Năm du lịch quốc gia 2012 - Phát triển du lịch văn hóa

Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng
Năm du lịch quốc gia 2012 - Phát triển du lịch văn hóa

Tối 24-3, Ban tổ chức Năm du lịch quốc gia duyên hải Bắc Trung bộ - Huế 2012 phối hợp với Trung tâm truyền hình Việt Nam tại Huế tổ chức chương trình giao lưu đối thoại trực tiếp với các nhà làm du lịch và đại diện lãnh đạo các tỉnh Bắc Trung bộ về phát triển du lịch lên tầm cao mới.

Đầu tư sản phẩm làng nghề truyền thống để thu hút khách du lịch.

Đầu tư sản phẩm làng nghề truyền thống để thu hút khách du lịch.

Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, cho hay: “Du lịch Việt Nam rất giàu có về tài nguyên và tiềm năng du lịch, đặc biệt là du lịch biển, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái. Chúng ta có hệ thống các di sản tự nhiên và văn hóa độc đáo được UNESCO công nhận di sản thế giới.

Điểm qua từ Bắc vào Nam đều có các điểm du lịch nổi tiếng. Hạ Long là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới. Tiếp đến Hà Giang, Sa Pa, Điện Biên, kết nối ba vùng này lại sẽ là điểm đến độc đáo mà du khách trong nước và quốc tế đều muốn khám phá. Quảng Bình có Vườn Phong Nha Kẻ Bàng. Thừa Thiên - Huế với 2 di sản thế giới là hệ thống quần thể di tích cố đô Huế, nhã nhạc cung đình đang được khai thác du lịch khá tốt. Quảng Nam có phố cổ Hội An và tháp Chăm Mỹ Sơn.

Phát triển du lịch ở Hội An là trường hợp thành công điển hình. Nơi đây lấy phố cổ làm động lực để kết nối với Mỹ Sơn, Đà Nẵng, cửa Đại... Sự hiếu khách và nhiệt tình của người dân Hội An được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao. Hiện nay, người Hội An tổ chức thành công một sản phẩm du lịch mới “Một ngày làm nông dân”, giúp du khách có trải nghiệm thú vị về nông dân, nông thôn Việt Nam khi tham gia tour này... Tuy nhiên, so với tiềm năng mà chúng ta có thì du lịch phát triển chưa tương xứng. Chúng ta đang tiến tới hình thành thương hiệu du lịch Việt có tính cạnh tranh. Muốn như thế cần phải có tính chuyên nghiệp, hiện nay tính chuyên nghiệp trong du lịch ở ta còn hạn chế. Hiện Bộ VH-TT-DL đang quan tâm gắn kết di sản và du lịch và làm cho các tài nguyên văn hóa các di sản trở thành điểm đến hấp dẫn.

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng: Muốn phát triển du lịch mạnh hơn nữa cần liên kết hiệp hội du lịch với các địa phương, liên kết các doanh nghiệp. Đồng thời kết nối với các thị trường quốc tế tiềm năng (Đông Á, châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ…). Liên kết hội ngành nghề và các cơ quan nhà nước, đưa chính sách chủ trương đến với doanh nghiệp du lịch. Vấn đề là đặt ra chính sách đúng để du lịch Việt Nam phát triển và bền vững. Hiện nay, chúng ta mới đạt 6 triệu khách quốc tế/năm, do chúng ta chưa phát huy đúng tầm của tiềm năng du lịch sẵn có. Cần có những thương hiệu du lịch như Festival Huế, phố cổ Hội An.

Ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế đang tập trung phục dựng những lễ hội truyền thống để thu hút khách du lịch. Ảnh: Ng.Hùng

Ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế đang tập trung phục dựng những lễ hội truyền thống để thu hút khách du lịch. Ảnh: Ng.Hùng

Cần liên kết để phát triển du lịch ở miền Trung

Theo ông Vũ Thế Bình, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), miền Trung là nơi giàu tài nguyên du lịch nhất cả nước. Tuy nhiên, các công ty lữ hành miền Trung quá ít: ở Đà Nẵng có 13 công ty, Huế 11, Quảng Nam 6… Từ tài nguyên du lịch đến sản phẩm du lịch là một quá trình, cần phải “thiết kế” những sản phẩm du lịch độc đáo mới hút được khách. Nhưng sản phẩm du lịch nhiều nơi còn đơn điệu, việc kết hợp các doanh nghiệp du lịch còn quá yếu.

Theo ông Bình, lãnh đạo các tỉnh miền Trung cần thành lập quỹ hỗ trợ du lịch. Quỹ này dùng để xúc tiến mở đường bay quốc tế, hỗ trợ các hãng lữ hành xây dựng sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá du lịch. Còn ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Nam, cho rằng: Hiện nay, sự gắn kết giữa các công ty lữ hành và các đơn vị lưu trú trong vùng chưa chặt chẽ. Việc quảng bá du lịch ở các địa phương còn rời rạc nên chưa thu hút tối đa được du khách.

Ngay cả tỉnh Thừa Thiên - Huế được xem là trung tâm văn hóa du lịch của cả nước, vậy nhưng, ngoài Festival Huế, các sản phẩm du lịch còn lại vẫn đơn điệu. Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VH-TT-DL Thừa Thiên-Huế, cho biết thời gian lưu trú bình quân của khách tại Huế 2,06 ngày. Việc du lịch Huế chưa phát triển mạnh, do chưa thiết lập được các đường bay trực tiếp với nước ngoài, liên kết du lịch giữa Huế và các vùng còn yếu. Có nhiều di tích đặc biệt nhưng thiếu vốn trùng tu. Các tài nguyên biển, đầm phá phong phú nhưng quảng bá, kết nối đến du khách chưa cao… Thời tiết khắc nghiệt cũng là trở ngại lớn đối với du lịch ở Huế. Mùa cao điểm khách châu Âu đến Việt Nam thì ở Huế vào mùa mưa, việc đi lại khó khăn”.

Còn ở Quảng Trị, vùng đất của di tích lịch sử của chiến tranh nơi có thành cổ, Nghĩa trang Trường Sơn, cầu Hiền Lương, địa đạo Vịnh Mốc… rất phù hợp cho du lịch hoài niệm. Ông Nguyễn Đức Chính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết: “Với lợi thế địa phương, tỉnh Quảng Trị đã xây dựng tour du lịch “Hoài niệm về chiến trường xưa”. Hàng năm, tour du lịch này thu hút 500.000 lượt khách đến với Quảng Trị. Tuy nhiên, vẫn chưa trở thành thương hiệu mạnh do hạ tầng phục vụ du lịch còn hạn chế, việc quảng bá chưa đúng tầm”.

Phan Lê

Tin cùng chuyên mục