Thực hiện gói kích thích kinh tế tiếp theo - Cần nhưng phải khác trước

Chưa hết khó khăn
Thực hiện gói kích thích kinh tế tiếp theo - Cần nhưng phải khác trước

Nhằm hoàn thiện đề án gói kích thích kinh tế tiếp theo để trình Chính phủ, ngày 17-9, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Đức Thúy đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND TPHCM, các sở ngành cùng cộng đồng các doanh nghiệp ở TPHCM.

Công nhân Công ty thực phẩm QVD (Đồng Tháp) chế biến cá ba sa xuất khẩu qua thị trường Mỹ. Ảnh: THÀNH TÂM

Công nhân Công ty thực phẩm QVD (Đồng Tháp) chế biến cá ba sa xuất khẩu qua thị trường Mỹ. Ảnh: THÀNH TÂM

Chưa hết khó khăn

Theo báo cáo của UBND TPHCM, tính đến cuối tháng 8-2009, tổng vốn đã giải ngân trong chương trình kích cầu của Chính phủ là 80.222 tỷ đồng, trong đó vốn cho vay ngắn hạn chiếm đến 75.799 tỷ đồng. Còn trong chương trình kích cầu của TP thì tổng vốn đã và sẽ giải ngân của 3 đợt với 49 dự án là 5.466 tỷ đồng; trong đó riêng trong đợt 2 có 14 dự án công nghiệp trọng yếu sẽ đi vào hoạt động vào quý 1-2010, góp phần thúc đẩy phát triển ngành và tạo ra thêm khoảng 2.500 việc làm mới.

Kể từ khi có kích cầu (tháng 2-2009), giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) bắt đầu tăng dần và 8 tháng đầu năm 2009 giá trị SXCN đã tăng 5,5% so cùng kỳ; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ từ tháng 3-2009 đến nay tăng trưởng bình quân 18%/tháng so cùng kỳ; trong 6 tháng đầu năm 2009 TP cũng đã giải quyết được việc làm mới cho 17.260 lao động.

Tuy nhiên, thực tế triển khai chương trình kích cầu đã phát sinh không ít vướng mắc. Theo Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TPHCM Hồ Hữu Hạnh, nhiều DN, tổ chức và cá nhân đã rất khó khăn để chứng minh mục đích sử dụng vốn và mình thuộc diện được hỗ trợ lãi suất (HTLS). Mặt khác, các DN cũng “đau đầu” trong việc chứng minh nguồn gốc hàng hóa, nguyên liệu. Không những vậy, quan trọng hơn, mặc dù có được thuận lợi ở “đầu vào” và có nhu cầu về vốn nhưng nhiều DN không dám vay vì không tìm được đơn đặt hàng.

Còn Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DN TPHCM Phạm Ngọc Hưng thì cho rằng, do khách quan nên phần lớn DN chưa đáp ứng được đầy đủ hồ sơ thủ tục vay vốn của các ngân hàng. Nguyên nhân chủ yếu là đa phần DN có trình độ quản trị tài chính “thô sơ”, thiếu tài sản thế chấp trong khi hiệp hội cũng không bảo lãnh được (!). Bên cạnh đó, chính sách thuế cũng còn rối rắm và ưu đãi thiếu phù hợp thực tế nên cũng gây khá nhiều trở ngại cho việc đầu tư sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của DN.

Tập trung hỗ trợ xuất khẩu?

Với tình hình thực tế đó, ông Hồ Hữu Hạnh cho rằng thực hiện gói kích thích kinh tế thứ hai là cần thiết trong điều kiện DN vẫn còn chưa thực sự phát triển ổn định và bền vững. Đặc biệt thị trường tiêu thụ hàng xuất khẩu vẫn còn phụ thuộc lớn vào sự phục hồi của kinh tế thế giới. Từ đó, ông Hạnh đề xuất nên thu hẹp phạm vi và đối tượng được HTLS theo hai phương án: Chỉ hỗ trợ lĩnh vực sản xuất kinh doanh xuất khẩu gồm các DN tham gia trong “dây chuyền” khép kín cung cấp nguyên liệu-sản xuất và tiêu thụ, hoặc tiếp tục như gói kích cầu hiện hữu.

Ông Hạnh phân tích, nếu hỗ trợ xuất khẩu thì sẽ thúc đẩy không chỉ hoạt động này mà còn “kích” được cả các mảng liên quan như phát triển vùng nguyên liệu, sản xuất, chế biến và dịch vụ “ăn theo”… Bên cạnh đó, nên tiếp tục chương trình HTLS trung dài hạn, nhưng điều chỉnh đối tượng được thụ hưởng theo hướng chỉ cho vay dự án xuất khẩu các mặt hàng chủ lực hoặc có giá trị kinh tế cao, đồng thời duy trì kích cầu khu vực nông nghiệp và nông thôn.

Đồng tình với ý kiến trên, Tổng Giám đốc Ngân hàng Xuất nhập khẩu VN (Eximbank) Trương Văn Phước cũng khẳng định: Để nền kinh tế tăng trưởng trong sự “bằng phẳng” thì cần thực hiện gói kích thích thứ 2. Theo ông Phước, ở gói kích thích này, không chỉ là giảm lãi suất bao nhiêu, xem xét lại đối tượng thụ hưởng mà còn phải có giải pháp phối hợp các chính sách tiền tệ và tài khóa, lãi suất phải phù hợp trong điều kiện của một nền kinh tế đang từng bước ra khỏi khủng hoảng, mặt bằng lãi suất phải đồng đều hơn cho cả nền kinh tế.

Ông Phước kiến nghị, gói kích thích thứ 2 nên triển khai trong thời gian tối đa 6 tháng với lãi suất không quá 2%/năm; thu hẹp đối tượng để tránh lợi dụng HTLS, ưu tiên hỗ trợ cho các DN ở lĩnh vực xuất nhập khẩu và sử dụng nhiều lao động như may mặc, da giày, thủy sản… Ngoài ra, cần có những chính sách tín dụng ngoại tệ phù hợp hơn, điều chỉnh việc sử dụng đồng USD để giảm chi phí sử dụng vốn cho DN.

Còn ông Phạm Ngọc Hưng thì bổ sung, hỗ trợ DN xuất nhập khẩu là cần thiết nhưng với thời điểm cận tết và chúng ta đang phát động phong trào ưu tiên dùng hàng Việt thì các ngành sản xuất hàng tiêu dùng phải được quan tâm đặc biệt hơn nữa.

Hoàng Liêm

Tin cùng chuyên mục