại gấp đôi so với 6 năm trước! Vì vậy, nếu không đầu tư thêm cho nhà trường từ nhiều nguồn thì không thể tăng chất lượng giáo dục cũng như góp phần đảm bảo đời sống của thầy cô giáo. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, bài toán tăng đầu tư cho giáo dục, trong đó có phương án tăng học phí vẫn phải đạt mục tiêu số người đi học tăng thêm. Vì vậy, sẽ huy động thêm nguồn lực của xã hội bằng nhiều cách như đóng học phí, đóng góp tự nguyện, mở trường tư thục, dân lập…

Học phí trong bối cảnh xã hội hóa, theo chúng tôi cần tuân thủ 4 nguyên tắc chủ yếu: một là, xã hội hóa phải làm cho tổng đầu tư cho giáo dục tăng hơn trước (bao gồm cả nhà nước và tư nhân cùng tăng), trong đó, tăng đầu tư của nhà nước rất quan trọng. Hiện nay có nhiều tỉnh không chi hết định mức chi của Chính phủ dành cho giáo dục – cái đó rất không ổn. Vừa qua, có nơi phải chuyển những trường mầm non bán công sang tư thục, phải thu phí nhiều hơn, nhiều em sẽ thất học. Vì vậy, phải xác định làm gì thì làm nhưng số người đi học giảm là không được. Do đó, nguyên tắc thứ 2 là xã hội hóa giáo dục nhưng số người đi học phải tăng thêm. Thứ 3 là xã hội hóa phải tạo điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục và nguyên tắc thứ 4 là đảm bảo công bằng tốt hơn.

- Vậy Phó Thủ tướng cho biết, học phí mới sẽ thay đổi như thế nào?

Từ trước đến giờ, học phí được quy định theo khung cho từng vùng và giao cho địa phương quyết định cụ thể. Nhưng trên thực tế, cái khung học phí đó cũng gặp 2 trở ngại: một số gia đình nghèo nên dù học phí sẽ đóng nằm trong khung cũng gặp khó khăn. Về lý thuyết, chúng ta có chính sách miễn giảm, học bổng nhưng không phải lúc nào nó cũng hoạt động tốt. Khó khăn thứ 2 là những người có thu nhập cao hơn, muốn đóng tiền nhiều hơn để con họ đi học trong điều kiện tốt hơn thì nó lại vượt khung, trường không thu được. Vì vậy, khi đặt vấn đề điều chỉnh đề án học phí, nguyên tắc căn bản là học phí phải phù hợp với khả năng chi trả của người dân. Tức là, người có thu nhập thấp đóng ít, thu nhập cao hơn cũng đóng cùng 1 tỷ lệ nhưng giá trị tuyệt đối lớn hơn so với người nghèo. Khi nói đến đóng học phí theo khả năng chi trả thì ngay trong đó cũng đảm bảo tính công bằng. Như vậy, ở thành phố, học sinh đi học sẽ phải đóng học phí nhiều hơn so với miền núi nhưng trường lớp có điều kiện phát triển tốt hơn.

Ở những địa phương có thu nhập cao, nhà nước có thể giảm đầu tư, mức hỗ trợ giảm đi để tăng chi cho những địa phương nghèo bởi chúng ta cam kết phổ cập nhưng chất lượng tối thiểu phải như nhau. Ở những địa phương đó, người dân phải đóng ít tiền hơn hoặc thậm chí không đóng tiền học nhưng vẫn được hưởng nền giáo dục cao hơn mức họ đóng góp. Nhà nước phải hỗ trợ nhiều hơn cho các địa phương nghèo. Tức là khi áp dụng nguyên tắc đóng học phí theo khả năng chi trả và nhà nước hỗ trợ chi phí cho vùng nghèo, người nghèo thì về nguyên tắc không xảy ra tình trạng vì không đủ khả năng đóng học phí mà không đi học được. Sắp tới, tỉnh sẽ là đơn vị quyết định mức học phí phù hợp với thu nhập bình quân của tỉnh; những gia đình có thu nhập thấp hơn mức bình quân sẽ được miễn, giảm. Dự kiến sẽ có khoảng 20% người dân trong 1 địa phương có nhu cầu được miễn, giảm học phí. Với nhóm gia đình có thu nhập cao hơn mức bình quân của địa phương, mong muốn đóng góp mức học phí cao hơn để con em họ học ở những trường có chất lượng tốt hơn chuẩn tối thiểu thì nhà nước cho phép có trường chất lượng cao thu phí cao hơn. Tuy nhiên, tỷ lệ các trường thu phí cao phải nhỏ và sẽ điều chỉnh tùy vào tín hiệu của cuộc sống, nếu có nhu cầu lớn hơn thì mở rộng.

- Chưa thực hiện phổ cập đối với mầm non nhưng Phó Thủ tướng đã khẳng định sẽ phổ cập đối với trẻ 5 tuổi. Điều đó có nghĩa là đầu tư cho nhà nước đối với các lứa tuổi khác trong bậc học này sẽ giảm đi, thưa Phó Thủ tướng?

Bậc học mầm non hiện chiếm 4,5% ngân sách giáo dục (bằng 1/6 chi cho tiểu học) nhưng do điều kiện khó khăn nên cũng không thể tăng được. Từ trước đến giờ, nhà nước chi cho giáo dục mầm non từ 1 tuổi đến 5 tuổi, mỗi lứa tuổi chi một ít nhưng không đáp ứng được yêu cầu. Chúng tôi xác định, trong bối cảnh thiếu kinh phí cho giáo dục mầm non như vậy, lứa tuổi 5 tuổi là quan trọng nhất để chuẩn bị cho các em đi học lớp 1, nhất là đối với con em đồng bào các dân tộc thiểu số. Vì vậy, chúng tôi đã đề nghị chuyển trọng tâm đầu tư, thay vì dùng tiền nhà nước rải đều từ 1 - 5 tuổi thì tập trung cho trẻ 5 tuổi, đảm bảo tất cả trẻ 5 tuổi được đi học, có đóng học phí nhưng vùng nào quá khó khăn thì không phải đóng.

Cho đến nay thì cũng có hơn 90% số trẻ 5 tuổi đi học rồi nên đặt vấn đề phổ cập mầm non bây giờ cũng không gặp quá tải về số lượng nhưng vấn đề là chất lượng nuôi dạy, từ cơ sở trường lớp, chất lượng giáo viên…. Bậc học mầm non cũng là bậc học có số giáo viên đạt chuẩn thấp nhất so với các bậc học khác. Vấn đề là khi thay đổi lại cơ cấu đầu tư từ đầu tư cho tất cả các lứa tuổi nhưng không đủ theo nhu cầu, sang đầu tư cho lứa tuổi 5 tuổi trước tiên thì dù về nguyện vọng thì tất cả đều muốn gửi con đi mẫu giáo, nhà trẻ nhưng bây giờ, lứa tuổi nhà trẻ chủ yếu phải giữ ở nhà, nếu gia đình có điều kiện thì gửi tư thục. Tất nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế; sau này, khi kinh tế đất nước phát triển hơn, sẽ phổ cập tiếp trẻ 4 tuổi, 3 tuổi…

- Nhiều bức xúc hiện nay đang dồn về phía học phí đại học. Liệu chúng ta có chấp nhận tăng thu học phí và giảm số lượng người đi học?

Hiện nay mức học phí đại học theo quy định của nhà nước khoảng 200.000 đồng/tháng. Với mức học phí tương đương 15 USD/tháng thì đó là một trong các mức học phí thấp nhất thế giới. Học phí ở Mỹ, ở Anh cao hơn của chúng ta 60 - 100 lần, ở các trường nổi tiếng có thể tới 25.000 USD/năm, tức gấp chúng ta 160 lần. Hôm trước tôi dự lễ khai giảng tại Trường THPT Nguyễn Tất Thành, đó là trường chất lượng cao, học sinh phải đóng 300.000 đồng/tháng, cao hơn nhiều so với học phí đại học. Nếu tính học phí đại học cũng dựa vào thu nhập của người dân thì sẽ rơi vào vòng bế tắc, luẩn quẩn: nước nghèo nên ngân sách cho giáo dục ít, người dân thu nhập thấp nên khả năng đóng học phí thấp, do đó chi cho đào tạo ít, hệ quả là thiếu kinh phí xây dựng trường lớp, mua sắm thiết bị, trả lương giáo viên kém nên chất lượng đại học thấp, quy mô nhỏ; những người ra trường với chất lượng đào tạo thấp làm việc hiệu quả không cao, nền kinh tế lại chậm phát triển, đất nước tiếp tục nghèo. Vì vậy, phải tạo một đột phá trong tài chính cho giáo dục đại học, thay vì trả học phí thấp theo mức thu nhập hiện tại của quốc gia và người dân thì chúng ta phải trả học phí ở mức đảm bảo chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội, đa số người ra trường phải có việc làm và thu nhập khá. Mức thu nhập này cho phép trả lại số tiền đã vay để trả học phí trước đó. Tức là lấy thu nhập của tương lai cao hơn rất nhiều so với học phí hiện tại để trả học phí ở mức có chất lượng đào tạo cao. Đối với bậc đại học, nếu không tăng học phí thì không thể giải quyết được vấn đề chất lượng.

Với mức học phí đại học hiện hành khoảng 200.000 đồng/tháng thì chúng ta không thể có chất lượng đào tạo đại học theo yêu cầu được. Đợt vừa rồi, chúng tôi có làm việc với một trường cao đẳng ở Nghệ An hợp tác với Hàn Quốc, mức học phí sinh viên phải đóng mỗi tháng là 100.000 đồng nhưng Ủy ban nhân dân tỉnh phải bù 400.000 đồng/tháng/sinh viên. Nhưng tất cả sinh viên tốt nghiệp đều có việc làm với thu nhập từ 1,5 triệu đồng/tháng trở lên. Học phí thật để đào tạo sinh viên cao đẳng làm nghề được là phải 500.000 đồng/tháng (gấp 2,5 lần học phí đại học hiện nay). Vì vậy, không tăng học phí đại học thì không thể có chất lượng như mong muốn. Với thu nhập từ 1,5 triệu đồng/tháng trở lên thì sinh viên sau khi tốt nghiệp hoàn toàn có thể dành mỗi tháng 500.000 đồng để trả tiền vay đóng học phí. Chất lượng giáo dục đại học không chỉ phụ thuộc vào chi phí, mà còn phụ thuộc rất quan trọng vào số lượng và chất lượng giáo viên. Nếu giáo viên ít, chất lượng thấp thì càng nhiều sinh viên, chất lượng đào tạo càng kém. Trong trường hợp này, phải giảm quy mô đào tạo.

Hiện nay, ở nước ta, 1 giáo viên đào tạo 30 sinh viên, trong khi ở các nước tiên tiến chỉ khoảng 15 sinh viên. Về lâu dài, phải tăng số lượng và chất lượng giáo viên đại học, đa số phải có trình độ tiến sĩ. Như vậy, mới vừa tăng được số sinh viên, vừa tăng được chất lượng đào tạo. Bên cạnh việc tạo đột phá trong cơ chế tài chính của giáo dục đại học, bộ đang chỉ đạo quyết liệt việc đổi mới cơ chế quản lý: kiểm định chất lượng các trường tiến tới xếp hạng các trường đại học, chuẩn hóa giáo viên và cán bộ quản lý, áp dụng các chương trình đào tạo tiên tiến của nước ngoài; đào tạo và nghiên cứu khoa học theo đặt hàng của doanh nghiệp…

Để đột phá về cơ chế tài chính cho giáo dục đại học, ngày 4-9-2007, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị cho vay để trả học phí. Sau 5 năm, tôi tin là hệ thống giáo dục đại học, cao đẳng và dạy nghề sẽ có bước phát triển mạnh mẽ. Học phí phổ thông và đại học, cao đẳng, dạy nghề khác nhau và phải được quyết định với quan điểm khác nhau.

- Cảm ơn Phó Thủ tướng.

Đinh Lan (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục