Giải pháp chiến lược cho giáo dục đại học

Giải pháp chiến lược cho giáo dục đại học

Dự thảo chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam 2009-2020 (CLGD) được Bộ GD-DT công bố chiều 18-12 đã nhận nhiều ý kiến bàn luận từ những quan điểm khác nhau. Tựu trung, tất cả các bậc giáo dục đều quan trọng và cần cải tổ, tuy nhiên giáo dục đại học (GDĐH) đang bị khủng hoảng nhất và ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế. Vì thế cải tổ GDĐH là khẩn cấp nhất.

Các nhược điểm về tổ chức quản lý của hệ thống GDĐH

Dự thảo CLGD chưa đưa ra biện pháp giải quyết được mâu thuẫn giữa phát triển số lượng với nâng cao chất lượng. Vì thế cần phân tích để thấy rõ rằng cuộc khủng hoảng kép về số lượng và chất lượng của GDĐH nước ta kéo dài trong 2 thập kỷ qua có nguyên nhân chủ yếu ở tổ chức quản lý GDĐH.

Nhược điểm lớn nhất là sự phân tán trách nhiệm quản lý qua nhiều bộ và nhiều tỉnh thành chủ quản. Dự thảo CLGD có phân tích: “Việc chia cắt các nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục giữa Bộ GD-ĐT với các bộ ngành khác đã làm cho việc quản lý nhà nước đối với hệ thống giáo dục chồng chéo, phân tán, thiếu thống nhất. Việc tách rời quản lý nhà nước về chuyên môn với quản lý nhân sự, tài chính đã làm giảm tính thống nhất trong chỉ đạo, điều hành đối với toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân và làm cho bộ máy quản lý giáo dục trở nên cồng kềnh, nặng nề. Năng lực của các cơ quan quản lý giáo dục chưa đáp ứng được nhiệm vụ quản lý trong tình hình mới”.

Giải pháp chiến lược cho giáo dục đại học ảnh 1

SV Khoa Công nghệ Sinh học ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) thực tập trong phòng thí nghiệm hóa. Ảnh: MAI HẢI

Dự thảo CLGD nêu giải pháp 1 là đổi mới quản lý giáo dục, trong đó cần “Thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về giáo dục. Việc quản lý nhà nước đối với hệ thống giáo dục nghề nghiệp sẽ do Bộ GD-ĐT đảm nhận. Thực hiện dần việc bỏ cơ chế bộ chủ quản đối với các cơ sở GDĐH. Trong thời gian trước mắt, các bộ, các địa phương còn quản lý các trường ĐH, CĐ phải phối hợp với Bộ GD-ĐT xây dựng quy chế quản lý trường ĐH, CĐ”.

Nhược điểm lớn thứ 2 là sự tách rời giữa các trường ĐH và các viện nghiên cứu khoa học. Sự tách rời này làm cho các nhà khoa học ít được tham gia giảng dạy và giảng viên ĐH bị hạn chế tham gia việc nghiên cứu khoa học, sinh viên cũng ít được tiếp cận những nhà khoa học giỏi. Điều đó làm cho trường ĐH chưa trở thành trung tâm chất lượng về đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Nhược điểm lớn thứ 3 là sự phân tán của quá nhiều học viện và trường ĐH chuyên ngành riêng rẽ với chương trình đào tạo quá nhiều tiểu chuyên ngành rất hẹp. Chính việc tổ chức quản lý các trường ĐH có mục tiêu đào tạo nặng về kiến thức theo chuyên ngành hẹp khiến sinh viên không được trang bị nền tảng vững chắc về giáo dục tổng quát cần thiết khả năng tự học suốt đời.

Mô hình viện ĐH đa lĩnh vực

Các cơ sở GDĐH nước ta rất khác biệt nhau về mặt tổ chức chuyên môn nên không thể nào so sánh và xếp hạng chung được. Chẳng hạn không thể so sánh và xếp hạng Trường ĐH Xây dựng Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội, cùng ĐH Huế hay ĐH Quốc gia TPHCM được vì không cùng loại. Trong khi ĐH Huế có hầu hết lĩnh vực như sư phạm, kinh tế, y tế, nông nghiệp, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, nhân văn và nghệ thuật… của một viện ĐH đa lĩnh vực thì ĐH Bách khoa Hà Nội về chuyên môn chỉ tương đương lĩnh vực kỹ thuật của một viện ĐH đa lĩnh vực, còn Trường ĐH Xây dựng Hà Nội về chuyên môn chỉ tương đương một ngành trong các ngành cơ khí, kỹ thuật điện điện tử, kỹ thuật hóa học, kỹ thuật máy tính, kỹ thuật hàng không… của lĩnh vực kỹ thuật trong một viện ĐH đa lĩnh vực.

GDĐH trên thế giới đã trải qua một quá trình phân hóa hàng dọc để đáp ứng các nhu cầu khác nhau về các loại kỹ năng của thị trường lao động bằng cách xây dựng những chương trình đào tạo với thời gian, cường độ và mục tiêu khác nhau để tiếp nhận những đối tượng sinh viên có những loại năng lực rất khác nhau.

Phần đỉnh kim tự tháp GDĐH là các viện ĐH đa lĩnh vực và đào tạo nhân lực chất lượng cao từ bậc ĐH đến tiến sĩ. Trung tâm kim tự tháp là các viện ĐH đa lĩnh vực giảng dạy đại chúng tập trung đào tạo và cung cấp nhân lực trình độ ĐH với số lượng lớn và có kỹ năng đáp ứng nhu cầu của khu vực và địa phương. Phần đáy của kim tự tháp là các trường ĐH cộng đồng, cao đẳng và các trường dạy nghề hậu trung học. Các trường ĐH cộng đồng có mục đích đào tạo đại chúng với trình độ thấp hơn. Các trường cao đẳng chú trọng đào tạo kỹ năng thực hành cần thiết cho những công việc cụ thể.

Hiện nay chúng ta hầu như không có các viện ĐH đa lĩnh vực, trong đó gồm các viện nghiên cứu và phần lớn sinh viên là trên ĐH. Mặt khác, VN thiếu các trường ĐH cộng đồng và cao đẳng ở các tỉnh thành để đáp ứng nhu cầu gia tăng sinh viên đại chúng mà không làm giảm chất lượng của các viện ĐH tinh hoa.

Chúng ta thiếu các viện ĐH đa lĩnh vực loại giảng dạy đại chúng mà chỉ có phần lớn là các trường ĐH chuyên ngành riêng lẻ như sư phạm, y dược, khoa học, nông lâm, kỹ thuật, kinh tế, kiến trúc… Đây là các trường ĐH mà giảng dạy là chủ yếu nhưng có mục tiêu đào tạo những nhà chuyên môn theo những chương trình đào tạo tương đối hẹp và có ít phần giáo dục tổng quát hơn khi so với các viện ĐH đa lĩnh vực.

Đạo luật GDĐH

Nước ta chưa có đạo luật riêng về GDĐH nên việc quản lý điều hành hệ thống GDĐH – cao đẳng và hậu trung học hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Quốc hội cần ban hành đạo luật riêng về GDĐH trong đó có quy định về tổ chức và quản lý các viện ĐH để giao quyền chủ động cho các viện ĐH đa lĩnh vực thực hiện nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu nhân lực trình độ cao cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Mô hình ĐH đa lĩnh vực được quy định bằng đạo luật GDĐH của Quốc hội sẽ là biện pháp để thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về GDĐH và xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản đối với các cơ sở GDĐH. Khi đó các loại trường ĐH chuyên ngành trực thuộc nhiều bộ chủ quản khác nhau như nha y dược, luật, ngân hàng, bưu chính viễn thông… sẽ trở thành các trường thành viên, các khoa của các viện ĐH đa lĩnh vực và chịu trách nhiệm trước công chúng, trước pháp luật, trước các cơ quan quản lý nhà nước nên không trực thuộc bộ chủ quản nào nữa.

Đạo luật GDĐH của Quốc hội cũng sẽ phân cấp quản lý nhà nước cho các tỉnh thành địa phương đối với các trường ĐH cộng đồng, các trường cao đẳng và các trường dạy nghề hậu trung học để các tỉnh thành có chính sách khuyến khích các cơ sở giáo dục này phục vụ nhu cầu đào tạo đại chúng đáp ứng nhu cầu nhân lực của địa phương.

Biện pháp cải tổ tổ chức quản lý như thế sẽ là giải pháp chiến lược cho GDĐH, vừa giúp nâng cao chất lượng GDĐH loại nghiên cứu và tinh hoa, vừa củng cố chất lượng GDĐH loại đại chúng, vừa phát triển số lượng đào tạo loại ĐH cộng đồng, cao đẳng và dạy nghề hậu trung học. 

PGS-TS NGUYỄN THIỆN TỐNG

Tin cùng chuyên mục