Đằng sau cuộc thi hoa hậu bất thành ở Tiền Giang: Công ty CPDL Tiền Giang giá bao nhiêu?

Sau khi thông tin liên tiếp nhiều sự việc liên quan đến cổ phần hóa của Công ty cổ phần du lịch Tiền Giang (CTCPDLTG) trên báo SGGP, từ các tài liệu có được chúng tôi đã giải đáp phần nào những vấn đề mà dư luận đã hoài nghi.Bán được 17,7 tỷ đồng!

Sau khi thông tin liên tiếp nhiều sự việc liên quan đến cổ phần hóa của Công ty cổ phần du lịch Tiền Giang (CTCPDLTG) trên báo SGGP, từ các tài liệu có được chúng tôi đã giải đáp phần nào những vấn đề mà dư luận đã hoài nghi.

Bán được 17,7 tỷ đồng!

Trước khi cổ phần hóa, Công ty Du lịch Tiền Giang là con chim “đầu đàn” về du lịch nói riêng và kinh tế nói chung của tỉnh Tiền Giang. Vì thế hầu hết mặt bằng nhà hàng, khách sạn có vị trí đẹp… đều được giao cho công ty quản lý, khai thác kinh doanh. Thực hiện chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp, ngày 12-1-2005 UBND tỉnh Tiền Giang ban hành quyết định số 109/QĐ- UB phê duyệt phương án và chuyển Công ty Du lịch Tiền Giang thành CTCPDLTG. Từ đây, chỉ 4 năm sau công ty này đã “lột xác” hoàn toàn, chuyển sang 100% tư nhân.

Hành trình cổ phần hóa của Công ty Du lịch Tiền Giang chia làm bốn giai đoạn. Đầu tiên, theo quy định của nhà nước, công ty bán ưu đãi 203.000 cổ phần cho người lao động trong công ty, số tiền thu được hơn 2 tỷ đồng.

Cuộc đấu giá lần thứ hai thực hiện vào ngày 18-2-2005, số lượng cổ phần là 140.000, bán rộng rãi ra công chúng. Giá đấu thành công bình quân là 10.885 đồng/cổ phiếu, số tiền thu được là 1,524 tỷ đồng. Lần thứ ba thực hiện đấu giá vào ngày 3-8-2006, số lượng cổ phần bán ra là 147.000, giá trúng là 45.200 đồng/cổ phiếu, số tiền thu được là 6,64 tỷ đồng.

Lần cuối cùng bán đấu giá toàn bộ 30% số cổ phần nhà nước nắm giữ thực hiện vào ngày 10-3-2009, số tiền thu được là 7,56 tỷ đồng. Tổng cộng 4 đợt bán đấu giá với tổng cộng 700.000 cổ phiếu, số tiền thu được là 17,7 tỷ đồng (làm tròn số)!

Sự “xầm xì” của dư luận về việc thôn tính của gia đình Hoàng Kiều được “giải mã” theo kết luận của Thanh tra tỉnh Tiền Giang tháng 7-2009. Theo đó, số cổ phần gia đình ông Hoàng Kiều nắm giữ là 96,53%, trong đó ông Hoàng Kiều nắm giữ 32,53%, ông Hoàng Sammy Hùng (con Hoàng Kiều) nắm giữ 30% và Đào Thị Lan Phương (vợ Hoàng Kiều) nắm giữ 34%. Việc mua cổ phiếu của gia đình này trúng đấu giá vào đợt đấu giá thứ 3 và thứ 4 với tổng số tiền hơn 14 tỷ đồng. Số cổ phần còn lại mua “trôi nổi” trên thị trường.

Việc đấu giá của CTCPDLTG gây nhiều hoài nghi cho dư luận. Tại sao lần cuối cùng lại thực hiện vào tháng 3-2009 khi mà thời điểm thị trường chứng khoán cực kỳ khó khăn, chỉ số VN Index giảm xuống gần 300 điểm? Mặt khác, 7 nhà đầu tư tham gia đấu giá lần này lại chỉ bỏ giá sàn, có phải thực sự muốn đấu giá để mua hay chơi trò “quân xanh, quân đỏ”? Đặc biệt, tại sao khi tính toán cổ phần hóa, cơ quan chức năng không tính toán giá trị thương hiệu của công ty – một công ty lớn của tỉnh, vị trí vàng của từng mặt bằng? Như vậy việc “bán” công ty này và thu được 17,7 tỷ đồng liệu có tính đúng, tính đủ?

Đất công tính giá nào?

Đối với CTCPDLTG, giá trị lớn nhất sau cổ phần hóa không phải là tài sản trên đất mà chính là các mặt bằng đất đai nhà hàng, khách sạn, khu du lịch. Theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch- Đầu tư tỉnh Tiền Giang cấp cho CTCPDLTG vào ngày 30-10-2009, bao gồm 10 mặt bằng: Nhà hàng Sông Tiền, Khách sạn Sông Tiền, Nhà hàng Trung Lương, Nhà hàng Quê Hương, Nhà hàng Cửu Long, Nhà hàng Thới Sơn, Phòng hướng dẫn và nhà hàng du lịch, Cửa hàng kinh doanh tổng hợp, Khách sạn Hướng Dương đều thuộc thành phố Mỹ Tho; Nhà hàng Hương Biển thuộc huyện Gò Công Đông.

Theo số liệu chúng tôi có được, tổng diện tích đất công mà công ty này sở hữu là 216.000m². Vấn đề đặt ra là ngần ấy đất công, hàng năm CTCPDLTG nộp cho ngân sách được bao nhiêu tiền?

Thể hiện trong nhiều tài liệu, việc tính toán cho thuê một số mặt bằng chưa thật sòng phẳng. Chẳng hạn, thời điểm 31-12-2003, khi xác định giá trị công ty, Hội đồng xác định giá trị doanh nghiệp đều ghi rõ: giá trị doanh nghiệp không bao gồm giá trị đất, “công ty cổ phần hóa sau khi chuyển sang công ty cổ phần vẫn kế thừa hợp đồng thuê đất và có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định về sử dụng đất đai của Nhà nước theo quy định”.

Việc kế thừa hợp đồng thuê đất như thế nào, theo giá cũ hay giá thị trường chúng tôi không rõ, nhưng trong kết luận của Thanh tra tỉnh Tiền Giang đã nêu một trường hợp cho thuê đất với giá rẻ mạt: “Qua công tác kiểm tra thực hiện nghĩa vụ thuế hàng năm tại các cơ sở, phát hiện công ty chưa kê khai nộp tiền thuê đất với diện tích 17.333m² tại nhà hàng Hương Biển trong 3 năm 2006, 2007 và 2008 với số tiền là 10.192.274 đồng”.

Từ đây có thể suy ra rằng, mỗi năm nhà hàng Hương Biển với diện tích lớn và vị trí đẹp như vậy chỉ đóng tiền thuê đất mỗi năm có 3,39 triệu đồng? Thật không thể tưởng tượng!

Đến đây, có thể đặt dấu hỏi, toàn bộ công sản đang nằm trong tay CTCPDLTG được định đoạt theo hình thức nào và khi đã chuyển sang 100% tư nhân liệu chính quyền tiếp tục cho thuê theo giá “bao cấp” hay theo giá thị trường? 

LƯƠNG THIỆN - HỒNG HIỆP

- Thông tin liên quan:

>> Đằng sau cuộc thi hoa hậu bất thành ở Tiền Giang: Chuyện chưa kể về “ông chủ” mới

>> Lộ chuyện rút ruột tài sản công?

Tin cùng chuyên mục