Xét tuyển ĐH-CĐ năm 2015: Rối rắm

Xét tuyển ĐH-CĐ năm 2015: Rối rắm

Trong lúc các trường đang rối bời chưa biết xử lý thế nào với chồng chất danh sách thí sinh (TS) đăng ký xét tuyển nguyện vọng (NV) 1, thì bất ngờ Bộ GD-ĐT ra Công văn 4079 hỗ trợ TS thay đổi NV đăng ký xét tuyển vào trường ĐH-CĐ.

Thực tế, việc Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Cục Khảo thí) can thiệp vào chuyện xét tuyển của các trường đã gây khó khăn, giờ lại thêm Sở GD-ĐT, trường THPT can thiệp nữa thì tình hình xét tuyển sẽ rối thêm.

Nút thắt ở Cục Khảo thí

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, nhận xét, có vẻ như hiện nay việc xét tuyển đang rơi vào trạng thái “khủng hoảng thông tin”, gây khó khăn không chỉ cho TS điểm cao mà còn cho chính các trường, nhất là các trường dùng nhiều tổ hợp môn để xét tuyển vào một ngành.  Các TS điểm cao thì muốn trúng tuyển vào trường tốp trên, ngành hấp dẫn, trong khi trường thì cũng muốn xét tuyển được TS giỏi. Những hướng dẫn của Cục Khảo thí rối rắm, mù mờ và đôi khi mâu thuẫn làm cho TS (nhất là TS điểm cao) rất muốn biết mình có thể trúng tuyển (đậu) hay rớt, nhưng các trường lại “không được phép để TS hiểu nhầm điểm trúng tuyển tạm thời, gây hoang mang cho các em”. Điều nguy hiểm cho chính các TS hiện nay là việc rút hồ sơ phải đi kèm (ngay lập tức) việc trả dữ liệu của TS về kho dữ liệu chung của Cục Khảo thí để TS có thể tham gia xét tuyển ở ngành mới, trường mới. Thực tế đã xuất hiện những trường hợp TS tuy đã rút hồ sơ ở trường này nhưng chưa thể xuất hiện trong danh sách các trường khác vì dữ liệu ở trường cũ chưa xóa. Do đó, nút thắt đang nằm ở Cục Khảo thí của Bộ GD-ĐT.

Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông lâm TPHCM cho biết, trường hoàn toàn phụ thuộc vào Cục Khảo thí trong quá trình xử lý hồ sơ, dữ liệu TS đăng ký xét tuyển. Quy trình hiện nay là trường nhận hồ sơ rồi tiến hành quét mã vạch, xuất ra file Excel. Sau đó chuyển file Excel cho Cục Khảo thí rồi chờ họ chuyển lại cho trường để công bố danh sách trên website của trường.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nhiều trường đã sử dụng phần mềm riêng để xét tuyển. Tuy nhiên, tất cả đều “ôm chân” ngồi chờ vì dữ liệu Cục Khảo thí nắm và hoàn toàn “ém” thông tin của TS nên các trường không thể chủ động được trong việc rà soát điểm ưu tiên khu vực, đối tượng ưu tiên. Trong khi đó, Trường ĐH Cần Thơ đã sử dụng phần mềm riêng và chủ động xin được dữ liệu từ các cụm thi tại khu vực Tây Nam bộ.

Càng thêm rối

Sau khi Công văn 4079 được Bộ GD-ĐT ban hành cuối ngày 11-8, ngay lập tức rất nhiều chuyên gia và các trường ĐH-CĐ tỏ ra không đồng tình và dự báo nếu thực hiện sẽ tạo nên sự rối loạn trong công tác xét tuyển của các trường.

Không đồng tình với Công văn 4079, Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng: “Cục Khảo thí quy định cho các trường THPT và Sở GD-ĐT “chen chân” vào quy trình xét tuyển thì e rằng việc xét tuyển sẽ càng thêm rối rắm, chậm chạp chứ không “thông suốt”, trong khi tất cả các trường ĐH-CĐ và hàng trăm ngàn TS đang nhấp nhỏm vì thời gian xét tuyển đợt 1 chỉ còn vài ngày. E rằng mong muốn của bộ trưởng “không để TS điểm thấp đậu đại học” sẽ không thực hiện được. Cục Khảo thí không thể hành xử như thế với các trường được”.

Thí sinh chờ rút hồ sơ tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM.

Theo PGS-TS Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, cách làm của Bộ GD-ĐT là “đẽo cày giữa đường” nên cho dù mong muốn cho TS đăng ký thay đổi NV tại các sở GD-ĐT hay các trường THPT để tạo thuận lợi, nhưng không mang lại hiệu quả. Cách làm này chỉ làm cho rối càng thêm rối mà thôi. Thực tế cho thấy, sở dĩ rối là do TS đăng ký xét tuyển NV1 quá đông nên các trường xử lý không kịp và một phần quá thụ động, phụ thuộc vào phần mềm xét tuyển của Bộ GD-ĐT. Thứ hai, sai lầm của Bộ GD-ĐT là ép cho TS chọn 4 NV trong cùng một trường đã gây ra sự nhiễu loạn trong việc xét tuyển của các trường. Thực tế, nếu TS trúng cả 4 NV nhưng chỉ lấy được 1 NV mà thôi, 3 NV còn lại là ảo.

Một nguyên nhân nữa theo PGS-TS Đỗ Văn Xê, là nhiều trường vô trách nhiệm với TS. Các trường hoàn toàn ngồi chờ vào phần mềm của bộ mà không có sự chuẩn bị trước. Buồn hơn là khi TS nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển, các trường không công bố và cập nhật thông tin kịp thời cho TS nắm rõ. Điều này đã khiến cho sự nôn nóng, hồi hộp của TS và phụ huynh càng bị đẩy lên cao. 

Tiến sĩ Trần Đình Lý băn khoăn: “Thực ra, Bộ GD-ĐT ban hành Công văn 4079 là theo dư luận và muốn tốt cho TS. Tuy nhiên, nếu muốn làm việc tốt mà cách làm không đúng thì kéo theo các bên liên quan sẽ rất vất vả. Thực tế, nếu Bộ GD-ĐT để các sở GD-ĐT, các trường THPT tiếp nhận đăng ký thay đổi, chỉnh sửa NV sẽ khiến cho công tác xét tuyển các trường cực kỳ rối”.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn tra cứu các thông tin tuyển sinh và cập nhật thông tin đăng ký xét tuyển của các trường đại học, cao đẳng, ngày 12-8, Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi các sở GD-ĐT đề nghị chỉ đạo các trường THPT mở các phòng máy tính, bố trí cán bộ kỹ thuật để trợ giúp thí sinh tra cứu và cập nhật thông tin. Đồng thời, thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương để thí sinh biết.

Trước đó, Bộ GD-ĐT đã có công văn đề nghị các sở GD-ĐT phối hợp với các trường ĐH-CĐ tiếp tục cho thí sinh đăng ký xét tuyển và thay đổi nguyện vọng theo quy định của Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy. Thí sinh có nguyện vọng rút hồ sơ đăng ký xét tuyển và nộp vào trường khác thì được trực tiếp rút hồ sơ tại trường (theo quy định hiện hành), hoặc có thể tới Sở GD-ĐT địa phương hay tới các trường THPT do Sở GD-ĐT quy định để nộp hồ sơ đề nghị điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển.

LÂM NGUYÊN


THANH HÙNG

Tin cùng chuyên mục