Vụ Trường Phổ thông châu Á - Thái Bình Dương Cần Thơ bỗng dưng bị “hô biến”: Trách nhiệm thuộc về ai?

Bỗng dưng mất trường
Vụ Trường Phổ thông châu Á - Thái Bình Dương Cần Thơ bỗng dưng bị “hô biến”: Trách nhiệm thuộc về ai?

Trường PT châu Á - Thái Bình Dương Cần Thơ (APC Cần Thơ) đang hoạt động bỗng dưng bảng tên bị hạ xuống, thay vào đó là một tên trường mới. Hội đồng Quản trị (HĐQT) và Ban Giám hiệu (BGH) bị xóa và toàn bộ con dấu, hồ sơ, tài sản, xe buýt, thiết bị giảng dạy… bị chiếm đoạt sau một quyết định rất đơn giản của UBND TP Cần Thơ là… đổi tên trường!

Bỗng dưng mất trường

Trường APC Cần Thơ được thành lập theo quyết định của  UBND TP Cần Thơ tháng 6-2009 với đầy đủ quyết định công nhận HĐQT - Chủ tịch là bà Nguyễn Thị Ngọ, Phó chủ tịch là ông Nguyễn Thanh Sơn cùng BGH với Hiệu trưởng là ông Jeremy Fellows quốc tịch Hoa Kỳ.

Trường PT châu Á - Thái Bình Dương Cần Thơ khi chưa bị đổi tên.
Trường PT châu Á - Thái Bình Dương Cần Thơ khi chưa bị đổi tên.

Năm học 2009-2010, trường hoạt động đạt kết quả khá tốt (đứng thứ 3 TP Cần Thơ, chỉ sau 2 trường chuyên Châu Văn Liêm và Lý Tự Trọng). Thật bất ngờ, ngày 2-7-2010 UBND TP Cần Thơ có quyết định đổi tên Trường APC Cần Thơ thành Trường PT Thái Bình Dương (do Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Tô Minh Giới ký, trên cơ sở đề xuất của Giám đốc Sở GD-ĐT TP Cần Thơ). Theo quyết định này, một trường học mới với tên Thái Bình Dương đã ra đời tại địa chỉ của APC Cần Thơ (số 112 đường Trần Phú, Q. Ninh Kiều). Trong khi đó, Trường APC Cần Thơ với HĐQT và BGH đã được công nhận, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, bộ khung quản lý riêng và tài sản bị “hô biến” hoàn toàn.

Sự việc xảy ra trong thời gian nghỉ hè. HĐQT APC Cần Thơ chỉ biết vào ngày 5-7-2010 khi trường bị hạ biển hiệu. Phía UBND Cần Thơ không hề có một thông báo nào gửi cho HĐQT của APC Cần Thơ.

Bỗng dưng… mất trường, ngày 5-7-2010 bà Nguyễn Thị Ngọ, Chủ tịch HĐQT APC Cần Thơ đã gửi đơn kêu cứu đến Bí thư, Chủ tịch UBND và Giám đốc Sở GD-ĐT TP Cần Thơ. Ngày 6-8-2010, Sở GD-ĐT TP Cần Thơ đã tổ chức cuộc họp xem xét giải quyết khiếu nại của Trường APC Cần Thơ. Chủ trì cuộc họp là ông Trần Trọng Khiếm, Q. Giám đốc sở. Tại cuộc họp, ông Khiếm yêu cầu các bên: “Chỉ tập trung xem xét về hợp đồng kinh tế và vấn đề tài sản của APC Cần Thơ”. Bà Nguyễn Thị Ngọ không đồng ý nội dung này vì theo bà Ngọ, vấn đề chính cần phải làm rõ là tại sao có quyết định đổi tên Trường APC Cần Thơ; căn cứ vào cơ sở pháp lý nào mà UBND TP Cần Thơ lại xóa pháp nhân của APC Cần Thơ và xóa luôn HĐQT và BGH được công nhận bằng văn bản của Sở GD-ĐT? Trước những vấn đề bà Ngọ đặt ra tại cuộc họp, ông Khiếm cho rằng Giám đốc Sở GD-ĐT không có trách nhiệm trả lời mà phải báo cáo lại với UBND TP Cần Thơ.

Hệ lụy của quyết định này là quyền lợi của mấy trăm học sinh, phụ huynh, giáo viên, CBCNV bị ảnh hưởng nghiêm trọng. APC Cần Thơ bỗng dưng biến mất không rõ nguyên do!

Trách nhiệm thuộc về ai?

Những ngày đầu tháng 9, trong khi cả nước rộn ràng nhập học, bà Nguyễn Thị Ngọ phải lo… làm đơn khiếu nại về việc bị xóa sổ Trường APC Cần Thơ. Theo một nguồn tin của chúng tôi, sau khi bà Ngọ gửi đơn khiếu nại với Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, UBND TP Cần Thơ đã thu hồi quyết định đổi tên Trường APC Cần Thơ thành Trường PT Thái Bình Dương. Nhưng trên thực tế, Trường Thái Bình Dương vẫn đang hoạt động. PV Báo SGGP đã nhiều lần liên lạc với Trường Thái Bình Dương để tìm hiểu thông tin nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi.         

Trong đơn khiếu nại gửi Báo SGGP, bà Nguyễn Thị Ngọ thông báo rằng tất cả con dấu, hồ sơ pháp lý, tài sản vô hình, hữu hình, tiền bạc, kho tàng, sách vở, đồng phục, thiết bị giảng dạy của APC Cần Thơ… đều bị Trường Thái Bình Dương chiếm giữ. Thêm nữa, học bạ của học sinh đã lên TPHCM tiếp tục học tại Trường APC ở TPHCM họ cũng chiếm giữ luôn. (Tại cuộc họp ngày 6-8-2010, bà Ngọ đã đề nghị Sở GD-ĐT TP Cần Thơ giúp đỡ việc này nhưng bị ông Khiếm từ chối).

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Trường APC Cần Thơ được hình thành trên cơ sở hợp tác đầu tư giữa bà Nguyễn Thị Ngọ, Tổng giám đốc Công ty Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực Châu Á-Thái Bình Dương kiêm Chủ tịch hệ thống Trường Quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương (gọi tắt là APC - trụ sở 34-36 Đinh Tiên Hoàng, phường Đa Kao, quận 1, TPHCM) và ông Nguyễn Thanh Sơn, chủ Trường PT tư thục Thanh Sơn (số 112, đường Trần Phú, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ). APC Cần Thơ trở thành một thành viên trong hệ thống Trường Quốc tế Châu Á-Thái Bình Dương.

Nội dung hợp tác đầu tư giữa hai bên như sau: Về cơ sở vật chất, tòa nhà 112 Trần Phú ông Sơn đồng ý bán cho APC Cần Thơ giá 70 tỷ đồng, thanh toán trong vòng 5 năm; vốn lưu động 9 tỷ, các bên góp khi có nhu cầu sử dụng. Tỷ lệ đầu tư và sở hữu trường  phía bà Ngọ 55%, phía ông Sơn 45%. Trường APC ở TPHCM sẽ cung cấp chương trình giảng dạy, tuyển dụng giáo viên, làm marketing và tuyển sinh cho APC Cần Thơ đồng thời cung cấp bộ khung (nhân sự BGH), quản lý điều hành trường học cũng như thiết kế trang trí nội thất cho ngôi trường.

Suốt quá trình 1 năm hoạt động, hai bên không hề có mâu thuẫn gì ngoại trừ việc con trai ông Sơn là Nguyễn Thanh Thống (Giám đốc điều hành) đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc quản lý tài chính, không báo cáo cho HĐQT mặc dù Chủ tịch HĐQT đã rất nhiều lần yêu cầu và nhắc nhở khi phát hiện sai phạm, nhất là thất thoát và lạm thu trong việc tổ chức học hè trái phép. Thậm chí, đến nay vẫn chưa  thực hiện quyết toán tài chính cho năm học vừa qua.

Sau khi trường hoạt động và có doanh thu tốt, phía ông Sơn liên tục có văn bản đề nghị tăng phần sở hữu lên 51% rồi thậm chí lên 100%. Sau buổi lễ tổng kết năm học, HĐQT đã có cuộc họp chiều 25-5-2010 và ông Sơn thông báo sau 1 năm nữa sẽ lấy lại tòa nhà 112 Trần Phú “để dùng làm phòng thí nghiệm cho bệnh viện của con gái”, không bán cho APC nữa. Bà Ngọ đồng ý với thời hạn 1 năm đó và giải pháp là APC mua đất xây trường mới. Bà Ngọ cũng để ông Sơn tự quyết định tiếp tục đầu tư hay rút khỏi APC Cần Thơ (Biên bản họp ngày 25-5-2010 có đủ chữ ký của các thành viên HĐQT).

Trong tình trạng “chưa đâu vào đâu” như trên, UBND TP Cần Thơ đã ra quyết định đổi tên trường, biến APC Cần Thơ thành “Thái Bình Dương”. Dẫu rằng theo hợp tác 2 bên, cơ sở vật chất mà APC Cần Thơ đang hoạt động là của gia đình ông Sơn. Dù ông Sơn có chấm dứt hợp tác với bà Ngọ, Trường APC Cần Thơ vẫn tồn tại, cớ sao UBND TP Cần Thơ lại quyết định đổi tên APC Cần Thơ, đồng nghĩa với việc “hô biến” hoàn toàn pháp nhân, bộ khung trường này cùng với tất cả tài sản?

Đằng sau quyết định này là gì? Thiết nghĩ, UBND và Sở GD-ĐT TP Cần Thơ cần tích cực làm rõ những bức xúc của dư luận, nhất là trong phụ huynh, học sinh và giáo viên về những vấn đề xung quanh quyết định “đổi tên trường”, xóa HĐQT, BGH và xóa luôn sự tồn tại hợp pháp của Trường APC Cần Thơ.

Trần Minh Trường

Tin cùng chuyên mục