TS Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Trường Đại học FPT: Không quá lo ngại khi trường (cổ phần) chạy theo lợi nhuận!

TS Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Trường Đại học FPT: Không quá lo ngại khi trường (cổ phần) chạy theo lợi nhuận!

Xung quanh dự thảo quy chế thí điểm chuyển đổi trường công lập thành công ty cổ phần, Báo SGGP 12 Giờ tiếp tục nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc. Để rộng đường dư luận, Báo SGGP 12 Giờ xin giới thiệu ý kiến của  TS Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Trường Đại học FPT, Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam.

- Phóng viên: Xin ông cho biết ý kiến của mình về vấn đề cổ phần hóa trường đại học?

Ông Lê Trường Tùng

Ông Lê Trường Tùng

TS Lê Trường Tùng: Đến 2020, số sinh viên cao đẳng - đại học (CĐ-ĐH) sẽ phải tăng gấp đôi so với hiện nay. Ngân sách nhà nước dành cho giáo dục hiện đã chiếm trên 20% chi thường xuyên, không thể tăng hơn nhiều được nữa.

Chúng ta chỉ có 2 cách: Khép chặt cánh cửa vào ĐH-CĐ, hoặc chấp nhận mở cửa hệ thống giáo dục đại học ngoài công lập. Con đường mà Chính phủ chọn lựa là mở cửa cho hệ thống ngoài công lập.

Vấn đề còn lại là làm thế nào có các giải pháp để quản lý được chất lượng và giải quyết vấn đề công bằng xã hội (làm thế nào để con nhà nghèo có thể học CĐ-ĐH được).

Dự kiến, đến năm 2020, số sinh viên ngoài công lập sẽ chiếm khoảng 40% tổng số sinh viên. Nếu như cổ phần hóa 10%-20% số trường công lập hiện nay, và số trường ngoài công lập vẫn phát triển theo kế hoạch thì khi đó con số sinh viên ngoài công lập cũng chỉ từ 40% tăng lên 50% - và các vấn liên quan đến chất lượng, công bằng xã hội không vì cổ phần hóa mà trầm trọng thêm.

- Như vậy, ông ủng hộ cổ phần hóa trường công lập? Cũng như có nhiều ý kiến hiện cho rằng, “cần cởi trói” cho đại học bằng cách cổ phần hóa?

Theo tôi, nếu cổ phần hóa một trường công tốt hơn mở một trường tư thì cổ phần hóa là giải pháp tốt. Còn nếu nhà nước vẫn đủ tiền để nuôi trường công thì không nhất thiết phải cổ phần hóa.

Các trường ngoài công lập hiện nay không bị trói buộc trong các vấn đề nhân sự, tài chính - những vấn đề mà các trường công vẫn bị nhiều ràng buộc. Theo tôi đa số các trường công lập chấp nhận “bị” ràng buộc này để nhận ngân sách chứ chưa sẵn sàng ra “ở riêng”, chưa sẵn sàng được “cởi trói”.

Nếu hỏi ý kiến các trường công về việc cổ phần hóa, tôi tin rằng đa số các trường sẽ trả lời “không”. Thực tiễn việc thực hiện chính sách chuyển các trường bán công thành các trường tư thục vừa qua minh chứng cho điều này: Không có trường bán công nào thích thành trường tư cả và đều tìm cách trở thành trường công lập.

- Vậy theo ông, liệu có dung hòa được vấn đề chất lượng đào tạo và thương mại nếu cổ phần hóa đại học hay không?

Thực tế đã chứng minh, cơ chế thị trường không làm giảm chất lượng mà hoàn toàn ngược lại. Chúng ta đã có 15 năm phát triển hệ thống trường dân lập, các trường này đã và đang hoạt động theo cơ chế không chia lợi nhuận cho nhà đầu tư (quy chế đại học tư thục: Tài sản của trường thuộc về toàn thể cán bộ nhân viên, không chia và được nhà nước bảo hộ). 

Cổ phần hóa thực chất là tư thục hóa trường công lập, thu hút đầu tư xã hội, thay đổi chủ sở hữu và để các trường này hoạt động theo quy chế đại học tư thục. Cũng cần nhấn mạnh là Quy chế đại học tư thục 2009 đã bỏ quy định “toàn bộ tài sản của trường tư thục thuộc về các nhà đầu tư” như quy định trong Quy chế 2005, thay vào đó là quy định các tài sản tăng thêm từ vốn góp của các nhà đầu tư sẽ là tài sản chung. Bởi thế chắc không cần quá lo ngại về việc chạy theo cơ chế lợi nhuận của các trường.

Mà có muốn chạy đi nữa, chất lượng tồi thì ai vào học, ai đóng học phí để có lợi nhuận. Với đà tăng trưởng hiện nay, chỉ vài năm nữa số ghế CĐ-ĐH sẽ đủ chỗ cho tất cả học sinh tốt nghiệp phổ thông.

- Xin cảm ơn ông!

Lâm Nguyên (ghi)

Tin cùng chuyên mục