Hoán đổi chỗ ngồi cho học sinh tiểu học - Cần quy định thống nhất!

Trong cuộc họp phụ huynh học sinh đầu năm học tại một trường tiểu học trên địa bàn quận 3 TPHCM, nhiều ý kiến đề xuất nên hoán đổi chỗ ngồi của học sinh sau mỗi tháng hoặc mỗi học kỳ. Đây là hình thức tổ chức lớp học đang được nhiều trường tiểu học trên địa bàn TPHCM áp dụng. Tuy nhiên, hoán đổi như thế nào, điều kiện trường, lớp ra sao mới đảm bảo cho việc thực hiện vẫn là bài toán khó, bởi hiện nay chưa có bất kỳ quy định nào từ các cơ quan lãnh đạo.
Hoán đổi chỗ ngồi cho học sinh tiểu học - Cần quy định thống nhất!

Trong cuộc họp phụ huynh học sinh đầu năm học tại một trường tiểu học trên địa bàn quận 3 TPHCM, nhiều ý kiến đề xuất nên hoán đổi chỗ ngồi của học sinh sau mỗi tháng hoặc mỗi học kỳ. Đây là hình thức tổ chức lớp học đang được nhiều trường tiểu học trên địa bàn TPHCM áp dụng. Tuy nhiên, hoán đổi như thế nào, điều kiện trường, lớp ra sao mới đảm bảo cho việc thực hiện vẫn là bài toán khó, bởi hiện nay chưa có bất kỳ quy định nào từ các cơ quan lãnh đạo.

        Nghiêng người vẫn không nhìn rõ bảng!

Anh Hồ Anh Khoa, phụ huynh có con đang học lớp 2 một trường tiểu học trên địa bàn quận Gò Vấp, bày tỏ: “Năm học trước, sĩ số lớp con tôi chỉ có 39 học sinh/lớp. Năm học này, sĩ số tăng đến 46 học sinh nên để đủ chỗ ngồi cho tất cả học sinh, khoảng cách giữa các dãy bàn bị thu hẹp, bàn đầu học sinh ngồi cách bảng chưa đầy 1m. Mỗi khi thầy, cô giáo viết chữ trên cao, các cháu phải ngả người ra sau, ngẩng cổ nhìn lên mới thấy rõ”.

Đồng cảnh ngộ, chị Thu Trang, phụ huynh có con mới vào lớp 1, Trường Tiểu học Bàn Cờ (quận 3), chia sẻ: “Đầu năm học, cháu được xếp ngồi ngay bàn đầu, góc ngoài cùng bên phải (tính từ cửa lớp). Do khoảng cách từ chỗ ngồi đến bảng hơi hẹp, so với màn hình LCD đặt ở góc trái lớp chếch một góc chưa đến 300 nên nhiều hôm đi học về, cháu than phiền phải thường xuyên nhoài người sang bạn bên cạnh, cố rướn mắt nhìn nhưng vẫn không đọc rõ chữ trên màn hình”. Đó là chưa kể đối với những lớp sử dụng công nghệ trình chiếu, giáo viên thường đứng ở góc phải bảng tương tác, sử dụng bút điện tử điều khiển các hiệu ứng trên màn hình. Trong trường hợp đó, học sinh ngồi bên trái có thể dễ dàng theo dõi mọi hoạt động của giáo viên. Ngược lại, học sinh ngồi ở góc bên phải gần như không thể thấy gì do toàn bộ thân người giáo viên đã che chắn.

Ngồi nghiêng, mắt nhìn lệch về một bên lâu ngày sẽ ảnh hưởng không tốt đến khả năng điều tiết của mắt, gây ra các tật khúc xạ.

Ngồi nghiêng, mắt nhìn lệch về một bên lâu ngày sẽ ảnh hưởng không tốt đến khả năng điều tiết của mắt, gây ra các tật khúc xạ.

Đặt câu hỏi về việc có hay không việc hoán đổi chỗ ngồi cho học sinh trong cùng một lớp, hiệu trưởng nhiều trường tiểu học chia sẻ, năm học này do áp lực sĩ số từ việc đón nhận “heo vàng” khá cao, các lớp phải bố trí thêm bàn, ghế để giải quyết đủ chỗ học cho tất cả học sinh, nên việc bố trí chỗ ngồi sao cho hợp lý phụ thuộc rất nhiều vào khả năng quán xuyến của giáo viên chủ nhiệm. Mặc dù các trường đều khuyến khích giáo viên thường xuyên thay đổi chỗ ngồi cho học sinh trong cùng một lớp nhưng không phải trường nào cũng làm được. Một giáo viên (xin giấu tên) của Trường Tiểu học An Hội (quận Gò Vấp) bày tỏ, nhiều lúc rất muốn xếp lại vị trí chỗ ngồi cho học sinh để đảm bảo không em nào ngồi quá lâu một chỗ, về lâu về dài ảnh hưởng đến khả năng điều tiết của mắt. Song mỗi khi xếp lại chỗ ngồi phải tính đến nhiều yếu tố: chiều cao, năng lực học tập (đảm bảo tiêu chí đôi bạn cùng tiến, một học sinh giỏi kèm một học sinh trung bình, yếu), tình trạng khuyết tật hoặc đặc điểm riêng biệt của từng học sinh (thuận tay trái, có sẵn dị tật về mắt…). Bố trí sao cho hợp lý là bài toán không dễ đặt ra đối với giáo viên chủ nhiệm.

        Tổ chức lớp học kiểu mới

Mô hình bố trí lớp học theo truyền thống, với những bất cập vừa nêu nên năm học 2012-2013, nhiều trường đã mạnh dạn áp dụng mô hình lớp học kiểu mới (VNEN). Đây là một trong những chương trình thí điểm do Bộ GD-ĐT thực hiện bắt đầu từ năm học 2012-2013 tại 1.447 trường tiểu học thuộc 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Áp dụng mô hình này, lớp học không còn cảnh bàn, ghế kê ngay hàng thẳng lối, mỗi học sinh ngồi cố định ở một chỗ nghe cô giáo giảng bài. Thay vào đó, bàn ghế được xếp thành từng nhóm nhỏ, học sinh ngồi quay lại với nhau thành vòng tròn, tự do trao đổi và hoán đổi vị trí khi cần thiết. Chỉ tính riêng ở TPHCM, Trường Tiểu học Tân Thông (huyện Củ Chi) là đơn vị đầu tiên áp dụng mô hình này. Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết: “Năm học 2014 - 2015, mô hình VNEN được áp dụng ở các trường tiểu học dạy 2 buổi/ngày trên địa bàn 5 huyện ngoại thành. Sau đó, đến năm 2015 - 2016, sẽ được nhân rộng ở tất cả trường tiểu học dạy 2 buổi/ngày trong toàn thành phố”. Đây được xem là một trong những tín hiệu khả quan bước đầu cho việc thực hiện chủ trương đổi mới phương pháp dạy và học đối với giáo dục thành phố, trong đó có bậc tiểu học.

Tuy nhiên, để hoàn thành được mục tiêu đó, thiết nghĩ cần có thêm nhiều văn bản hướng dẫn, cũng như các quy định về giới hạn sĩ số, diện tích phòng học, khoảng cách tối thiểu giữa các dãy bàn, vị trí đặt/treo màn hình LCD, bảng tương tác… để các trường không lúng túng trong việc thực hiện. Trong điều kiện “trường chật, người đông” như hiện nay, sự linh hoạt và chủ động của giáo viên là hết sức cần thiết. Nói như chia sẻ của một giáo viên chủ nhiệm lớp 2 ở quận Phú Nhuận, quy định bằng văn bản hiện nay chưa có, các trường chỉ dựa vào tình hình thực tế chọn ra hình thức tổ chức lớp học phù hợp. Khác biệt vì thế là điều khó tránh khỏi. Về lâu dài, cần sự quan tâm nhiều hơn nữa từ các cấp lãnh đạo, trong đó có các yêu cầu về mặt sĩ số, diện tích, phạm vi trường học để đảm bảo khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

THU TÂM

Tin cùng chuyên mục