Trường ĐH Phan Thiết đủ điều kiện đào tạo

(SGGP). – Chiều 21-10, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã họp báo công bố kết quả kiểm tra công tác chuẩn bị năm học 2009 - 2010, trong đó có nội dung về kết quả thanh tra Trường Đại học Phan Thiết.

(SGGP). – Chiều 21-10, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã họp báo công bố kết quả kiểm tra công tác chuẩn bị năm học 2009 - 2010, trong đó có nội dung về kết quả thanh tra Trường Đại học Phan Thiết.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Chiến, Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục - Đào tạo, khẳng định: Qua kiểm tra thực tế tại Trường Đại học Phan Thiết về cơ sở vật chất, cơ cấu tổ chức, đội ngũ cán bộ giảng viên, nhân viên, chương trình đào tạo và các điều kiện khác cho thấy đã đảm bảo cho việc thực hiện nhiệm vụ năm học 2009 - 2010.

Tại công văn số 5271 UBND-VX ngày 19-10-2009 của UBND tỉnh Bình Thuận gửi Bộ GD-ĐT báo cáo một số vấn đề liên quan đến Trường Đại học Phan Thiết, Phó Chủ tịch tỉnh Bình Thuận Hồ Dũng Nhật khẳng định: Trường Đại học Phan Thiết đã hội đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, tổ chức nhân sự và nội dung chương trình để triển khai công tác đào tạo ngay trong năm học 2009 - 2010 theo chỉ tiêu tuyển sinh được Bộ GD-ĐT giao.

Tuy nhiên, trong thời gian từ ngày 14 đến 17-10-2009, một số tờ báo đã đăng bài phản ánh không đúng thực tế về một số vấn đề xung quanh việc thành lập và mở mã ngành đào tạo, tuyển sinh, cơ sở vật chất, giảng viên của Đại học Phan Thiết.

Nội dung của những bài báo này đã tác động xấu tới dư luận xã hội, làm mất uy tín nghiêm trọng đến Đại học Phan Thiết khi chuẩn bị làm lễ khai giảng năm học đầu tiên. Những bài báo này làm cho người đọc có cách nhìn nhận và hiểu sai về quy trình quản lý nhà nước trong giáo dục của hệ đại học hiện nay.

Tại cuộc họp báo, bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ GD-ĐT, cho biết: Theo quy trình thành lập, sáp nhập, chia tách, giải thể trường đại học theo tinh thần của Quyết định số 07 QĐ-TTg ngày 15-1-2009 của Thủ tướng Chính phủ, Đại học Phan Thiết có đội ngũ giảng viên cơ hữu 63 người (1 PGS, 7 tiến sĩ, 35 thạc sĩ, 20 giảng viên trình độ ĐH) là đúng với quy chế hiện hành.

Trong quá trình hoàn tất các thủ tục về đất đai và xây dựng mới cơ sở vật chất của Đại học Phan Thiết theo quy hoạch, việc UBND tỉnh Bình Thuận cho Đại học Phan Thiết được tận dụng toàn bộ cơ sở vật chất của làng cổ Mũi Né để triển khai các hoạt động của nhà trường là giải pháp tối ưu để bắt tay vào khai giảng và học tập. Chủ đầu tư và ban giám hiệu nhà trường đã có cố gắng để đầu tư và bố trí các phòng học, giảng đường đủ đáp ứng chỗ học cho trên 1.000 sinh viên, xây dựng KTX cho 300 sinh viên.

Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu Đại học Phan Thiết cần khẩn trương hoàn thiện các công trình đang xây dựng để sớm đưa vào sử dụng trong đầu tháng 11-2009, đảm bảo cho việc khai giảng năm học mới; tiếp tục bổ sung đội ngũ giảng viên cơ hữu cân đối giữa các môn học và tổ chức hồ sơ một cách khoa học. Đại học Phan Thiết cần sớm triển khai công tác giải phóng mặt bằng khu đất 5 ha đã được giao để triển khai công tác xây dựng theo đúng cam kết nêu trong dự án khả thi thành lập trường.

Vừa qua, Thanh tra Bộ GD-ĐT cũng đã thanh tra 11 trường ĐH, trong đó có các trường đã được báo chí nhắc đến nhiều vì tình trạng lạm thu như ĐH Hồng Bàng, ĐH Công nghiệp TPHCM (trong đó ĐH Công nghiệp TPHCM ngoài học phí thu thêm kinh phí hỗ trợ đào tạo 1,6 triệu đồng/sinh viên/năm) nhưng Bộ GD-ĐT gần như không đưa ra kết luận gì.

L.Nguyên

  • Thông tin liên quan:

- Kết luận sơ bộ kiểm tra về Trường ĐH Phan Thiết: Đủ điều kiện đào tạo!

Tin cùng chuyên mục