Thiết thực với sản phẩm sáng chế

Thiết thực với sản phẩm sáng chế

Tại lễ trao Giải thưởng Sáng chế TPHCM lần thứ IV vừa được tổ chức tại TPHCM, ông Trịnh Minh Tâm, Phó Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ (KH-CN) TPHCM, cho biết 10 sáng chế đoạt giải lần này đều đã được Hội đồng Xét giải liên quan đánh giá, góp ý và phản biện rất nhiều về các khía cạnh thương mại của sáng chế, để kiến nghị trao các giải tương ứng theo mức độ và tiềm năng thương mại hóa tính đến thời điểm xét giải, đặc biệt là hai sáng chế đoạt giải nhất.

Bộ bàn ghế phòng ngừa và điều trị các bệnh cột sống

Đầu tiên là “Bộ bàn ghế dùng để phòng ngừa và điều trị các bệnh cột sống” thuộc Bằng độc quyền Giải pháp hữu ích số 1375 của tác giả - đồng thời là chủ sở hữu - bác sĩ Phạm Thị Kim Loan, đã thể hiện rõ nét vai trò của các sáng chế độc quyền trong hoạt động sáng tạo và kinh doanh. Bộ bàn ghế này không chỉ phục vụ người tiêu dùng mà nó còn là sáng chế vừa giúp hạn chế các nguy cơ về bệnh cột sống do các tư thế sai trong lao động hoặc sinh hoạt hàng ngày, vừa hỗ trợ chỉnh lý cột sống lưng cho người đã có các bệnh lý phát sinh từ các tổn thương ở cột sống lưng.

Các sản phẩm từ “Quy trình chiết chọn lọc phân đoạn alcaloid có hoạt tính sinh học điều trị bệnh ung thư từ lá cây Trinh nữ hoàng cung”Ảnh: T.BA

Với lợi ích như vậy, về mặt thương mại hóa, sáng chế đã nhanh chóng đáp ứng được nhu cầu bảo vệ sức khỏe của cộng đồng với doanh thu tăng đều đặn trên 150%/năm và đã đạt trên 100 tỷ đồng kể từ năm 2013, sau khi Sở KH-CN cấp Giấy chứng nhận Doanh nghiệp KH-CN cho Công ty TNHH Ngân Hà do tác giả thành lập. Sản phẩm cũng đã bước đầu được cung cấp ra thị trường nước ngoài. Với thị trường tiềm năng rất lớn của bằng độc quyền, chủ sở hữu sáng chế có thể chủ động cân bằng giữa tốc độ phát triển kinh doanh với hoạt động liên tục cải tiến nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, mà không e ngại bị các đối thủ cạnh tranh lấn chiếm thị phần.

Cần nói thêm, khi có “quyền sáng chế” thì song song với nó là quyền sở hữu trí tuệ. Sáng chế này cũng đã nhận bằng độc quyền tại Hoa Kỳ, Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc). Các loại ghế cải tiến từ sáng chế này và các sản phẩm liên quan có cùng chức năng chăm sóc cột sống như gối, đệm, dép của tác giả đã nhận 12 bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích khác và 25 bằng độc quyền kiều dáng công nghiệp tại nhiều nước như Singapore, New Zealand, Úc… Đồng thời, đang được xem xét tại hơn 50 nước khác nhau, càng làm tăng giá trị thương mại hóa sản phẩm.

Kỳ vọng từ trinh nữ hoàng cung

Giải nhất khác của Giải thưởng Sáng chế TPHCM được trao đến Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm, tác giả đồng thời là chủ sở hữu của hai sáng chế: “Quy trình chiết chọn lọc phân đoạn alcaloid có hoạt tính sinh học điều trị bệnh ung thư từ lá cây trinh nữ hoàng cung” thuộc bằng độc quyền Giải pháp hữu ích số 1168; sáng chế thứ hai là “Quy trình chiết chọn lọc phân đoạn chứa flavonoid có hoạt tính sinh học hỗ trợ điều trị bệnh ung thư từ lá cây trinh nữ hoàng cung”, thuộc bằng độc quyền Giải pháp hữu ích số 1213. Những sáng chế này tiếp tục cho thấy sự kết hợp hoạt động sở hữu trí tuệ vào chiến lược kinh doanh là hết sức cần thiết.

Bắt đầu từ bằng bảo hộ Giống cây trồng số 2015 cho giống cây trinh nữ hoàng cung được chọn tạo chuyên biệt để tạo nguồn nguyên liệu, tác giả đã có bằng độc quyền Giải pháp hữu ích số 483 và tiến hành chuyển giao công nghệ để đưa vào thị trường thuốc Crila, điều trị phì đại lành tính tuyến tiền liệt và u xơ tử cung, được phân phối rộng rãi trên toàn quốc từ năm 2005. Doanh thu các sản phẩm này hiện đã vượt trên 200 tỷ đồng, bước đầu xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Từ đó, tác giả Nguyễn Thị Ngọc Trâm đã có đủ nguồn lực để tự đầu tư thành lập Công ty TNHH Thiên Dược đạt chuẩn GMP-WHO, GSP, GLP, với quy mô 1ha nhà xưởng, đạt công suất 1 triệu viên/ngày và hơn 20ha nông trại, tiếp tục nghiên cứu phát triển và bảo hộ hai sáng chế dự giải với các quy trình có thể chiết và tách được các phân đoạn alcaloid và flavonoid có hoạt tính sinh học, kích thích miễn dịch, ngăn ngừa sự phát triển của tế bào u; tạo nguyên liệu sản xuất thuốc Crilin giúp điều trị các bệnh ung thư gan, phổi, tuyến tiền liệt và một số bệnh ung thư khác, có thể nhanh chóng thương mại hóa trên kênh phân phối hiện có của thuốc Crila.

Những giải thưởng đáng chú ý

Ba giải nhì được trao cho ông Đồng Xuân Dũng, tác giả bằng độc quyền Giải pháp hữu ích số 1202 “Miệng cống thoát nước có lưới chắn rác cố định và miệng thu nước được chế tạo liền khối”, chủ sở hữu là Công ty cổ phần Giải pháp xây dựng HT. Giải nhì khác của ông Trần Chí, chủ sở hữu kiêm tác giả của bằng độc quyền Giải pháp hữu ích số 1035 “Cơ cấu lắp mặt tản gió dùng cho quạt điện dạng hộp”. Giải nhì thứ ba được trao cho ông Nguyễn Hùng Quân, tác giả của bằng độc quyền Sáng chế số 14323 “Bộ đa phân luồng dữ liệu nhận trong vi mạch điều khiển bus mạng khu vực”, do Đại học Quốc gia TPHCM là chủ sở hữu.

Giải ba được trao tặng cho ông Nguyễn Tuấn Anh, tác giả kiêm chủ sở hữu của bằng độc quyền Sáng chế số 12136 “Ghế đa năng”, có chân ghế có thể thay đổi độ cao và mặt ghế có thể thay đổi độ cao theo chân ghế.

Bốn giải khuyến khích được trao cho ông Trần Trung Nghĩa, tác giả bằng độc quyền Sáng chế số 15098 “Gạch ống xi-măng cốt liệu” do Công ty cổ phần Chế tạo máy và sản xuất vật liệu mới Trung Hậu là chủ sở hữu. Ông Ngô Đắc Thuần và ông Nguyễn Long Uy Bảo, đồng tác giả của bằng độc quyền Sáng chế số 14087 “Hệ thống cảnh báo việc đặt chân và xử lý tình trạng đạp nhầm chân ga của người lái xe ô tô tự động” do ông Ngô Đắc Thuần là chủ sở hữu. Ông Nguyễn Đình Phương, tác giả kiêm chủ sở hữu bằng độc quyền Giải pháp hữu ích 1223 “Bẫy bắt chuột tự động” và ông Nguyễn Phi Bằng, tác giả kiêm chủ sở hữu bằng độc quyền Giải pháp hữu ích 1282 “Cơ cấu cất xe tiết kiệm không gian” ª

BÁ TÂN

Tin cùng chuyên mục