Muốn đổi mới chương trình giáo dục: Sách giáo khoa phải đồng bộ

Ngày 5-4, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến chuyên gia về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông. Mục đích là chuẩn bị các luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc ban hành Nghị quyết mới của Quốc hội về vấn đề này, cũng như để góp phần hoàn thiện Đề án đổi mới chương trình và SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015.
Muốn đổi mới chương trình giáo dục: Sách giáo khoa phải đồng bộ

Ngày 5-4, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến chuyên gia về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông. Mục đích là chuẩn bị các luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc ban hành Nghị quyết mới của Quốc hội về vấn đề này, cũng như để góp phần hoàn thiện Đề án đổi mới chương trình và SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015.

  • Trách nhiệm từ nhiều phía

Đánh giá về chương trình, SGK giáo dục phổ thông hiện nay, Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, quá trình triển khai tổ chức xây dựng chương trình và biên soạn SGK giáo dục phổ thông còn khá nhiều bất cập; hệ thống tổ chức chỉ đạo và điều hành các hoạt động đổi mới chương trình, SGK thiếu sự thống nhất; chưa có tổng chỉ huy cho toàn bộ quá trình xây dựng chương trình, biên soạn SGK. Chương trình một số môn học yêu cầu còn cao, còn chú trọng dạy chữ; một số nội dung trong chương trình chưa thật sự cơ bản, khối lượng kiến thức nhiều; chưa cân đối giữa lý thuyết và thực hành; tính liên thông còn mờ nhạt... Còn theo các chuyên gia giáo dục, tồn tại của chương trình, SGK là còn thiếu tính toàn diện, nặng hàn lâm, thiết kế chương trình không thể hiện được sự dạy học phân hóa...

Học sinh lựa mua sách giáo khoa. Ảnh: MAI HẢI

Học sinh lựa mua sách giáo khoa. Ảnh: MAI HẢI

Ngành giáo dục sẽ đổi mới giáo dục phổ thông theo hướng chú trọng phát triển năng lực học sinh, thực hiện giáo dục tích hợp các môn học, chủ trương một chương trình nhưng có nhiều bộ SGK… Khi bàn về định hướng đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015, nhiều chuyên gia nhận định, quá trình thực hiện phải đồng bộ và cần sự chỉ đạo từ vĩ mô.

Theo PGS-TS Trần Thị Tâm Đan, SGK và chương trình là nòng cốt để thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông, vì vậy đổi mới phải triển khai một cách tổng thể, toàn diện, toàn diện đến từng môn học. “Đổi mới chương trình, SGK phải gắn với đổi mới đào tạo giáo viên, cơ sở vật chất trường học phải đáp ứng được yêu cầu của chương trình, SGK mới”, PGS-TS Trần Thị Tâm Đan góp ý. Cũng theo PGS-TS Trần Thị Tâm Đan, dù ngành giáo dục có cố gắng đến đâu mà cơ sở vật chất nhà trường yếu kém thì hiệu quả đổi mới chương trình cũng sẽ rất hạn chế. Vì vậy, vấn đề cơ sở vật chất phải được tháo gỡ từ phía vĩ mô. Chính phủ phải chỉ đạo UBND các cấp quan tâm xây dựng cơ sở vật chất, phòng học cho các nhà trường.

TS Vũ Văn Dụ, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo viên, Bộ GD-ĐT, cũng cho rằng, đổi mới chương trình, SGK không thể là việc riêng của ngành giáo dục. “Đảng, Nhà nước phải ra tay, không ra tay không làm được, vì có ra tay thì liên bộ mới chuyển. Nếu mỗi ngành giáo dục là ngoài tầm tay”, ông Vũ Văn Dụ phát biểu. Còn theo PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT DL Lương Thế Vinh - Hà Nội, để có một chương trình giáo dục phổ thông phù hợp cần thành lập một Hội đồng chương trình chung và dưới đó là Hội đồng các bộ môn.

  • Chuẩn bị kỹ

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi khẳng định, trong đề cương giám sát về vấn đề này, ngoài chương trình, SGK, ủy ban cũng đã đề cập đến những điều kiện khác để đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông như như cơ sở vật chất nhà trường, việc đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, chính sách chế độ với đội ngũ giáo viên, nội dung quản lý nhà nước và quản lý các cơ sở giáo dục. “Chương trình, SGK tuy không phải là tất cả nhưng rất quan trọng. Cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên phải được chuẩn bị để đáp ứng được nội dung chương trình, SGK. Không thể thiết kế, biên soạn chương trình, SGK một cách độc lập mà phải căn cứ trên thực tiễn năng lực của đội ngũ giáo viên cũng như thực tiễn khả năng đáp ứng của cơ sở vật chất”, ông Đào Trọng Thi nói. Ông Đào Trọng Thi cho rằng, nếu xây dựng một chương trình, SGK vượt trên khả năng đáp ứng về các điều kiện đảm bảo chất lượng, chắc chắn không thể thành công.

Ông Đào Trọng Thi cho biết thêm, nếu đề án đổi mới chương trình, SGK vượt ra khỏi phạm vi Nghị quyết 40 của Quốc hội năm 2000 và vượt ra khỏi phạm vi của Luật Giáo dục hiện hành thì phải trình Quốc hội ban hành một nghị quyết mới về đổi mới chương trình, SGK, mục đích là để các cơ quan Chính phủ triển khai thực hiện đảm bảo về hành lang pháp lý. Nghị quyết này nếu không được thông qua vào cuối năm 2013 hoặc đầu năm 2014 thì việc Bộ GD-ĐT dự kiến có một bộ SGK mới sau 2015 sẽ không thể thực hiện được. 

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục